Đi tìm kho báu vua Chăm

Thứ Hai, 11/07/2016, 19:50
Người Chăm xem biểu tượng các vị vua Chăm là đấng tối cao, sẽ tạo nên sức mạnh cho họ khi gục ngã hay gặp sóng gió. Bởi vậy, không thể để mất những chiếc mão vàng, long bào, vì nó thể hiện sự uy nghi, vững chãi của các triều đại và sức mạnh, sự thiêng liêng để truyền dẫn từ đời này sang đời khác.


Kho báu ẩn trong vùng hoang

Xuôi theo quốc lộ 1A, chúng tôi tới Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm tại thôn Tịnh Mỹ (xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) gặp vợ chồng ông Lư Thái Thuổi và bà Nguyễn Thị Đào, là hậu duệ hiếm hoi của triều vua Pô Klong Mơ H'Nai trên đất Bình Thuận.

Đêm đó, ông Thuổi hồi tưởng lại những lời "sấm truyền" của các thế hệ dòng tộc gửi lại đời sau: "Không thể để mất những chiếc mão vàng, là thứ thể hiện uy nghi cũng như sự vững chãi của các triều đại. Dẫu có rơi đầu cũng không được để rách, mất long bào, bởi đó là sức mạnh và sự thiêng liêng để truyền dẫn từ đời này sang đời khác".

Ông Đạo Văn Tùng, hậu duệ vua Chăm ở Ninh Thuận.

Bởi vậy, dù được ngã giá hàng trăm triệu, ông Thuổi vẫn không bán bất cứ một báu vật nào của tổ tiên mình. Trong khuôn viên gia đình ông Lư Thái Thuổi còn lưu giữ kho báu của triều vua Pô Klong Mơ H'Nai. Ông Thuổi chỉ cho khách diện kiến gần chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và chiếc mũ vàng của vua.

Hỏi thêm về các báu vật khác, ông Thuổi giãi bày: "Không còn nhiều báu vật lắm đâu, là hậu duệ được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu, chúng tôi luôn đặt trong trạng thái báo động và chỉ khi có chính quyền đến mới cho xem hết".

Ông Đạo Văn Tùng, hậu duệ của vua Chăm cho biết: "Chúng tôi giữ lời thề phải bảo vệ báu vật của các vua, có đánh đổi bằng bao nhiêu tiền cũng không được. Hậu duệ còn rất ít thôi, Phan Rang còn 5 người, Bình Thuận cũng thế.

Trong dòng họ vua chúa, người Chăm có một quan niệm là tuyệt đối không truyền các bí mật ra ngoài, ngay cả kết cấu và chất liệu làm các xiêm y cũng như áo choàng của hoàng hậu, áo bào của nhà vua". Tuy nhiên, khi các vị vua lần lượt qua đời, để tưởng nhớ đến họ, các hậu duệ đành để các báu vật lộ diện thông qua các kỳ lễ hội Ka tê.

Rời nhà ông Thuổi, chúng tôi theo chân ông Đào Văn Tùng đến kho báu vua Chăm ở thôn Phước Đồng (xã Phước Thái, TP Phan Rang). Ông Tùng cho biết, kho báu này còn rất ít hiện vật của vua Pô Glong Garai. Đã có nhiều kẻ gian từng đến đánh cắp nên các báu vật được chôn ở vị trí chỉ các hậu duệ vua như ông mới biết rõ.

Sợ bị phát hiện, phải chờ đến khuya, ông Tùng mới nhờ người cháu chở chúng tôi ngoằn ngoèo đi qua nhiều cung đường vắng để đến diện kiến các báu vật. Các báu vật được giấu kỹ dưới một hố sâu, xung quanh xây gạch như lô cốt.

Một trong những báu vật vua Chăm đang được cất trong kho báu nhà ông Lư Thái Thuổi.

Kho báu này còn lại một chiếc mũ vua, ngai vàng, áo choàng và một số vật dụng khác. Trong các đợt lễ hội Ka tê, các báu vật này được đưa ra cũng bí mật lúc nửa đêm và có rất nhiều tín đồ Chăm bảo vệ.

Một kho báu vua Chăm khác nằm ở thôn Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) có tên là Palei Thvon. Kho báu còn lưu giữ y phục của vua và hoàng hậu, mâm thờ bằng bạc, vương miện bằng vàng.

Có nhiều lần, giới buôn đồ cổ đã đến săn lùng và trả giá hàng tỷ đồng nhưng người Chăm ở đây kiên quyết không bán và xem đó là báu vật cần gìn giữ của cộng đồng mình.

Người Chăm xem biểu tượng các vị vua Chăm là đấng tối cao, sẽ tạo nên sức mạnh cho họ khi gục ngã hay gặp sóng gió. Kiều Pân Ta, giáo viên Trường Tiểu học Nhơn Sơn tâm sự: "Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có một niềm tin rất lớn vào vua Pô Klông Garai và Pô Rôme.

Lễ hội Ka tê chính là để suy tôn và tưởng nhớ đến hai vị vua này. Họ đã trở thành thần linh đối với mỗi người Chăm. Tương truyền từ ngàn xưa, hai vị vua đã không quản gian khó, mang thân thể mình chiến đấu với thiên tai và thú dữ bảo vệ dân làng đến cùng".

Bà Đạo Thị Nhung, một hậu duệ xa xôi của vua Pô Rôme cũng quả quyết, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc hay những dịp lễ, Tết dân làng đều quần tụ bên tháp thờ vua để cầu nguyện và tưởng nhớ về các Ngài.

Hồn thiêng cổ vật

Trần Hoàng, nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh tiết lộ, còn một vùng đất chứa nhiều cổ vật ở Phú Long, Phú Hải (Phan Thiết, Bình Thuận), có thể đó là kho báu vua Chăm.

Cách đây mấy năm, bà Nguyễn Thị Bảy, một người dân ở Phú Long đào được một lúc 11 món đồ cổ gồm ba bức tượng hình người nhỏ, một bức tượng lớn cao cỡ 40 cm và hàng loạt lá trầu nhìn lấp lánh kỳ lạ.

Chiếc kiếm lệnh của vua Chăm

Lang thang khắp các vùng đất ở Phú Long, kể cả nghĩa địa và những nơi lưu dấu người Chăm từng sinh sống, ở đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán sôi sục về kho báu cổ vật của vua Chăm.

Người quản trang núi đá, Ông Đại cho biết: "Tôi làm quản trang ở đây nhiều năm, lễ an táng của người Chăm đơn giản nhưng kỳ bí, trong đó có màn gọi linh hồn về bảo vệ các đồ vật quý giá trong nhà, gọi hồn lên bảo vệ vùng đất của tổ tiên.

Có đêm nằm ngủ, tôi còn mơ thấy nhiều bóng ma người Chăm vác gươm giáo đi canh giữ các bảo vật của họ. Tôi không lý giải được giấc mơ đó có thật hay không nhưng nhiều người dân ở Phú Long đã đào được cổ vật rồi".

Ông Trần Văn Cang, một trong những người đào được nhiều cổ vật nhất bộc bạch: "Vàng thì chưa thấy nhưng đồ cổ thì nhiều lắm. Mới đây trong lúc làm rẫy, tôi cuốc phải một cái bình tròn rất kỳ lạ. Sau đó chúng tôi tiến hành đào sâu xuống thì phát hiện một ổ bình vôi của các cung tần từ thời vua Chăm".

Ông Cang miêu tả, những bình vôi này được thiết kế hoa văn nổi quanh miệng, phía dưới loe ra, rất giống hình dáng các hũ đồng thời xưa. Dùng chiếc que sắt gõ vào, tiếng kêu từ chiếc bình ngân lên giống y tiếng của chuông đồng. Khi đập vỡ một chiếc bình ra thì thấy bên trong vẫn còn vôi trắng.

 Người xe ôm Đạo Văn Om dẫn đường cho chúng tôi kể: "Gần một năm trước, tôi liên tục chở các nông dân ở Phú Long về Phan Thiết bán đồ cổ, như cơi trầu, bình hoa, mâm, chén…

Có lần người trúng giá bán được mấy chục triệu mời tôi uống rượu suốt cả, buổi chiều ở Phan Thiết. Trong cơn say ông khách này còn bảo, các đồ cổ ở Phú Long được làm trong cung điện vua Chăm nên rất thiêng, nhưng người dân ở đây không biết điều này, tưởng đồ cúng nên mới bán rẻ.

Lại có người đàn ông tướng mạo kỳ lạ đeo một bao tải đựng toàn tách trà màu nâu thẫm, ông ta có vẻ rất bí mật và bảo đó là đồ thiêng mua từ Phú Long. Muốn trưng bày trong nhà phải mời pháp sư về yểm nếu không sẽ bị nhiễm độc khí".

Trần Văn Cang (ngồi giữa) từng cuốc được cả rổ cổ vật ở Phú Long.

Vua Chăm có ở đây hay không thì không biết nhưng rõ ràng các báu vật người dân tìm thấy đều hiển thị dấu ấn của thời vua chúa xa xưa. Ông Nguyễn Đức, một bô lão ở Phú Long kể: "Ngày chúng tôi đến đây lập nghiệp thì người Chăm còn lại rất ít, họ di chuyển lên Phú Hải và sống quanh các chân tháp Pô Sah Inư. Chúng tôi tin rằng trong các tháp đó chắc chắn có báu vật vua Chăm, giờ đã trở thành khu di tích lịch sử nên không ai được quyền đến đó xâm phạm cả".

Ông Đức còn tiết lộ thêm, ở Phú Long có ba kho báu ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để bảo vệ bảo vật của vua. Nhưng tất cả những thông tin này cũng đều là truyền miệng thôi, chưa có nhà khoa học nào chứng minh cả.

Theo hướng chỉ tay của ông Đức, chúng tôi quyết tìm đến khu đền Pô Sah Inư. Nhiều khách tham quan khi được hỏi đều nhận định đây là khu lưu giữ nhiều của quý của vua Chăm suốt nhiều năm trước khi lụi tàn. Nhóm đền Posah Inư tọa lạc trên đồi "Lầu ông Hoàng".

Ngay trong tháp chính còn lưu dấu nhiều vết tích của vua Chăm như: Chiếu chỉ, điều lệ… Riêng kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật còn lại ở thân tháp đủ gợi lên yếu tố thẩm mĩ riêng biệt của phong cách Chăm.

Ông Lê Văn Trân, một cư dân sống lâu đời dưới chân tháp nhận định: "Các cổ vật rơi vãi ngoài ruộng rẫy dân đào được chỉ là những thứ đơn giản. Có thể thứ quý giá hơn được cất giấu ở nơi kiên cố và cẩn mật".

Trên đường từ Phú Hải về Phan Thiết, chúng tôi tình cờ gặp tay săn đồ cổ có tiếng tên là Lê Hoàng T., ông T. chép miệng suýt xoa: "Mấy năm trước tôi mua được hàng chục chiếc lư nhang của hoàng tộc Chăm ngay trên mảnh đất này.

Điều đặc biệt là những đêm mưa nó lại tự phát quang, có thể đó là kết cấu cổ vật từ thời vua Chăm. Mấy năm nay đi săn nhưng chỉ mua được vài chiếc bình vôi thôi, cổ vật ngày càng mai một rồi".

Ngọc Thiện - Hà Nguyên
.
.
.