Đạo diễn, NSND Lê Hùng:

Sân khấu cũng là một "kênh" chống tham nhũng

Chủ Nhật, 16/04/2017, 07:35
"Bão lúc hoàng hôn" (kịch bản: Vũ Thu Phong, đạo diễn: Lê Hùng) là vở kịch vừa được công diễn tại Hà Nội. Một vở diễn về đề tài tham nhũng gây được sự chú ý đặc biệt trong công chúng. Vở diễn được dàn dựng bởi tập thể nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Công an nhân dân (CAND).

Đây là công trình hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Cục Công tác chính trị (Bộ Công an) và 35 năm thành lập Đoàn Kịch nói CAND. Vừa ráo mồ hôi sau buổi thị phạm diễn viên, đạo diễn Lê Hùng đã dành cho CSTC một cuộc phỏng vấn xung quanh vở diễn đáng chú ý này.

- Thưa đạo diễn Lê Hùng, có thể nói rất lâu rồi, công chúng Thủ đô mới được xem một vở diễn có sức lay động đến vậy, về một vấn đề xã hội đang quan tâm. Dù vậy, xin được hỏi thẳng ông một câu khi bắt đầu cuộc trò chuyện, là hình tượng người công an trong vở diễn đẹp và hoàn hảo quá. Có khi nào vì dựng vở cho một đoàn nghệ thuật của lực lượng công an mà ông cố tình dựng hình tượng người công an lý tưởng như vậy chăng?

+ Cảm ơn chị đã hỏi thẳng như vậy. Câu hỏi này theo tôi chẳng có gì nhạy cảm cả. Đấy cũng là cơ hội cho tôi được nói những suy nghĩ của tôi về một ngành rất đặc biệt, ngành công an.

Trước tiên, mục đích dựng vở "Bão lúc hoàng hôn" của tôi, cũng như dụng ý của tác giả kịch bản không phải chỉ dừng lại ở việc ca ngợi người chiến sĩ công an. Mục đích của chúng tôi là góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, một vấn đề xã hội đang nhức nhối hiện nay.

Vở kịch xoay quanh câu chuyện gia đình của một Thiếu tướng tình báo Công an. Ông là Trịnh Thắng, một người 28 năm phải xa Tổ quốc, xa gia đình để làm nhiệm vụ. Khi về hưu, ông gặp "bão", gây ra bởi chính người con trai của ông, một cán bộ đứng đầu thị xã. Người con làm quan ấy đã bị mê muội bởi đồng tiền, bị thoái hóa biến chất. Anh ta đã ký giấy bán đất của dân, đẩy bao người vào cảnh mất đất.

Không ai khác, chính người cha dày dạn trận mạc, vị tướng Công an đó đã đấu tranh để đưa người con trai của mình ra ánh sáng. Ông không chấp nhận một người cán bộ tham lam, không vì dân, dù người đó là con trai ông, dù ông rất đau đớn. Tôi không định lý tưởng hóa hình ảnh người công an, bởi ngành nghề nào cũng vậy, và ở đâu cũng vậy, luôn có người tốt và người chưa tốt hay không tốt.

Nhưng tôi gửi gắm mong muốn của tôi, cũng như của nhân dân, của công chúng vào hình ảnh người công an, những người bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải. Họ, chứ không phải ai khác, sẽ là những người tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, mang lại lòng tin cho nhân dân.

- Vậy thông điệp chính của ông qua vở diễn là gì?

+ Tôi coi vở diễn "Bão lúc hoàng hôn" là tiếng nói mạnh mẽ góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và nhân dân đang tiến hành. Đó cũng là cuộc chiến mà mỗi người chiến sĩ công an đang phải đối mặt. Tôi tự thấy thành công của vở diễn là làm cho khán giả tin vào những tấm gương, những người lãnh đạo lấy tinh thần vì dân lên trên hết.

Giống như người cha trong vở diễn, người sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, dù nó mang gương mặt con trai mình. Phẩm chất của một vị tướng là không nhượng bộ. Cách xử lý của ông trong câu chuyện bi kịch của gia đình chính là lời nhắc nhở, các thế hệ sau hãy nhìn vào tấm gương thế hệ đi trước mà phục vụ nhân dân, vì dân chứ không phải chỉ biết vì mình. Vở diễn cũng nói về luật nhân quả, rằng mỗi chúng ta trong cuộc đời chỉ có một "cốc lộc" trời cho.

Người ta nói "Lộc tràn thành họa", nếu anh không biết kiềm chế lòng tham, anh luôn nhận nhiều hơn những gì anh có, anh lấy của nhân dân làm của mình, thì họa sẽ đến. Tôi nghĩ chắc chắn khán giả xem xong vở diễn sẽ giật mình. Đây là tiếng chuông báo động, cảnh tỉnh, để mỗi người trong vị trí của mình hãy hành xử thế nào cho đúng. Tôi phải cảm ơn Tổng cục Chính trị CAND đã tạo điều kiện cho tôi và các anh em nghệ sĩ Đoàn kịch nói Công an nhân dân được dàn dựng một vở diễn mang ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc.

- Được biết, tác giả kịch bản Vũ Thu Phong là một người trẻ, và "Bão lúc hoàng hôn" là kịch bản sân khấu đầu tiên của tác giả này. Ông đánh giá sao về việc một người cầm bút trẻ dám dấn thân vào những đề tài nóng, gai góc của cuộc sống?

+ Tôi cho rằng Vũ Thu Phong là tác giả trẻ có tâm huyết. Một người cầm bút muốn vượt qua những cũ mòn, sáo rỗng, những hời hợt bên ngoài để quan tâm đến những vấn đề sống còn của nhân dân. Những tác giả trẻ như vậy không nhiều, rất đáng quý.

- Dường như vở diễn còn đề cập đến một mâu thuẫn giữa hai thế hệ lãnh đạo. Người cha là một nhà lãnh đạo liêm khiết hết lòng vì dân, người con là một quan tham...

+ Vì sao tôi đề cập câu chuyện mâu thuẫn thế hệ? Chúng ta nhìn vào đời sống, thế hệ cha anh rõ ràng có lý tưởng hơn. Họ một đời đấu tranh, hy sinh vì nhân dân. Thế hệ của người con dù được học hành tốt hơn, nhưng họ bị lôi kéo vào vòng xoáy của đồng tiền, của kinh tế thị trường, của lòng tham. Họ không cưỡng lại được lòng tham và họ phải trả giá vì chính lòng tham ấy.

Cảnh trong vở diễn “Bão lúc hoàng hôn”.

Những đối thoại của thế hệ cha và thế hệ con là mang một cảnh báo, rằng con người, dù ở vị trí nào, chỉ cần biết đủ thì tránh được họa. Tất nhiên không ai không vì mình, nhưng hãy biết giới hạn. Hãy đặt mục tiêu vì dân lên trên hết. Phải như vậy thì tham nhũng mới được đẩy lùi, lòng tin trong dân mới được củng cố.

- Vấn đề tham nhũng, vấn đề nông dân mất đất thực sự là những vấn đề nóng nhất trong đời sống xã hội những năm vừa qua. Rất nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông. Nhưng dường như trong nghệ thuật, đặc biệt là trong sân khấu đang thiếu các tác phẩm đề cập đến vấn đề này. Nhìn từ hiệu ứng vở diễn "Bão lúc hoàng hôn" có thể thấy, công chúng luôn dành sự quan tâm sâu sắc với những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng hơi thở của đời sống hiện đại. Theo ông, nghệ thuật có vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng?

+ Tôi nghĩ rằng nghệ thuật là một phương tiện có sức mạnh lớn lao trong chống tham nhũng. Chống tham nhũng không chỉ là công việc điều tra của cán bộ pháp lý. Chống tham nhũng không chỉ là quyết tâm của các nhà lãnh đạo. Bởi để đưa một người ra vành móng ngựa vì tội tham nhũng khó khăn vô cùng.

Người ta biết lãnh đạo A, lãnh đạo B tham nhũng đấy, nhưng tìm đủ chứng cứ để đưa họ ra ánh sáng thì không đơn giản. Đấy là chưa kể nhiều lý do khác nữa. Trong chống tham nhũng, theo tôi còn là câu chuyện của lương tâm, của thức ngộ. Một người lãnh đạo phải ngộ về lòng tham, về luật nhân quả ở đời. Cái đó cần đến nghệ thuật.

Tính hiệu ứng, lan truyền của nghệ thuật trong từng câu chuyện mà nó đề cập sẽ góp phần cảnh báo đến mỗi người, đặc biệt những người đang ngồi ở vị trí "có điều kiện tham nhũng". Có thể họ không xem, nhưng người thân của họ sẽ xem. Và nhận thức của người thân của họ cũng quan trọng như chính họ vậy.

Vấn đề chúng ta ít vở diễn về đề tài tham nhũng, tôi nghĩ nguyên nhân là bởi chúng ta ít tiền. Thử nghĩ mà xem, mỗi năm mỗi nhà hát, mỗi đoàn nghệ thuật chỉ dựng từ 1 đến 2 vở thì làm sao có nhiều vở diễn như mong đợi.

Người ta còn phải làm những vở giải trí, còn phải tính làm sao để hấp dẫn khán giả kiểu giải trí, bán vé, thì làm gì còn chỗ cho những vở diễn nghiêm túc đề cập các vấn đề nóng bỏng của xã hội.

- Ý của ông là chúng ta không thiếu kịch bản hay?

+ Vâng, không thiếu kịch bản đâu, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi. Một vở diễn khác một cuốn sách. Nó phải có tiền để dàn dựng. Thì kinh phí cho các đoàn dựng vở hiện nay là rất ít.

- Chúng ta có thể dựng các vở chính kịch về các vấn đề xã hội như vậy trong hình thức xã hội hóa chẳng hạn?

+ Không, xã hội hóa khó lòng làm được. Vấn đề xã hội hóa sân khấu hôm nay không có nghĩa là bỏ mặc sân khấu. Các vở diễn có tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề xã hội như "Bão lúc hoàng hôn", hay trước đây là vở "Đường đua trong bóng tối", cũng của Đoàn kịch nói CAND dựng, theo tôi là tiếng nói trực diện góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, rung hồi chuông cảnh báo trong toàn xã hội. Những vở diễn đó phải có sự đầu tư, quan tâm của nhà nước, của ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia.

Theo tôi, nên xem nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là một kênh để chống tham nhũng, một phương tiện chống tham nhũng hiệu quả không kém các biện pháp pháp lý khác. Hãy đầu tư để các vở diễn như vậy có cơ hội được đến với đông đảo công chúng.

Một năm mỗi đoàn có vài, ba vở diễn nghiêm túc về đề tài này, thì tiếng nói chống tham nhũng sẽ lan truyền mạnh mẽ trong toàn xã hội. Và các vở như vậy thì Nhà nước phải đầu tư. Còn nếu để các đoàn tự lo, họ sẽ lại chạy theo các vở giải trí. Như thế mới bán vé được, mới nuôi anh em nghệ sĩ được.

Tôi biết có đoàn dựng vở rất hay về một đề tài nóng trong xã hội, một doanh nghiệp bị "đụng chạm" đến ngỏ ý "mua" lại vở diễn bằng cách trả tiền nhiều hơn số tiền đơn vị bỏ ra dàn dựng, với yêu cầu, không diễn vở đó trước công chúng nữa. Mặt trái của xã hội hóa là như vậy đấy. Cho nên, không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong những vở diễn có sức nặng, có vấn đề xã hội.

- Cảm ơn đạo diễn Lê Hùng về cuộc trò chuyện.

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.