Cao nguyên đá trước thềm Xuân

Thứ Tư, 03/02/2016, 10:58
Mùa xuân là mùa đẹp nhất, đáng chờ đợi nhất ở cao nguyên cực Bắc. Khi những cơn gió ấm áp từ trong các khe núi lớn, sâu thẳm ùa ra xua đi màn sương mù dày đặc, từng mái ngói âm dương lộ ra, và những ngọn khói mỏng mảnh như tơ được uốn cong trên khoảng không thoáng đãng. Mùa xuân khi nào cũng vô cùng dịu dàng, ngọt ngào, và là một món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng núi cao.

Tôi từng có một kỉ niệm đặc biệt, không bao giờ quên, và thi thoảng mỗi sáng mùa đông thức dậy điều đầu tiên nghĩ đến lại là nó. Đấy là vào một buổi sáng tinh mơ, thức dậy trong một đồn biên phòng, đi ra bể đánh răng rửa mặt. Vừa đưa cái ca sắt vào trong bể để múc nước thì nghe cốp một cái. Giật mình ngó vào bể thì ôi chao, nước trong bể qua một đêm nhiệt độ xuống dưới 0 đã đóng băng cứng đét. Và sáng hôm đó, để có nước đánh răng rửa mặt mấy anh lính biên phòng phải dùng búa để đập vỡ băng, rồi đem vào đun cho tan ra.

Mùa đông rút kiệt sức sống của cao nguyên. Bò chết rét hàng loạt, cây cối không sao mọc nổi, mặt đất rắn đanh. Để có một can nước 20 lít, các cô giáo phải mua, tính ra mất vài ngày lương. Không mua thì không có gì mà dùng, đi theo bà con mấy tiếng đồng hồ để gùi nước mỗi ngày thì không đủ sức. Ngoài vườn, duy nhất một loài rau sống sót: rau cải. Mùa đông, đất đai nghỉ, trâu bò nghỉ, người nghỉ. Mà mùa đông vùng cao thì đâu có ngắn, nó phải dài gấp rưỡi miền xuôi.

Trong số các cây lương thực ở cao nguyên, chỉ có tam giác mạch sống được vào mùa đông. Sức sống kì diệu của loài cây mỏng manh ấy khiến con người cũng phải kinh ngạc. Và để cho đất không bị bỏ trống vào mùa đông, người ta trồng tam giác mạch. Tam giác mạch, hay mạch ba góc, được gọi như vậy vì hạt của nó có ba cạnh, chứ không tròn như ngô hay dài như gạo. Hạt tam giác mạch khó ăn vì nó khô, nhạt, không thơm, dinh dưỡng của nó cũng ít. Xưa, người Mông gieo tam giác mạch, thu hoạch về chỉ để cho gia súc.

Nay thì khác rồi. Tam giác mạch, thứ cây mọc khỏe như cỏ, nở hoa tự nhiên như gió như mây, bỗng bất thình lình trở thành một sản phẩm du lịch. Tới mức, Hà Giang quyết định tổ chức hẳn một Lễ hội hoa tam giác mạch. Không nói thì ai cũng biết, lễ hội này, mục tiêu chính của nó là để thu hút khách du lịch. Ngay cả cái huyền tích về hoa tam giác mạch đang lan tràn trên mạng internet, nói thật, dù sinh ra lớn lên ở đấy, đọc bao nhiêu thứ sách vở tài liệu liên quan đến văn hóa bản địa, tôi cũng chưa bao giờ được biết.  Nhưng cái huyền tích ấy xuất phát từ đâu, có bằng văn bản từ bao giờ cũng không quan  trọng bằng việc nó khiến cho tam giác mạch trở nên lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn, phục vụ cho sự hiếu kì của hàng ngàn du khách.

Lễ hội diễn ra thế nào, ai cũng biết cả rồi. Mảnh đất bé xíu, cao vút, đường đi khó khăn hiểm trở, bỗng chốc trở nên quá tải. Cụm từ quá tải được dùng trong mọi trường hợp: giao thông, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh… Tất cả những gì cần để phục vụ cho hàng nghìn người cùng lúc đổ lên Hà Giang đều lâm vào tình trạng quá tải. Điều đáng nói nhất, chính là sự quá tải trong tiếp nhận văn hóa.

Hai chục năm trước, khi đi chúng tôi đi nhờ được một chiếc xe của một ban ngành nào đó, vào trong một xã cách huyện lị chỉ chừng 20 km, khi xe dừng, tất cả trẻ con quanh đó đều đổ xô ra để nhìn ngắm chiếc xe, sờ vào chiếc xe, soi mặt vào gương chiếu hậu và cười rúc rích. Đứa lớn cõng đứa bé, chân đất, thậm chí cởi truồng, tím bầm vì lạnh, nhưng vẫn chạy ùa đến chỉ để nhìn tận mắt một chiếc xe ô tô. 

Bây giờ, bọn trẻ ấy đã lớn, đã có vợ có chồng, và các cậu bé cô bé không còn tò mò nữa vì ô tô, xe máy đã nhiều hơn gấp nhiều lần những chú ngựa mà cả huyện cả xã đang nuôi. Và, người ta đã bắt đầu biết chìa tay đòi tiền khi có người muốn chụp ảnh cùng. Rồi người ta sẽ bán tất cả những gì mà khách du lịch muốn mua. Nhiều sản phẩm thực sự từ trong nhà đã bước ra chợ: Dao, bao dao, địu, quẩy tấu, khèn, sáo, khăn vấn đầu, váy áo… cái gì cũng có thể bán, hoặc đơn giản là…cho thuê.

Nhiều năm trước, Tây Nguyên bất lực trước nạn chảy máu cồng chiêng. Đến cả tượng nhà mồ cũng bị lấy trộm đem bán. Nhiều thập kỉ sau, hàng thế kỉ sau, người Tây Nguyên không bao giờ có lại được những thứ đã mất đi.

Tôi thật sự rùng mình, không dám nghĩ tới những thứ mà Hà Giang có thể mất đi vì du lịch. Và có thể sẽ giống như Tây Nguyên, một vài thập kỉ nữa, không biết hàng loạt câu hỏi mà các thế hệ con cháu đặt ra, ai sẽ là người trả lời.

Trở lại với lễ hội. Hàng loạt lễ hội truyền thống của Hà Giang đang được phục dựng. Nói thật, tôi rất sợ hai chữ "phục dựng". Lễ hội, đặc biệt phần lễ, là thứ thuộc về linh hồn. Nó phục vụ, nó hướng tới sự thỏa mãn về tinh thần, hoàn toàn không phải vì mục đích thu hút sự chú ý của bất kì ai. 

Một kịch bản phim của tôi đang được hãng phim Truyền hình Việt Nam sản xuất tại Hà Giang. Trước khi đoàn làm phim đi khảo sát, tôi có cùng đạo diễn tìm hiểu về hội Gầu tào, và được biết hiện có một đội "diễn viên" sẵn sàng phục dựng hội Gầu tào, mục đích để phục vụ du lịch. Đoàn làm phim có thể thuê họ, vì trong kịch bản của tôi có đoạn về hội Gầu tào. Khi đó, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đoàn làm phim sẽ bớt phần vất vả khi làm phim, vì có sẵn "diễn viên". Nhưng lo, đúng hơn là bần thần khi nghĩ đến một nghi lễ mang tính cộng đồng, một cộng đồng thu hẹp, lại có thể diễn ra bất cứ lúc nào chỉ cần được…thuê.

Tôi không dám bàn về tính thiệt hơn của những hoạt động phục dựng khi nó  được nhằm vào mục đích du lịch. Bởi vì, như tất cả mọi người con Hà Giang, tôi mong cho quê hương mình từ một tỉnh nghèo nhất nước, dần dần khấm khá lên, dần dần giảm bớt gánh nặng ngân sách từ Trung ương. Không có gì hạnh phúc bằng tự lực cánh sinh, tự mình nuôi mình. Và du lịch, không thể phủ nhận, là một ngành công nghiệp không khói, mang lại lợi nhuận không hề nhỏ. Cái đáng nói ở đây, chỉ gói gọn trong hai chữ thôi: Bền vững. Bền vững là yếu tố mà bất kì một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, khi làm du lịch đều không thể không tính đến.

Vì sao Buhtan một năm chỉ khống chế nhất định một lượng khách du lịch?  Vì sao chỉ có 8 phi công trên toàn thế giới có khả năng hạ cánh được ở Buhtan? Vì sao để đến Buhtan bạn không thể đi tự do mà bắt buộc phải thông qua các công ty lữ hành, với một chi phí rất đắt đỏ? Chính là vì hai chữ bền vững.

Hà Giang, sau những ngày lễ hội hoa tam giác mạch diễn ra, nơi nơi tràn ngập rác, những mảnh ruộng tam giác mạch gãy nát tơi bời, nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm… Cộng đồng mạng không thiếu những kêu ca về hạ tầng cơ sở yếu kém, giá cả dịch vụ đắt đỏ, trình độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Nói thật, chả có cách nào để một địa phương xa tít tắp, nghèo, tụt hậu hàng mấy thập kỉ so với các thành phố lớn, lại phút chốc có thể phục vụ hàng ngàn lượt khách du lịch một cách chuyên nghiệp được.

Cây tam giác mạch, vốn dĩ nó mọc như cỏ, trên những mảnh đất thấp bỏ trống suốt mùa đông, thì để phục vụ du lịch, người ta trồng cả vào chậu nhựa. Trộm nghĩ, nếu tam giác mạch có linh hồn, đúng như quan niệm "vạn vật hữu linh" của đồng bào Mông, thì không biết nó sẽ nghĩ gì. Hoa tam giác mạch dù đẹp đến mấy, thì cũng giống cây ngô khi ra đòng, khát vọng cuối cùng của nó phải là được ra hạt. Cho dù hạt ấy chỉ dành cho gia súc. Chứ không phải chỉ để cho người ta ngắm, chụp ảnh, giẫm đạp đến nát bét và hoàn toàn mất cơ hội ra hạt.

Tôi vẫn muốn nhắc đến hai chữ bền vững. Người ta đã bắt đầu đánh cả gốc lẫn rễ những cây hoa hồng hàng vài chục năm tuổi từ Đồng Văn về Hà Nội, coi đó như một kì tích. Đến một lúc nào đó thì cả những căn nhà cổ cũng có thể được mua về xuôi, để thỏa cái thú chơi chả ai giống ai. Tất cả mọi thứ phong tục tập quán - linh hồn của một vùng văn hóa, đều sẽ có thể được phục dựng để thỏa trí tò mò của khách du lịch. Phong tục chỉ có giá trị khi nó tồn tại trong cộng đồng, là một phần của đời sống con người, không bị chi phối bởi bất kì thứ gì khác. Khách du lịch, chỉ nên là người quan sát. Quan sát và tập thói quen tôn trọng.

Một mùa xuân nữa lại đến. Mùa đẹp nhất trong năm, kì diệu nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, yêu đương. Những mảnh đất sẽ bắt đầu mềm tơi dưới chân người, và những hạt giống được gieo xuống sẽ nảy mầm, đón những tia nắng ấm áp và dịu ngọt. Ở vùng cao, mùa xuân trong năm giống như buổi bình minh trong ngày. Tất cả sẽ bắt đầu lại từ đầu, việc gì hôm qua làm chưa xong hôm nay làm tiếp. Lời hẹn hò nào hôm qua chưa thực hiện hôm nay sẽ thực hiện. Bông hoa nào còn đang e ấp sẽ bung nở… Mong một mùa xuân mới thật rực rỡ cho cao nguyên đá, chuẩn bị cho một năm du lịch an toàn và bền vững.

Bút ký của nhà văn Đỗ Bích Thúy
.
.
.