Giàu ảo ở nông thôn

Thứ Tư, 17/08/2016, 11:20
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) mang ý nghĩa nhân văn, góp phần thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Song, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản và nhiều sai phạm.

Từ tìm hiểu thực tế lý giải nguyên nhân, phóng viên đã gặp gỡ các cơ quan có trách nhiệm nhằm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.

Cấp xã khai quá

Hoàn thành 19/19 tiêu chí và về đích NTM mà nhiều địa phương chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn. Ngược lại họ đang đứng ngồi không yên vì phải è cổ gánh món nợ đọng quá sức. Song, ngay cả những món nợ ấy cũng chưa phải thực chất, khi không ít xã khai thêm số nợ.

Đầu năm 2016, dù mới đang đặt móng nhà trụ sở làm việc, nhưng lãnh đạo xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã báo cáo nợ xây dựng cơ bản gần 10 tỷ đồng. Tương tự xã Nga Mỹ (huyện Nga Sơn) chỉ mới bắt tay vào xây dựng một vài công trình nhỏ lẻ mà đã báo nợ lên đến hơn 21 tỷ đồng. Nhiều xã khác ở Thanh Hóa đồng loại khai quá, dẫn đến tổng nợ của Thanh Hóa cao chót vót.

Liên hệ với Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng cho biết, theo báo cáo mà các huyện gửi về thì tổng số nợ đọng trong xây dựng NTM của tỉnh lũy kế đến 31-1-2016 là 1.547 tỷ đồng, bình quân mỗi xã có nợ là 3,76 tỷ đồng. Một con số vô cùng lớn. 

Ông Năng chia sẻ: "Chúng tôi thấy giám sát cũng chặt, nhưng làm sao để xảy ra nợ nhiều đến thế. Lúc đầu chúng tôi phát hoảng vì tăng quá cao so với thực tế. Nghĩ là có vấn đề nên đã quyết định kiểm tra lại số nợ đọng ở 29 xã của 10 huyện có nợ nhiều. Qua kiểm tra, lũy kế đến 31-3-2016, tổng nợ đọng của Thanh Hóa rút xuống còn 1.160 tỷ đồng. Bình quân nợ đọng còn hơn hai tỷ đồng mỗi xã".

Trụ sở xã Yên Trường (Yên Định, Thanh Hóa) được xây dựng hoành tráng, và nghịch lý để lại khoản nợ lớn cho địa phương.

Tìm hiểu ngược trở lại xã Hoằng Thịnh vào đầu tháng 6-2016, khi trụ sở làm việc của UBND xã đang được hoàn thiện. Ông Hoàng Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh vui mừng chia sẻ, nếu tốt thì khoảng tháng 8 là đưa vào sử dụng trụ sở khang trang này. Nói về việc khai quá số nợ đọng, ông Hiến cho biết do hiểu sai chỉ thị của tỉnh, nên xã đã báo cáo cả những công trình dự kiến kinh phí xây dựng lên. Điều đó đã dẫn đội nợ. Lãnh đạo xã Nga Trung (huyện Nga Sơn) cũng nói lý do tương tự. 

Qua trao đổi với ông Trần Đức Năng, thì được biết những hướng dẫn kê biên nợ đọng được đưa xuống cấp huyện, cấp xã đầy đủ và dễ hiểu. Nhưng cấp xã vẫn hiểu và báo cáo sai. 

Ông Năng lý giải thêm: "Một số huyện, xã tắc trách, nôn nóng về đích. Họ đã đưa tổng mức đầu tư theo nhu cầu dự toán của những công trình dự kiến sẽ thực hiện (chưa khởi công) vào biểu tổng hợp nợ. Dẫn đến số nợ đọng đã sai về bản chất".

Chỉ riêng tại Thanh Hóa, việc khai số nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM đã có quá nhiều vấn đề. Điều đó đặt ra câu hỏi, liệu con số thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tại 44/51 tỉnh, thành tiền nợ đã lên đến 11.700 tỷ đồng có là thực chất? 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có sự rà soát kỹ hơn về số nợ đọng và việc đầu tư để từ đó có chính sách điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Trong đó, tập trung trước tiên vào 10 tỉnh, thành chiếm 82,7% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước, như Bắc Ninh (613 tỷ đồng), Thanh Hóa (trên 1100 tỷ đồng), Nghệ An (887 tỷ đồng), Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình (mỗi tỉnh hơn 200 tỷ đồng), Hà Nội (khoảng 540 tỷ đồng)...

Giám sát đầu tư chưa chặt?

Theo tìm hiểu, trong quá trình thực hiện ở một số địa phương đã xảy ra không ít chuyện khuất tất, "rút ruột" công trình khiến người dân mất niềm tin, gây ra những bất ổn về tình hình an ninh trật tự. 

Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận được đơn kiến nghị của người dân Thôn 8, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tố cáo trưởng thôn Nguyễn Văn Lâm nhiều vấn đề, như một số hộ dân đi khỏi địa phương từ lâu, nhưng vẫn được lên danh sách nhận hỗ trợ xi-măng làm đường nông thôn mới; khuất tất trong giám sát chất lượng công trình, điều hành, thu chi tài chính; quá trình làm, ông Lâm cùng với Ban phát triển NTM thôn 8 còn để thiếu một số hạng mục nhưng đã báo cáo hoàn thành. Người dân đã làm đơn, kiến nghị lên UBND xã Vĩnh Thành, nhưng cách làm mà lãnh đã xã Vĩnh Thành giải thích cho dân chưa thuyết phục.

Người dân tiếp tục đệ đơn, lãnh đạo xã Vĩnh Thành mới kiểm tra lại và những kết luận vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của địa phương. Tiếp đó, người dân đã làm đơn kiến nghị lên UBND huyện Vĩnh Lộc, với 11 nội dung tố cáo. Lãnh đạo huyện đã cử thanh tra về xác minh, làm rõ và trong Kết luận 566/KL-UBND của lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc, chỉ ra trong 11 nội dung thì 7 nội dung tố cáo đúng, hai nội dung đúng một phần, hai nội dung chưa có cơ sở kết luận. 

Xây dựng nông thôn mới cần được nhân dân ủng hộ.

Đồng thời, lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc giao UBND xã Vĩnh Thành thu hồi số tiền bị "trao nhầm" là hơn 31 triệu đồng nộp vào quỹ địa phương, hoàn thiện những đoạn đường còn dang dở, ổn định lại tình trạng lộn xộn trong cấp xi-măng và xử lý. Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc cũng kỷ luật một số cán bộ xã, thôn có sai phạm.

Ở một địa phương khác, tại xã Tân Phú (Tân Kỳ, Nghệ An), đơn vị thi công làm đường, nhà văn hóa đã bớt xén một số hạng mục công trình nhà văn hóa, đường giao thông. Từ phản ánh của một số người dân, thanh tra huyện Tân Kỳ đã vào cuộc. 

Theo kết luận của UBND huyện Tân Kỳ, có tới 7 hạng mục sai thiết kế nhưng 4 hạng mục vẫn được nghiệm thu, thanh toán số tiền thừa 169 triệu đồng. UBND huyện Tân Kỳ đã thu hồi 169 triệu đồng, xử phạt Ban quản lý dự án 30 triệu đồng, phạt nhà thầu thi công 30 triệu đồng và đơn vị giám sát 50 triệu đồng. Ông Hồ Sỹ Nguyên, Chủ tịch UBND xã Tân Phú bị kỷ luật cảnh cáo.

Ở một đầu mối khác, phóng viên tìm hiểu tại xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương), từng "vung tay quá trán" để đến nỗi số nợ bị đội lên gần 70 tỷ đồng. Mấy năm qua, nhờ sự hỗ trợ của các cấp xã Tân Dân đã trả được một khoản, đến nay còn nợ 41 tỷ đồng, được cho là con số kỷ lục trong các xã nợ đọng của cả nước. 

Theo nguyên tắc nợ nần lớn thì công trình phải nhiều và bảo đảm chất lượng. Đằng này nợ nần với con số khổng lồ, nhưng chất lượng công trình của Tân Dân lại quá yếu kém. Thí dụ đường liên thôn mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hệ thống đèn điện thắp buổi tối cũng bóng sáng bóng không, hệ thống cột điện vẫn nằm ở giữa đường sau khi đường được mở rộng… Liệu có sự bớt xén trong đầu tư? 

Theo ông Nguyễn Văn Lan - Trưởng thôn Giang Hạ, do nhà đầu tư được chỉ định. Nếu người dân tự mua nguyên vật liệu, tự làm dưới sự giám sát chặt chẽ của chính người dân sẽ giảm được khoảng 30-40% giá thành so với thầu khoán vì không lo phải chiết khấu, chênh giá.

Liên hệ làm việc với lãnh đạo xã, ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết đang có kế hoạch bán đất trả nợ. Song ông cũng thổ lộ rằng lãnh đạo cũ đã chuyển công tác, giờ ông là người "gánh" trách nhiệm, đồng thời sẽ kiến nghị rà soát lại khâu đầu tư.

Thông tin mà chúng tôi cập nhật được, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là huyện NTM đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đã để xảy ra nợ đọng nghiêm trọng, khiến nhiều người dân ảnh hưởng, nhiều cán bộ vì thế mà bị nợ lương. 

Vào đầu tháng 6-2016, UBND tỉnh Bạc Liêu đã kỷ luật một số cán bộ huyện sai phạm trong thực thi nhiệm vụ. Để xảy ra nợ đọng, sai phạm, trục lợi, khai khống nợ nần không chỉ trách nhiệm cấp xã, mà cấp cao hơn cũng phải chịu liên đới. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, sai phạm trong xây dựng, đầu tư không ít. 

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương chương trình Mục tiêu quốc gia, cần tăng cường vai trò của các đoàn thể để giám sát, tạo sự minh bạch và ủng hộ của nhân dân.

Để chấn chỉnh và xử lý tình trạng nợ đọng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương không để phát sinh nợ; còn nợ thì không cho phép xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, không công nhận đạt chuẩn NTM và không khen thưởng đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản không đúng quy định.
Phóng sự của Ngô Hải Miên
.
.
.