Xót xa người mẹ mù lòa gần 50 năm nuôi con điên dại!

Thứ Tư, 24/10/2018, 07:06
Ở tuổi 88, bà Nguyễn Thị Hồ - người mẹ mù lòa chỉ có 2 thứ "tài sản" quý giá nhất, đó là chiếc radio và đứa con gái 48 tuổi ngây dại. Hai mẹ con bà Hồ sống trong một căn nhà nhỏ lụp xụp nằm sâu trong hẻm mà khi vừa bước vào chúng tôi đã ngửi thấy mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc. 

Xung quanh căn phòng nhỏ là những túi nilon rách, chai lọ, lon bia treo lủng lẳng. Ban thờ cũng bám đầy bụi bẩn, có lẽ đã từ rất lâu rồi không có người thắp hương.

Chúng tôi về thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Hồ, người mẹ già vò võ nuôi con điên dại gần 50 năm qua. Một người phụ nữ nhanh nhẹn: "Bà Hồ à, nhà bà ấy ở tận sâu trong ngõ này, các anh cứ đi theo tôi, tôi cũng đang mang cho mẹ con bà ấy mớ rau đây. Nhà bà này hoàn cảnh lắm, mẹ già bị mù lại nuôi cô con gái điên dại. Cuộc sống dựa nhờ vào lòng hảo tâm của bà con lối xóm…".

Bà Nguyễn Thị Hồ lần từng bước chân để mở cửa nhà.

Theo bước chân của người chỉ đường, chúng tôi gặp bà Hồ đang men theo bức tường cũ kĩ, tay cầm túi nilon đựng chiếc bánh mì đã mốc ra đến gần cổng. Sau vài câu chào hỏi, bà lão khắc khổ lại cầm túi bánh mì ấy dò dẫm cùng chúng tôi quay vào nhà. Vừa đi bà vừa nói: "Bánh mì mọi người cho nhưng tôi không ăn hết, giờ bị mốc, tôi đang cầm cho hàng xóm nấu cho lợn ăn. Các anh đến đây thì vào nhà chơi, mai tôi mang cho họ cũng được".

Ngay trước cửa căn nhà, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp giấy, túi nilon vất la liệt, những vết đen nhẻm trên tường in dấu lại bàn tay lam lũ đã bao lần bấu víu vào như muốn tìm chỗ dựa của 2 mảnh đời cùng cực.

"Toàn đồ của con gái tôi đó, hằng ngày nó cứ đi lang thang, ai cho nó gì thì nó cầm cái đó. Nó mang về nhiều thứ lắm, hôm vài cái chai, lon bia, hộp giấy. Cũng có hôm người ta cho thức ăn, mớ rau, cân gạo...", bà Hồ chia sẻ.

Mở cửa nhà, bà Hồ men theo tường, lần tay run run bật công tắc điện. Ánh sáng điện không còn ý nghĩa với cụ bà đã mù lòa suốt 3 năm nay. Chúng tôi đã mong giá như bà Hồ đừng bật điện, để không phải chứng kiến rõ nét cảnh bần hàn đến xót lòng của 2 mảnh đời cô quạnh.

Căn nhà rộng khoảng 20m2 của bà lão mù và cô con gái điên bừa bộn, mùi ẩm mốc nồng nặc xông vào mũi. Chiếc giường được coi là nơi sạch sẽ nhất trong nhà bà Hồ nhưng chiếu cũng lấm lem, chăn, gối đã từ lâu không có người giặt. 

Chạn để bát đĩa của bà Hồ nhem nhuốc như lâu không được rửa.

"Tôi giờ mù lòa và con điên dại nên trong phòng không được gọn gàng. Mọi đồ vật đều phải bỏ trong thùng nhôm hoặc chậu nhôm, không là chuột ăn hết. Thùng gạo tôi phải đựng bằng thùng nhôm và đè chặt bằng cái thớt. Thức ăn thì tôi nấu rồi để trong bát ở trong cái chậu trước mặt các anh ấy", bà Hồ vừa nói vừa chỉ xuống cái chậu trước mặt chúng tôi.

Bà Hồ ngậm ngùi kể về cuộc sống lận đận của mình cho chúng tôi nghe: Bà lấy chồng lần đầu, sinh được người con trai thì bị cảm qua đời. Không lâu sau, bà nhận được giấy báo tử của chồng trong chiến trận. Vài năm sau đó, bà lấy chồng lần thứ hai ở thôn Đào Nguyên và sinh được người con gái tên Hồng. Từ nhỏ đến khi 8 tuổi, Hồng khỏe mạnh, xinh xắn, thông minh. 

Tuy nhiên, sau một cơn sốt cao, Hồng bị co giật. Gia đình đưa đi viện, bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não rồi bị ảnh hưởng thần kinh đến bây giờ. Viêm màng não, thứ bệnh đáng sợ làm biến đổi cơ thể chị Hồng: đôi chân gầy gò, co quắp, tay phải biến dạng. 

Đặc biệt, hệ thần kinh không phát triển. Sau chừng ấy năm, hình hài người phụ nữ gần 50 tuổi vẫn bị trói chặt trong vỏ bọc của đứa trẻ có lớn mà chẳng có khôn. Thi thoảng trái gió trở trời, chị Hồng lại lên cơn gào thét đến mức đáng sợ, người xung quanh tìm cách xa lánh chị.

Bát thịt và bát canh xương được để trong chậu nhôm tránh chuột ăn.

Thương con gái, bà Hồ cố gắng đưa Hồng đi điều trị khắp nơi. 3 lần suýt chết trong viện. Bác sĩ bó vải, chỉ còn nước chờ đưa đi chôn nữa thôi, Hồng bất ngờ tỉnh dậy. Bà Hồ đưa Hồng về nhà và mua thuốc bắc miệt mài sắc gần 100 thang cho con uống.

Bà Hồ kể: "Người chồng thứ 2 của tôi mất năm 1984, gia đình nghèo lắm, chả còn gì. Trước kia mắt còn sáng, tôi chỉ có đi chợ, buôn mấy bó rau, mớ cá, mua gì bán nấy. Còn con Hồng nó đi lang thang cả ngày, chất rác đầy nhà".

Từ ngày bị mù lòa, bà không thể đi làm kiếm tiền nuôi con được nữa, căn nhà cũng vì thế mà không được dọn dẹp gọn gàng. Hai mẹ con có gì thì ăn đó. Ai cho cái gì ăn cái đó cho qua ngày, qua tháng.

Nghe tiếng lạch cạch ở cổng, bà Hồ nói: "Đấy, cái Hồng về đấy. Nó thường đi từ sáng nhưng tối thì không biết lúc nào về. Hôm về sớm, hôm về muộn".

Bà Hồ liền men theo tường ra đón con gái nhưng Hồng cảm nhận có người lạ nên nhất định không chịu vào nhà. Bà Hồ liền dặn chúng tôi tạm lánh đi một lát.

Khi chúng tôi quay lại thấy bà Hồ đang lấy cơm cho chị Hồng ăn. Đôi bàn tay cáu bẩn, gương mặt nhem nhuốc sau 1 ngày lang thang khắp nơi của cô gái bị ảnh hưởng thần kinh dường như không cảm nhận được cuộc đời đầy nghiệt ngã mà 2 mẹ con đang gồng mình gánh chịu. Hồng dừng ăn cơm, miệng muốn nói điều gì nhưng không thành tiếng, chỉ ú ớ và hừ hừ. Bà Hồ cười nói: "Hồng nó không thích các anh ở đây, nó ngại tiếp xúc với người lạ".

Chị Hồng ngồi ăn cơm sau khi vừa đi lang thang nhặt rác về.

Nhìn chị Hồng gần 50 tuổi, mặt mày lấm lem, thích ngồi trên ''chiến lợi phẩm'' thu nhặt mỗi ngày là đống rác với đủ loại bao bì, túi nhựa. Người chị bốc mùi xú uế. Bà Hồ thường tắm cho con gái, dù bà thậm chí còn chả nhìn rõ mặt đường dưới chân mình. Ai ai trong thôn Đào Nguyên cũng sợ "con Hồng điên", như cách họ vẫn gọi. Chỉ riêng bà Hồ không bao giờ xem con gái mình là người điên cả. 

Bằng tình thương vốn có của một người mẹ, bà Hồ nghe trong tiếng kêu khóc điên dại hằng ngày của con gái, là những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Người nào biết hoàn cảnh mẹ con bà Hồ đều chủ động "né" chị Hồng. 

Hôm vừa rồi, chị Hồng ngã xuống mương, may được người dân phát hiện kịp thời nên thoát chết. Bữa đi lên đê nhặt rác, chị Hồng bị xe máy cán trúng đầu, chảy máu nhiều, nhập viện nằm 3 ngày. Đợt đó bà Hồ cứ nghĩ thế là hết rồi, nhưng may sao, số mệnh Hồng cao, khỏi bệnh lại về nhà với mẹ.

"Tôi chả ngăn được nó, nó đi đâu cứ đi. Tôi ở nhà làm bạn với cái đài. Khoảng 2 tháng mẹ con lại bán đống rác thải nó tha về nhà, nhiều lắm cũng được 50, 60 ngàn".

Bà Hồ thường nấu đồ ăn mỗi ngày rồi chờ con gái về. Bữa ăn mì tôm, bữa ăn cháo... trong nhà có gì thì bà nấu nấy. Bà Hồ không dám để cho con gái đun nấu, vì Hồng đã làm cháy nhà 3 lần rồi. Chị cứ đun cho cháy, cháy xong lại sửa. 

Mỗi lần hỏa hoạn, chính quyền địa phương vận động góp tiền xây, sửa cho mẹ con bà căn nhà mới. Dù đã căn dặn bà Hồ không được để chị Hồng cầm bật lửa, nhưng người dân vẫn nơm nớp lo sợ tới tính mạng của 2 mẹ con khi có hỏa hoạn xảy ra. Mấy ngày nay trời trở lạnh, chị Hồng chọn một chiếc áo khoác dài. 2 tay áo chị đem cắt bỏ, để cánh tay ngắn cũn như chiếc áo phông.

Bà Hồ kể: "Khi Hồng lên cơn thì tôi cũng phải lánh. Nó quát tháo, kêu gào. Cánh cửa nó cứ đóng ra đập vào. Mỗi lần như thế đừng ai cản nó, cứ để hết cơn, nó lại cười khềnh khệch và ngô nghê. Dù có đi lang thang nhiều nơi, nhưng hễ trời tối nó đều biết đường mò về nhà. 

Nhưng cách đây không lâu, nó bỏ nhà đi biền biệt tận một năm. Mắt kém, lại không biết đi đâu tìm con, tôi chỉ biết ngồi một chỗ ngóng trông con từng ngày. Thật may, có anh hàng xóm tốt bụng đi công tác tận tỉnh Yên Bái, thấy nó nên đưa về nhà giúp tôi".

Hiện tại, mỗi tháng bà Hồ được hưởng 500 nghìn tiền hộ nghèo, chị Hồng có 500 nghìn tiền hỗ trợ bệnh tật. Người mẹ 88 tuổi sống không có lương hưu, chỉ biết bám vào tình thương của bà con lối xóm!

Khi chào tạm biệt ra về, bà Hồ nắm chặt tay chúng tôi như muốn tìm chút hi vọng ở cuối kiếp người cực khổ: "Tôi già rồi, sống chết không biết thế nào nhưng chỉ mong sau này tôi có nằm xuống thì các cơ quan chức năng nhận nuôi con giúp tôi. Chứ để con lang thang và sống một mình thì có chết tôi cũng không thể nào nhắm mắt được".

Phương Trình
.
.
.