Những người thầy gieo mầm hướng thiện

Thứ Ba, 21/11/2017, 13:57
Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn nằm ở sâu trong núi, nơi có nhiều mỏ đá làm việc liên tục nên ở nơi đây, không khí lúc nào cũng trong tình trạng ô nhiễm, mờ mịt. Cùng với không khí đặc trưng của một tỉnh vùng cao đã khiến nơi đây dường như trở nên lạnh lẽo hơn.

Thế nhưng, qua cuộc trò chuyện với những cán bộ chiến sĩ, dường như sự lạnh lẽo ấy đã bị xua tan bởi sự nồng hậu. Qua những câu chuyện về nghề, về những khó khăn của một cán bộ trại giam đã thể hiện được sự yêu nghề, yêu màu áo Công an của những cán bộ quản giáo, y bác sĩ của trại.

Theo Thiếu tá Trần Việt Phương, Phó Đội trưởng Đội Phụ trách quản giáo kể lại, cách đây 20 năm, khi anh mới về nhận công tác tại nơi này, Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn không được khang trang như hiện tại. Nói là khang trang nhưng nhìn cơ sở vật chất của trại, ai cũng có thể hiểu được sự thiếu thốn và điều đó cũng là một nỗi khó khăn cho các cán bộ, chiến sĩ.

Thiếu tá Trần Việt Phương.

Thiếu tá Phương cho biết, khi đó, đường sá vào trong trại rất khó, hai bên là núi đá, đường mòn chưa được rải nhựa, phải đi dọc theo suối để vào trại tạm giam. Cả đơn vị khi đó chỉ có mỗi một chiếc xe Minks để chở thực phẩm từ chợ về.

“Mình nhận công tác từ năm 1999, đúng chuyên ngành trại giam và khi chuẩn bị nhận công tác cũng xác định sự khó khăn vất vả của công việc rồi. Xác định là thế, nhưng khi nhận nhiệm vụ mới hiểu được sự khó khăn ấy thật sự thế nào. Ban đầu vào đây làm cũng hơi buồn, nhưng được sự quan tâm động viên của lãnh đạo đơn vị nên tư tưởng cũng đỡ hơn…”, Thiếu tá Phương tâm sự.

Khó khăn chưa dừng ở đó, sau một vài năm công tác, gần trại giam lại có hai mỏ đá được cấp phép hoạt động nên cho tới tận bây giờ, trại luôn trong tình trạng ồn ào, khói bụi. Đôi khi các mỏ đá tổ chức khai thác còn khiến đá văng vào trại, làm vỡ mái nhà. Năm 2006, lại có một nhà máy xi măng hoạt động nên sự ô nhiễm càng tăng cao hơn.

Rất may nhà máy xi măng này đóng cửa không lâu sau đó. Những năm đầu tiên ấy, do đi lại khó khăn nên không chỉ anh Phương mà hầu hết cán bộ chiến sĩ của trại tạm giam đều ở lại cơ quan, một tuần chỉ về nhà một lần.

Do điều kiện vật chất còn yếu kém, gần chục người phải ở trong một căn phòng nhỏ. Các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phải tự chăm sóc, giúp đỡ nhau như người một nhà và từ đó tạo nên sự gắn kết. Cùng với lòng yêu nghề, mọi khó khăn trong công việc dường như cũng được cho qua một bên.

Ngoài ra, để có thể gắn bó với công việc này gần 20 năm, đó còn là nhờ những kỉ niệm, trải nghiệm đầy ý nghĩa trong công tác quản lý phạm nhân mà Thiếu tá Trần Việt Phương đang đảm nhận. Trong 20 năm làm quản giáo, anh đã gặp nhiều loại phạm nhân vào rồi lại ra ở nơi đây.

Có người tỏ thái độ chống đối, có người ngang ngược không chấp hành, nhưng sau một thời gian, hầu hết họ đều được cảm hóa không chỉ bằng những nội quy của trại mà còn là sự quan tâm của những người quản giáo.

“Sự chống đối thường đến từ những đối tượng có tiền sử nghiện ngập, tinh thần không tốt, có tư tưởng tiêu cực và đôi khi muốn tự tử. Chúng tôi phải nói chuyện với họ một cách chân thành, giải thích cho họ hiểu, thế nào là đúng thế nào là sai và giúp họ nhận thức được hành động của mình.

Những trường hợp ấy ngoài việc quan tâm hỏi han thì chúng tôi cũng đề nghị các y, bác sĩ quan tâm hơn. Sau này khi ra trại, nhiều người cũng nhắn tin, gọi điện hỏi han sức khỏe anh em trong đơn vị”, Thiếu tá Phương cho biết.

Đặc biệt, là một tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc không hiểu rõ pháp luật và phạm tội là điều không thể tránh. Khi vào trại, do nhận thức kém nên họ vẫn không biết vì sao mình bị bắt và sẽ bị giam giữ như thế nào.

Anh Phương nhớ lại một kỉ niệm. Một vài phạm nhân người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn bị bắt khi gần Tết. Đến Tết họ gặp anh và xin được về nhà ăn Tết. Câu chuyện đó tưởng chừng là chuyện cười nhưng lại khiến người quản giáo này suy nghĩ mãi. Cũng vì thế, anh cùng các đồng đội đã cố gắng giáo dục để giúp họ cải thiện nhận thức và quan tâm đến họ nhiều hơn.

Khi Tết đến, dù hoàn cảnh khi đó cũng không phải khá giả nhưng các cán bộ trại đã góp tiền túi để cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có ai thăm nuôi được ăn một cái Tết đầy đủ hơn.

Không có thâm niên như Thiếu tá Trần Việt Phương, là một cán bộ y tế trẻ, Trung úy Nông Minh Đức nhận công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn mới chỉ được vài năm. Thế nhưng, trong những năm công tác ấy, Đức cũng hiểu và thấm thía được sự khó khăn trong công việc của một cán bộ công tác tại trại giam như thế nào.

Trung úy Nông Minh Đức đang phát thuốc cho phạm nhân.

Trung úy Đức cho biết, Trạm Y tế của trại chỉ có 4 đồng chí, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Mỗi ngày các cán bộ của trạm đều phải thăm khám, nắm tình hình ở các đội, khám tại buồng giam và với các trường hợp nặng thì chính các anh phải đưa phạm nhân lên bệnh xá, nặng nữa thì phải theo xe cấp cứu đi viện.

Vì tính chất công việc nhiều, phải trực chiến thường xuyên nên cũng như bao cán bộ khác của trại, Đức ít khi về nhà và có những lần phải trực thông 5 ngày liên tiếp. Và từ lúc nhận công tác tại trại, hiếm khi Trung úy Nông Minh Đức được đón một cái Tết tại gia đình mà hầu như là đón Tết trong trại giam cùng đồng nghiệp và các phạm nhân.

Nói về các khó khăn trong công việc của mình, Đức cho biết: “Công việc của mình như thế, nếu nói là khó khăn thì cũng không phải vì ai cũng gặp. Cũng như các đồng đội khác, đều phải tự mình khắc phục và thích nghi với công việc. Duy nhất có việc thăm khám phạm mới nhập trại thì cũng gặp nhiều vấn đề. Như việc có phạm nhân khi hỏi tiền sử bệnh thì họ không biết hoặc giấu bệnh, đến khi nhập trại lại phát bệnh nên khiến anh em trong trạm xá rất vất vả”.

Là một cán bộ y tế nên việc tiếp xúc với những phạm nhân mang bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B hay lao phổi là chuyện thường xuyên. Hơn nữa, một số phạm nhân mắc bệnh lại không hợp tác do mới đi thụ án, tư tưởng chưa ổn định, tâm lý còn tiêu cực. Trung úy Đức nhớ có một trường hợp HIV giai đoạn cuối, được chính anh đưa đi viện, rất may đã cứu sống được.

Khi gặp nhau, phạm nhân đó nói với Đức rằng “may có cán bộ Đức nên tôi mới sống được đến ngày hôm nay”. Chính từ những kỉ niệm như vậy mà Trung úy Nông Minh Đức càng thêm yêu nghề, yêu công việc của mình dù vẫn còn nhiều khó khăn vất vả.

Như đã nói ở trên, trong số phạm nhân có nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm nên các cán bộ của trại không thể hoàn toàn tránh khỏi việc bị lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc. Tại trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đã có một số trường hợp như vậy, điển hình như cán bộ quản giáo Nguyễn Văn H, khi tiếp xúc đối tượng nhiễm HIV đã bị xây xước chân tay phải uống thuốc phơi nhiễm. Trong những lần tiếp xúc bình thường cũng có khả năng bị lây các bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp.

Khó khăn, nguy hiểm là như vậy, thế nhưng không vì thế mà các cán bộ của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn thoái thác nhiệm vụ của mình. Họ vẫn rất tâm huyết qua từng lời nói, từng cử chỉ và sự quan tâm để hoàn thành công việc cảm hóa những phạm nhân đang trong quá trình thụ án.

Và rồi, đền đáp cho công sức của các anh đó là những con người lầm lỡ được trở về với nẻo thiện. Để rồi khi vô tình gặp nhau trên một nẻo đường nào đó, một nụ cười, một lời chào hay một câu hỏi thăm sẽ trở thành nguồn động lực giúp các anh vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.

Phong Trâm
.
.
.