Báo động tình trạng tự tử trong thanh thiếu niên Nhật

Thứ Hai, 19/11/2018, 08:46
Số trẻ em và thanh thiếu niên Nhật Bản tự sát trong năm 2016 và 2017 cao hơn bất cứ năm nào kể từ năm 1986 đến nay. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy có tới 268 học sinh tự tử trong 10 tháng của năm 2018.


"Số lượng vụ tự tử của học sinh đã ở mức cao, và đó là một vấn đề đáng báo động cần được giải quyết", Noriaki Kitazaki thuộc Bộ Giáo dục nói với các phóng viên hôm 6-11. 

Ông Noriaki Kitazaki cho biết, nguyên nhân của sự gia tăng là không rõ ràn, nhưng hơn một nửa trong số 268 học sinh nói trên là học sinh trung học. Có nhiều lý do khiến các học sinh tìm đến cái chết trong đó bao gồm cả nạn bắt nạt, các vấn đề về gia đình, sự căng thẳng trong việc học…

Cũng theo ông Noriaki Kitazaki thì trước đây, chính phủ đã ghi nhận mức tăng đột biết về các vụ tự tử hàng năm vào ngày 1-9, tức ngày bắt đầu năm học bởi trước đó học sinh có một thời gian dài nghỉ hè (3 tháng). Dẫn chứng về vụ tự sát của học sinh Nanae Munemasa (17 tuổi), ông Noriaki Kitzaki cho biết, trước khi tự tử, Nanae Munemasa đã công khai câu chuyện của mình để giúp đỡ những đứa trẻ khác vốn hay bị bắt nạt.

Có nhiều lý do khiến các học sinh Nhật Bản tìm đến cái chết. ảnh: AP

Cô bé này còn trả lời phỏng vấn hãng CNN hồi năm 2015 rằng: "Thời gian nghỉ dài cho phép bạn ở nhà. Và nó là thiên đường cho những người bị bắt nạt. Khi mùa hè kết thúc, bạn phải quay trở lại. Và một khi bạn bắt đầu lo lắng về việc bị bắt nạt, tự sát có thể xảy ra".

Trên thực tế, Nhật Bản luôn có vấn đề dai dẳng với các vụ tự tử, mặc dù con số này nhìn chung đã giảm đi và chỉ tăng cao ở thanh thiếu niên. Năm ngoái, 250 trẻ em ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Nhật Bản đã tự sát.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục, hầu hết các học sinh tự tử mà không để lại lời giải thích nào về lý do tại sao chúng quyết định kết thúc cuộc sống của mình. Trong số những đứa trẻ đã tự tử và để lại chúc thư, lý do được viện dẫn thường xuyên nhất là lo lắng về con đường cần thực hiện sau khi tốt nghiệp.

Và mặc dù tự sát trẻ em không phải là vấn đề duy nhất đối với Nhật Bản nhưng các bệnh về thần kinh như tâm thần, stress, trầm cảm… vẫn không phải là một chủ đề thảo luận mở ở quốc gia này và rất khó cho trẻ em hay thanh thiếu niên bị trầm cảm hoặc lo lắng tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vickie Skorji, Giám đốc đường dây nóng tại TELL - một dịch vụ tư vấn về khủng hoảng và tư vấn khủng hoảng ở Tokyo cho biết: "Ở Nhật, vấn đề lớn nhất của những đứa trẻ là có sự kỳ thị lớn hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần so với các nước khác. Chúng có nhiều khả năng bị bắt nạt và ít có khả năng nhận được các dịch vụ hỗ trợ và sự hiểu biết từ cha mẹ". Một số chuyên gia nói rằng trẻ em không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ gia đình như, họ có thể có trong quá khứ bởi lẽ giờ đây, ít có gia đình nào sống chung nhiều thế hệ.

"Tôi nghĩ mạng lưới hỗ trợ cho trẻ em đã yếu đi", Yoshitomo Takahashi, một Giáo sư và bác sĩ tâm thần tại Đại học Tsukuba cho biết. "Bây giờ, chúng ta không thể mong đợi điều tương tự từ các gia đình mà chúng ta thường kỳ vọng. Chúng ta không thể mong đợi cha mẹ hoặc ông bà để cung cấp sự hỗ trợ mà họ đã từng làm.

Và trong tình huống này, trẻ em vẫn còn một mình". Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, các trường học nói chung không được trang bị tốt để đối phó với bệnh tâm thần giữa các học sinh và nói chung là giáo dục về bệnh tâm thần còn thiếu. Yuki Kubota, Giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Kyushu Sangyo cho biết: "Các giáo viên bận rộn và họ không thể trả lời từng sinh viên trong nhiều trường hợp".

Thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia cho thấy, tổng số vụ tự tử ở Nhật Bản ở mức 21.321 vụ vào năm 2017, có giảm so với mức đỉnh điểm 34.427 vụ vào năm 2003. Tờ The Japanese Times cho hay, từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch cắt giảm tỷ lệ tự sát xuống 30% vào năm 2026, đặc biệt là trong giới trẻ.

Một phần của kế hoạch bao gồm việc thuê tư vấn viên cho mọi trường tiểu học và trung học cơ sở trong nước và tung ra đường dây trợ giúp 24/7. Koju Matsubayashi - một quan chức thuộc Bộ Giáo dục nói: "Điều quan trọng là dạy cho trẻ em cách tìm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt... Bởi vì chúng sẽ trở nên tốt hơn trong việc tìm sự giúp đỡ khi chúng đã đau khổ. Ánh sáng ở cuối đường hầm tối hơn và tối hơn cho đến khi chúng bắt đầu, bắt đầu nhìn thấy sự ám ảnh về cái chết".

Cũng theo tờ The Japanese Times thì không chỉ riêng Nhật Bản phải vật lộn với tỷ lệ tự tử cao mà vấn đề này vẫn tồn tại trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hàn Quốc có tỷ lệ tự sát cao hơn Nhật Bản, với 26,9 vụ tự sát trên 100.000 người trong năm 2017, so với 18,5 người ở Nhật và 3,2 người đối với Philippines.

Các chuyên gia WHO nhận định, nền văn hóa với cường độ công việc nặng như ở các nước Đông Bắc Á cùng với sự kỳ thị đối với việc điều trị trầm cảm hoặc các can thiệp khác đã tạo điều kiện cho nạn tự tử phát triển.

Nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng, tự sát cũng có thể lây lan, với cái chết của một người hoặc nhiều người góp phần làm tăng hành vi tự sát trong số những người khác, đặc biệt là những người đã có ý nghĩ tự tử hoặc yếu tố nguy cơ được biết đến để tự sát.

Phương Linh
.
.
.