Đường dây nóng tâm sự với người muốn tự tử ở Nhật Bản

Thứ Hai, 15/04/2019, 14:37
Tất cả các điện thoại của đường dây nóng chống tự tử của Nhật Bản thường bắt đầu đổ chuông từ 20h hàng ngày. Đây là quãng thời gian mà văn phòng của đường dây nóng bận rộn nhất trong tuần.


Tổng đài đường dây nóng chống tự tử này hoạt động liên tục từ 20h ngày hôm trước đến 5h30 sáng hôm sau. Khoảng 40 tình nguyện viên làm việc thay phiên nhau trong 3 ca. Họ dùng giọng nói nhẹ nhàng của mình để khuyên nhủ, trò chuyện với những người đang căng thẳng và có dấu hiệu muốn tự kết liễu đời mình.

Căn phòng chật hẹp của văn phòng đường dây nóng chống tự tử nằm trên một con phố trung tâm thủ đô Tokyo luôn đầy ắp tiếng nói của những người đang cố gắng giúp đỡ người khác. "Bạn có rắc rối trong công việc, hoặc có chuyện gì đó buồn ở nhà à?" Machiko Nakayama, một tình nguyện viên đường dây nóng ở độ tuổi 60 nói nhỏ vào tai nghe. "Bạn cảm thấy muốn chết?"…

Không có người tâm sự sẽ khiến những người đang gặp áp lực hoặc chuyện buồn nghĩ đến việc tự tử.

Bà Machiko Nakayama đã tình nguyện làm công việc này trong 20 năm và hiện là Giám đốc Văn phòng đường dây nóng.

Bà cho biết: "Nếu điện thoại ngừng đổ chuông trong vài phút, chúng tôi lo lắng chúng bị hỏng". Tổ chức Befrienders Worldwide Tokyo của Machiko Nakayama là một trong số các tổ chức vận hành đường dây nóng chống tự tử trên khắp Nhật Bản.

Tổ chức này thường quảng cáo với những thông điệp như: "Tinh thần bạn đang xuống?", "Bạn cần sự giúp đỡ?... trên hệ thống tàu điện ngầm rộng lớn của Tokyo hoặc trên các trang web chống tự tử. Yoshie Otsuhata, người trợ giúp bà Machiko Nakayama phụ trách đường dây nóng nói: "Vẫn còn những khía cạnh rất khép kín đối với xã hội ở đây. Hầu hết người gọi đến đường dây nóng đều ở độ tuổi 30 và 40, với 56% là phụ nữ và 43% nam giới trong năm 2018".

Cách Tokyo khoảng 450km về phía Bắc, quận Akita trong nhiều thập kỷ qua là nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Nhật Bản. Bên cạnh đường dây nóng chống tự tử, chính quyền địa phương còn xây dựng một mạng lưới những "thính giả" được đào tạo, những người kết nối với người già cô đơn và cô độc của khu vực.

Sumiko, một phụ nữ 73 tuổi năng động trước đây từng nằm liệt giường sau khi bị ngã. Bà đã nghĩ rằng cuộc sống không có ý nghĩa gì cho đến khi Ume Ito, một "người nghe", bắt đầu đến thăm hai năm trước.

"Mọi người rời đi trong ngày. Mọi người sẽ gọi, nhưng họ chỉ nói “tiếp tục chiến đấu” và cúp máy thật sớm", Sumiko nhớ lại. Còn Ume Ito thì kể, hầu hết những người cô đến thăm lúc đầu đều khăng khăng rằng họ muốn chết. Nhưng qua nhiều tuần và tháng, tâm trạng của họ tốt hơn rất nhiều.

"Công việc của chúng tôi là cung cấp cho họ đủ không gian trong trái tim để suy nghĩ", cô nói. Sumiko, người có sức khỏe đang dần cải thiện cũng thừa nhận, các chuyến thăm của Ume Ito đã mang đến cho bà một mục tiêu mới. "Tôi muốn trở nên mạnh mẽ nhất có thể và trở thành người lắng nghe", bà tâm sự: "Nếu tôi có thể giúp dù chỉ một hoặc hai người, điều đó thật tuyệt"…

Thống kê cho thấy, những năm qua, đường dây nóng chống tự tử đã góp phần làm giảm tỷ lệ tự tử của Nhật Bản xuống còn 16,3 ca trong số 100.000 người, từ đỉnh điểm hơn 34.400 vụ vào năm 2003 xuống còn hơn 20.500 vụ năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Nhật Bản vẫn là cao nhất trong số các nước phát triển của nhóm G7.

Một báo cáo còn chỉ ra rằng, tỷ lệ tự tử ở giới trẻ Nhật Bản đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây, cho dù tổng số vụ tự tử tại nước này đã giảm đều trong thời gian qua. Kết quả khảo sát mà Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố cho thấy, có tổng cộng 250 trẻ em bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tự tử trong năm tài chính, tính đến tháng 3 vừa qua.

Trong đó, có 33 em được cho là tự tử vì lo ngại tới tương lai bản thân, 31 em có vấn đề về gia đình, 10 em bị bắt nạt, 140 trường hợp không xác định được nguyên nhân. Quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh, đây là một vấn đề đáng báo động, cần được giải quyết.

Vì thế, trong một cảm kết mới nhất, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 30% số vụ tự tử trong vòng 8 năm tới, thông qua tăng cường các biện pháp hỗ trợ những người gặp cần trợ giúp về mặt tinh thần.

Mục tiêu này được đưa ra trong dự thảo mới nhất về hướng dẫn phòng chống tự tử vừa được Chính phủ Nhật Bản ban hành. Tức là Nhật Bản sẽ nỗ lực hành động để giảm tỷ lệ tử tự xuống mức 13/100.000 người vào năm 2027.

Đồng thời, Nhật Bản sẽ tăng các cơ sở y tế hoạt động như một trung tâm hỗ trợ những người có ý định tự tử, tăng cường kiểm tra sức khỏe đối với các bà mẹ sau khi sinh, phát hiện sớm những bà mẹ có biểu hiện trầm cảm; thành lập và tăng số lượng các bộ phận, nhân viên phòng chống tự tử trong bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, chính quyền Tokyo còn cam kết khắc phục việc làm thêm giờ quá mức, là nguyên nhân dấn đến tình trạng Karoshi - chế độ lao động quá sức.

Còn để giải quyết tình trạng tự tử ở những người trẻ tuổi, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn các học sinh tìm kiếm sự giúp đỡ ngay trong trường học; nỗ lực kiểm soát các trang web và các nhóm trên mạng xã hội chuyên cung cấp thông tin xúi giục những người muốn tự sát.

Phương Linh
.
.
.