Tiết lộ của người tham gia cuộc truy tìm kho báu hàng trăm tấn vàng ở ngoài khơi miền Trung

Thứ Bảy, 23/04/2016, 17:45
Từ lâu, ngư dân vùng duyên hải miền Trung đã râm ran về chuyện một kho báu trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ bị vùi sâu dưới đáy biển. Chuyện có thật không? Bài viết dưới đây là hé lộ của một người trong cuộc. Anh đã có mặt trong suốt cuộc tìm kiếm đặc biệt cách đây hơn 30 năm.


Những thông tin ban đầu đáng quan tâm

Khoảng  năm 1944 - 1945, phát xít Nhật bị quân đồng minh tấn công dồn dập trên các mặt trận. Nhật cảm nhận chẳng bao lâu nữa sẽ là ngày cáo chung cho chế độ phát xít. Kinh tế kiệt quệ. Họ bí mật tổ chức một đoàn tàu hơn trăm chiếc chở của quí gồm cao su, thiếc, vàng bạc châu báu khai thác được ở các nước Đông Nam Á, men theo bờ biển Việt Nam, qua biển Trung Quốc để về Nhật Bản. Mỗi chiếc tàu có trọng tải từ 3.000 đến 3.500 tấn. Khi đi đến vùng biển miền Trung Việt Nam thì bị đồng minh ném bom. Khoảng 127 con tàu bị đắm ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Phú Yên, Bình Thuận.

Trong lúc nhiều người còn đang phân vân thì lại có tin, dưới thời Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã cho người tìm kiếm bảy ngày đêm trên biển. Năm 1964, một số ngư dân ở Quảng Ngãi như ông Phan Chu Tế (thực ra là ông Huỳnh Văn Hườn mới là người kể cho ông Tế viết đơn) đã có đơn xin tướng Nguyễn Khánh cho trục vớt “kho báu” này.

Nguyễn Tuấn Thăng cùng con tàu ở Tokyo chuẩn bị về Việt Nam.

Về phía ta, đầu năm 1983, hai bên Việt-Nhật đã bắt đầu đàm phán truy tìm xác định tọa độ đoàn tàu đắm và tổ chức trục vớt kho báu dự kiến là khổng lồ này. Trong các cuộc đàm phán, phía Việt Nam có đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải (chủ trì). Nguyễn Tuấn Thăng, sĩ quan an ninh, trong vai người của Bộ Giao thông vận tải tham gia đoàn. Văn bản công khai chỉ đề cập đến việc tìm tọa độ và trục vớt những con tàu đắm chở đầy cao su và thiếc, tỷ lệ ăn chia là Việt Nam: 6, Nhật Bản: 4. Nếu phát hiện trục vớt được vàng thì tỷ lệ ăn chia là Việt Nam: 8, Nhật Bản: 2.

Tuy nhiên, ai cũng biết, trong đoàn tàu trên có một số tàu chở đầy vàng. Đây mới là mục tiêu chính cả hai bên đều quan tâm. Trên bàn đàm phán, “kho vàng” chỉ được đề cập chung chung. Nhưng, hai bên đều hiểu, đây mới là vấn đề cốt lõi, sống còn của dự án. Vì thế đều âm thầm chuẩn bị mọi tình huống cho kế hoạch “B” này.

Làm thế nào phát hiện được những con tàu chở vàng vùi dưới đáy một vùng biển rộng lớn, nằm giữa khoảng 100 con tàu chở cao su và thiếc. Làm sao để trục vớt hay khai thác được số vàng đó. Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng cuối cùng phải đưa được số vàng đó về kho an toàn. Thế nên, một cuộc chiến thầm lặng, cam go hàng ngày hàng giờ âm thầm diễn ra.

Các thành viên trong đoàn đàm phán Việt – Nhật.

Một ngày đẹp trời đầu năm 1984, Nguyễn Tuấn Thăng, cán bộ công an, là một trong những người Việt Nam ra sân bay Nội Bài đón đoàn Nhật sang trục vớt kho báu ở vùng biển miền Trung. Anh không ngờ, gần hai năm sau, anh lại là người tiễn đoàn Nhật lên máy bay về nước. Người biết việc có thể không ít, người tham gia còn khá đông.

Nhưng người có mặt từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng; người trực tiếp tham gia trục vớt lênh đênh trên tàu ngoài biển thì chỉ có một mình anh còn sống khỏe mạnh, minh mẫn. Trong ký ức của anh, không thể nào quên những ngày gian khổ, nguy hiểm giữa trùng khơi và những cuộc đấu trí âm thầm của những con người có thể nói là đặc biệt trên con tàu trục vớt này. Tôi xin ghi lại những câu chuyện lần đầu tiên anh kể:

Ngày 29/11/1984 Nhật cho tàu trục vớt Kaiko 23, tải trọng 480 tấn cùng toàn bộ thủy thủ đoàn, trong đó có 2 người Việt Nam, cập cảng Quy Nhơn. Nguyễn Tuấn Thăng cùng khoảng gần 30 người trong đó có 10 thợ lặn cùng về trên con tàu.

Theo kế hoạch, trước mắt trục vớt 4 con tàu đắm ở vùng biển Nghĩa Bình là:

Tàu Engi Maru (chở 500 tấn thiếc)

Tàu Daietsu Mảu (chở 570 tấn thiếc)

Tàu Yoshu

Tàu Otsusen

Có lẽ do được ngâm trong nước biển, số thiếc gần như nguyên vẹn.

Ba tháng làm việc cùng Kaiko 23 trên vùng biển Sa Huỳnh, Nguyễn Tuấn Thăng nhớ mãi câu chuyện nghiệp vụ rất thú vị trong đời làm trinh sát.

Những lúc rỗi rãi, thường là sáng sớm tinh mơ hay buổi tối, thủy thủ Nhật Bản và mấy anh em người Việt Nam hay tụ tập trên boong tàu chuyện trò tán gẫu cho đỡ buồn. Có một ông già, khoảng gần 60 tuổi, trắng trẻo, mái tóc hoa râm, ăn riêng, ở riêng trong một phòng (thường thủy thủ ăn ở phòng ăn chung), không tiếp xúc trò chuyện với ai.

Nhưng về đêm, lại hay tha thẩn dạo bước trên boong. Sáng, ông cũng hay lên ngắm mặt trời mọc. Chiều tà dương ngả về tây, người ta lại thấy ông trên boong, hai tay chắp sau lưng nhàn nhã, thong dong. Thủy thủ, ai cũng có việc bận túi bụi, còn ông, hình như không có việc gì?

Hỏi thì được người Nhật cho biết: Kaiko 23 là con tàu cũ, ông lại là một thợ máy giỏi và chỉ có ông mới là người hiểu rõ nhất về máy móc của nó. Vì thế, ông có mặt ở đây để sẵn sàng sửa chữa khi chẳng may nó trục trặc kỹ thuật.

Nguyễn Tuấn Thăng bí mật báo cáo và yêu cầu ở nhà cho biết những thông tin liên quan đến tàu Kaiko 23. Các chuyên gia về lĩnh vực giao thông hàng hải cho biết: Kaiko 23 không phải là tàu lớn, tải trọng có 480 tấn nhưng là lớp tàu khá hiện đại, mới được đóng cách thời điểm này chừng 5 - 7 năm. Vì thế sẽ không có chuyện hỏng hóc lớn.

Theo hướng dẫn ở nhà, Thăng mò vào cabin để đọc bảng chỉ dẫn thông số về xuất xứ, địa chỉ, thời gian đóng, thời gian hạ thủy, tải trọng... của tàu Kaiko 23. Không ngờ, bảng này đã bị tháo bỏ, chỉ còn trơ lại 4 lỗ vít.

Thăng quyết định tiếp cận làm quen ông già bí ẩn. Cái bắt tay thân mật, một cảm giác mềm ấm truyền sang tay anh. Thăng tự nhủ: không phải bàn tay người thợ máy, bởi bàn tay này không có vẻ thô ráp, rắn chắc mà mềm mại, trắng trẻo, nhỏ nhắn.

Thăng mơ hồ, láng máng nhớ ra điều gì đó nhưng chưa rõ ràng thì ở nhà cho biết; theo một nguồn tin đáng tin cậy: khoảng 1944 một chiếc tàu của Nhật Bản đi đến vùng biển Việt Nam thì bất ngờ bị nổ tung. Khi ấy trời đang quang, biển đang lặng bỗng dưng tàu nổ, bốc cháy ngùn ngụt. Trong ánh lửa rừng rực, một thanh niên trên 20 tuổi đang ngồi trên boong bị hất bắn xuống nước. Ánh lửa nhoáng nhoàng, anh thanh niên chỉ kịp đưa mắt nhìn con tàu vỡ đôi, đang chìm dần. Phải chăng vì lý do gì đó, con tàu chở vàng được lệnh tự đánh đắm?

Chàng trai trẻ người Nhật được ngư dân Việt Nam cứu đưa vào bờ. Sau này trở về Nhật, chàng thanh niên năm xưa mới ngoài 20 tuổi, hơn 30 năm sau, hôm nay, rất có thể chính là ông già gần 60 tuổi trên con tàu Kaiko 23 này. Ông có nhiệm vụ gì? Không có gì khác là xác định chính xác tọa độ con tàu chở vàng bạc châu báu bị đắm năm xưa...

Vì sao người Nhật rất quan tâm?

Thực ra, chuyện trục vớt kho báu dưới đáy biển trải dài từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Thuận không phải chỉ đến bây giờ mới được đề cập. 

Đoàn Việt Nam sang Tokyo đàm phán trục vớt tàu đắm.

Chính quyền Sài Gòn, ít nhất vài lần đã cho tìm kiếm. Tuy nhiên, các tài liệu trên đều chưa thống nhất về số lượng tàu Nhật chở của cải bị đánh chìm (88 hay 127 hay 158) trong đó có 4 (hay 5) tàu chở vàng bạc đá quý? Mặt khác cũng chưa có tài liệu nào đề cập đến những thanh kiếm quý của giới Sa-murai, trong đám lính Nhật trên những con tàu này. Đây cũng là khối tài sản có giá trị mà phía Nhật quan tâm.

Sau khi rút tàu Kaiko 23 về nước, khoảng 6/1985, Nhật đưa tàu Kaiyo tải trọng 1030 tấn sang thay. Khác với phương pháp trục vớt tàu Nakhimop ở Tokyo. Ở Việt Nam, họ dùng phương pháp đơn giản hơn. Thợ lặn xuống các khoang tàu đắm, khai thác lấy hiện vật, cho vào lồng sắt kéo lên. Hiện vật lấy được chủ yếu là thiếc và cao su đã đóng thành khối. Số lượng thiếc và cao su cụ thể là bao nhiêu, Tuấn Thăng không nhớ rõ, nhưng được để ở cảng Quy Nhơn khá lâu.

Chiếc răng vàng - người Nhật “rởm” bị lộ tẩy

Như thường lệ, buổi tối nọ, mấy anh em người Việt Nam hay lên boong tàu trò chuyện. Không khó khăn gì khi thấy một người Nhật cũng thường la cà gần đó, ngắm biển, ngắm trời một cách lơ đãng. Anh ta rất ít nói, đã nói thì nói bằng tiếng Nhật, tỏ ra hoàn toàn không biết tiếng Việt. Xét về cách ăn mặc, anh ta như người Nhật chính cống... Nhưng nhìn nét mặt, hình như anh ta rất chú ý lắng nghe những người Việt Nam nói chuyện.

Ngẫu nhiên một lần, Nguyễn Tuấn Thăng thấy anh ta cười, lộ cái răng vàng, trên răng vàng lại khảm một ngôi sao. Thăng giật mình ngờ ngợ. Lục tìm trong trí nhớ, hóa ra, thời kỳ trong quân ngũ, đơn vị đóng quân ở dốc “Bò Lăn” Thanh Hóa. Người dân vùng này có tục trồng răng vàng khảm ngôi sao.

Lần khác, trong nhà bếp, hắn gọt khoai tây. Người Nhật có thói quen gọt ngược; còn hắn lại gọt xuôi y như người Việt Nam.

Tuấn Thăng quyết định làm một phép thử. Dịp thuận tiện đã đến. Thăng khệ nệ vác về một ôm mía mua từ dưới cảng lên. Đưa mời hắn một đoạn mía. Thăng còn đang loay hoay tìm dao để dóc thì hắn thản nhiên đưa đoạn mía lên miệng dùng răng tước vỏ thành thạo. Một thói quen của khá nhiều người Việt Nam cũng như người Thanh Hóa.

Để chắc chắn, Thăng quyết định làm một phép thử nữa. Hôm ấy, hắn được phân công lái cano đưa một số thủy thủ vào bờ, trong đó có Tuấn Thăng. Trên cano thường để 2 mái chèo dự phòng. Trong đó có một chiếc vì lý do gì đó không gắn vào cái móc, trên thành cano.

“Mái chèo để thế kia thì rơi mất” - Tuấn Thăng nói to cho mọi người nghe thấy. Nhưng y không hề nhúc nhích, cũng không thèm nhìn. “Hay là hắn không biết tiếng Việt thật”, Tuấn Thăng nghĩ. Nhưng kìa, hắn len lén kín đáo đưa mắt nhìn. Hành động đó không lọt qua con mắt Tuấn Thăng. Anh bí mật chụp ảnh hắn gửi về nhà để xác minh.

Thì ra, một cơ quan chức năng của Nghĩa Bình cho biết: hắn là người Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1973. Không chịu được ác liệt, hắn đào ngũ, trốn về Sài Gòn. Ở đây hắn gặp bà dì ruột, bà này cho hắn sang Nhật học nghề thợ lặn.

Hắn thường la cà lên boong tàu để thăm dò, nghe ngóng, thu lượm tin tức qua những câu chuyện trao đổi của mấy anh em Việt Nam.

Phía Nhật đã trao cho ta bản đồ tọa độ những con tàu đắm. Vì nhiều lý do, dự án phải dừng lại vào khoảng 10-1985. Đến nay, kho báu vẫn nằm im dưới đáy biển miền Trung nước ta. Có ý kiến cho rằng: không kể những con tàu chở vàng, nếu ta tổ chức khai thác trục vớt thiếc và cao su, thì số lượng cũng rất lớn.

Dù sao, với riêng Nguyễn Tuấn Thăng, thỉnh thoảng, những ngày trinh sát nằm vùng này lại ùa về xốn xang bao kỷ niệm. Và trong anh luôn đau đáu một niềm mong ước cháy bỏng là góp phần nhỏ bé trục vớt được kho báu này. Trong lúc nước nhà còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, tài sản trên hẳn có ý nghĩa không nhỏ.

Hoàng Liễn
.
.
.