Tài liệu “mật” bị chiếm đoạt chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung như thế nào?

Chủ Nhật, 22/11/2020, 11:00
Như Báo CAND đã đưa tin ngày 21/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận, đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Đức Chung về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”. Báo CAND tiếp tục thông tin để bạn đọc hiểu thêm vụ án nghiêm trọng này.


Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố các bị can gồm: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập; Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội), đối tượng có 1 tiền sự "Cướp giật tài sản" vào năm 2001; Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Quá trình điều tra xác định: Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Nguyễn Đức Chung đã chủ động đặt vấn đề và được bị can Phạm Quang Dũng nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án "Công ty Nhật Cường"; trong đó, có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật”.

Từ trái qua: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Tài liệu mật được tuồn cho ông Nguyễn Đức Chung như thế nào?

Quá trình điều tra xác định: Ngày 14/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CSĐT - BCA) khởi tố, điều tra vụ án hình sự "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (vụ án "Công ty Nhật Cường"). Trong đó, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường", bị can Nguyễn Đức Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành giới thiệu, làm quen với bị can Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (viết tắt Cục Cảnh sát kinh tế), được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường". Ngày 16/6/2019, bị can Nguyễn Đức Chung đã đặt vấn đề và sau đó, được bị can Phạm Quang Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường".

Sau khi được bị can Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề, để có thông tin, tài liệu cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung, bị can Phạm Quang Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường" lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (đơn vị được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo. Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án "Công ty Nhật Cường"; trong đó, có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật", cụ thể:

Lần 1, khoảng đầu tháng 8/2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý chụp trộm tại cơ quan 1 tài liệu là "Kế hoạch điều tra (tiếp theo kế hoạch điều tra ngày 28/6/2019) vụ án Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậy quả nghiêm trọng, Rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại & kỹ thuật Dịch vụ Nhật Cường ngày 5/8/2019".

Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ ngày 19/8/2019 đến ngày 24/8/2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý phô tô tại cơ quan để mang về nhà 3 tài liệu, gồm: Báo cáo đề xuất về việc liên quan Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18/8/2019; Báo cáo Sơ kết vụ án về việc liên quan Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18/8/2019; Báo cáo ngày 9/8/2019 về kết quả điều tra từ ngày 5/8/2019 đến 9/8/2019. 

Hồi 22h55 phút đến hồi 23h7 phút ngày 24/8/2019, tại bàn ăn, nhà riêng của mình, Phạm Quang Dũng đã sử dụng điện thoại di động Iphone XS chụp ảnh, lưu giữ lại 3 tài liệu, báo cáo nêu trên; hiện các tài liệu này còn đang lưu giữ trong máy điện thoại di động Iphone XS của Phạm Quang Dũng.

Ngày 4/9/2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý phô tô tại cơ quan để mang về nhà 1 tài liệu là "Báo cáo đề xuất việc liên quan Sở thông tin và truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, đề ngày 29/8/2019. Lần 4, vào khoảng 23h ngày 4/6, Phạm Quang Dũng đã đột nhập vào phòng làm việc của riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Th. - Trưởng phòng 14 Cục Cảnh sát kinh tế tại số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội (trước đó, Dũng đã chủ động đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của ông Th.), sử dụng điện thoại di động Iphone XS để chụp trộm 3 tài liệu (26 trang tương ứng với 26 file ảnh chụp) tại bàn làm việc của ông Th.

Tài liệu gồm "Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng Buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường" ngày 6/5/2020; "Tài liệu báo cáo đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường" ngày 30/5/2020 và "Báo cáo kết quả minh (xác minh) việc Công ty Nhật cường cung cấp dịch vụ công cho thành phố Hà Nội từ 2017 đến 2019" tháng 6/2020. Lần 5, vào khoảng cuối tháng 2/2020 đầu tháng 3/2020, Phạm Quang Dũng đã lấy 1 tài liệu là "Báo cáo tình hình, kết quả công tác tháng 2/2020 số 800/BC-C03-P1 ngày 24/2/2020 của Cục Cảnh sát kinh tế.

Sau khi thu thập được các tài liệu, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho bị can Nguyễn Đức Chung thông qua 3 phương thức gồm: Sử dụng ứng dụng phần mềm "Viber" trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua "Viber" hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Để đảm bảo an toàn, tránh bị phát hiện trong quá trình liên lạc và chuyển giao tài liệu, 4 bị can đã sử dụng các ứng dụng phần mềm tiên tiến "Viber", "Zalo" có chức năng gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh khi có kết nối với internet. Song căn cứ vào các kết quả điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định 3 lần bị can Phạm Quang Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án "Công ty Nhật Cường" cho bị can Nguyễn Đức Chung (trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật”.

Nhiều lần trao đổi, cung cấp thông tin, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường

Quá trình đấu tranh, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Ngoài 3 lần chuyển tài liệu nêu trên, có căn cứ cho thấy bị can Phạm Quang Dũng còn nhiều lần trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án "Công ty Nhật Cường" cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Từ tháng 2 đến tháng 7/2020, Phạm Quang Dũng và Nguyễn Đức Chung đã 20 lần liên lạc, trao đổi thông tin với nhau thông qua ứng dụng "Viber". Trong đó đáng chú ý, bị can Dũng đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT 2 file ghi âm cuộc gọi trao đổi thông vào buổi sáng ngày 13/7/2020 giữa bị can Phạm Quang Dũng với bị can Nguyễn Đức Chung; có nội dung bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu bị can Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án "Công ty Nhật Cường" của Cục Cảnh sát kinh tế liên quan đến vợ chồng mình. 

Ngoài 2 lần bị can Phạm Quang Dũng chuyển tài liệu bản giấy cho bị can Nguyễn Đức Chung nêu trên, vào buổi tối các ngày 9/7/2019, 29/7/2019, 13/8/2019, 24/12/2019, bị can Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu bị can Nguyễn Hoàng Trung đến chỗ ở của bị can Dũng để nhận tài liệu vụ án "Công ty Nhật Cường" và mang về đưa lại cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Ngoài lần chuyển tài liệu vụ án "Công ty Nhật Cường" thông qua "Viber" vào ngày 10/6/2020 nêu trên, trong tháng 9/2019 và  tháng 12/2019, bị can Dũng còn 2 lần chuyển tài liệu vụ án "Công ty Nhật Cường" cho bị can Nguyễn Đức Chung thông qua "Viber".

Tuy nhiên, kết quả điều tra không có đủ căn cứ xác định thông tin, tài liệu cụ thể bị can Dũng đã cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung, nên Cơ quan ANĐT Bộ Công an không có cơ sở kết luận về các lần trao đổi, chuyển giao tài liệu này.

Quá trình điều tra vụ án còn phát hiện: Nhân dịp tết nguyên đán năm 2020 (ngày 22/1, tức ngày 28/12/2019 Âm lịch), tại khu vực đường Giải Phóng, Hà Nội (đối diện Đại học Bách Khoa, gần Bệnh viện Bạch Mai), thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của bị can Nguyễn Đức Chung 1 phong bì, bên trong có 10.000 USD (bị can Phạm Quang Dũng đã thông qua gia đình nộp lại Cơ quan điều tra số tiền này).

Ngày 10/7, Phạm Quang Dũng ra tự thú, báo cáo sai phạm của bản thân với Cục Cảnh sát kinh tế. Ngoài việc khai báo về hành vi chiếm đoạt các tài liệu, bị can Dũng còn khai nhận vào buổi tối ngày 30/6/2020, khi đột nhập vào phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Th. để tìm tài liệu vụ án "Công ty Nhật Cường", nhưng do không tìm thấy tài liệu bản rời nên đã lấy thùng caton mang về, Dũng nghĩ là thùng đựng tài liệu, giấy tờ thu được của Công ty Nhật Cường. Hôm sau mở ra mới biết bên trong có chứa điện thoại di động, không phải là giấy tờ.

Kết quả điều tra đến nay chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc bị can Phạm Quang Dũng được bị can Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD và hành vi bị can Phạm Quang Dũng chiếm đoạt 16 điện thoại di động. Do đó, Cơ quan ANĐT BCA tách 2 hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.

Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng

Vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp, tài liệu chiếm đoạt của vụ án tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Các bị can là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm; do đó, có thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi - triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm nên đã gây khó khăn đến công tác điều tra vụ án.

Bị can Phạm Quang Dũng: Là cán bộ thuộc Phòng 8 Cục Cảnh sát kinh tế, được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường. Trong quá trình này đã chiếm đoạt các tài liệu của Cục Cảnh sát kinh tế (tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường), trong đó có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; 3 lần cung cấp tài liệu cho bị can Nguyễn Đức Chung, trong đó 2 lần cung cấp 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật"  

Bị can Nguyễn Hoàng Trung đã 1 lần nhận 3 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" từ bị can Nguyễn Đức Chung và chuyển tiếp cho bị can Nguyễn Anh Ngọc in ra giấy đưa lại cho mình để chuyển cho bị can Nguyễn Đức Chung vào ngày 10/6/2020; cùng bị can Nguyễn Anh Ngọc chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối tài liệu bí mật nhà nước độ "Mật" nêu trên vào ngày 25/6/2020.  

Cơ quan ANĐT xác định bị can Nguyễn Anh Ngọc đã 1 lần nhận 3 tài liệu thông qua ứng dụng "Viber" là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" từ bị can Nguyễn Hoàng Trung để in ra giấy đưa lại cho bị can Trung chuyển cho bị can Nguyễn Đức Chung; cùng bị can Nguyễn Hoàng Trung chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối tài liệu bí mật nhà nước độ "Mật" nêu trên vào ngày 25/6/2020.

Đối với ông Phan Huy Lệ: kết quả điều tra có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ là người đã giới thiệu để bị can Nguyễn Đức Chung quen biết với bị can Phạm Quang Dũng (mặc dù ông Lệ không thừa nhận nội dung này). Tuy nhiên, không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc bị can Phạm Quang Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án "Công ty Nhật Cường" cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung. Do đó, không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Phan Huy Lệ.

Xuân Mai
.
.
.