Nóng vội làm giàu nhanh, dễ rơi vào bẫy “bánh vẽ”

Thứ Ba, 01/10/2019, 10:32
Báo chí đã phản ánh rất nhiều trường hợp tán gia, bại sản do vội tin vào các trò lừa lọc trên mạng internet; theo đó là rất nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước, thế nhưng hiện vẫn đang còn rất nhiều người vẫn tin mình sẽ thành triệu phú đô la. Nguyên nhân bắt đầu từ lòng tham, nhiều người đã bị mê hoặc trước lời mời mọc “có cánh”, cảm thấy chuyện làm giàu bỗng khá đơn giản...

Khi tôi nhắc lại câu chuyện MB24 (Công ty CP đào tạo mua bán trực tuyến) và sự trả giá đắt của nhiều người, Tuyền – tên cô gái mà tôi vừa kết bạn qua facebook cho rằng đó chỉ là chuyện của mấy năm về trước. Đoán biết tuổi tôi qua hình ảnh đại diện trên facebook, Tuyền chát với tôi nội dung “Không phải như cách của ông Luyện, ông Lĩnh của Công ty Alibaba đang rùm beng đâu à; cũng không phải đa cấp như Mobe, Easy1up hay Zclouding…”, Tuyền nói rồi gửi link cho tôi.

“Công ty này đang rất hot, có trụ sở ở Singapore”, Tuyền giới thiệu về một công ty có tên BeeGroup. Nghe tôi trầm trồ với mức trả huê hồng “khủng” đến 90% khi mời bán được sản phẩm, Tuyền lên giọng: “Thì đó, không khủng em đâu kết bạn, mời anh tham gia chi”.

Tuyền cho biết: “Khi sở hữu 1 gói, ngay trong đơn hàng đầu tiên thôi, anh đã huề vốn đầu tư ban đầu; đơn hàng tiếp theo, bắt đầu có thu nhập thụ động, và đơn hàng thứ ba, sẽ tự do tài chính” (?).

Gửi cho tôi xem một số hình ảnh sự kiện có khá đông khách hàng tham dự được cho là vừa tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tuyền... phê bình thắc mắc của tôi: “Thời 4.0, đặt trụ sở ở đâu không quan trọng nữa. Có gì thì anh cứ liên hệ trong hệ thống của bọn em. Nhưng mà được chỉ cách làm giàu rồi, anh không lo hốt bạc mà anh đi đặt nặng chuyện trụ sở để làm gì?”. Nói rồi, Tuyền nhiệt tình chào mời tôi các gói sản phẩm kèm theo giá.

Trước khi kết thúc cuộc chát với tôi, Tuyền còn nhắn cho tôi link tài khoản facebook của một người có tên H.N.Đ, có nội dung cho biết dù BeeGroup mới ra mắt vào đầu tháng 9 tới nay, nhưng đã có người chơi “bứt phá” và đạt được thu nhập “khủng”, tậu được xe “Mec”; nhiều khách hàng có thu nhập được 30.000 USD và hàng trăm người khác thu nhập từ 5.000 - 20.000 USD. “Gia nhập ngay đi anh để thành triệu phú. Đơn giản như trở bàn tay đó mà!”, qua Messenger, Tuyền mời mọc.  

Cũng trên mạng, lần tìm đến một vài người đang là thành viên của “trò làm giàu” này, PV Báo CAND cũng bị họ rủ rê sau khi thao thao bất tuyệt nói như Tuyền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp một số người sớm nhận diện được bản chất câu chuyện sau những lời chào mời, tiếp thị “có cánh”. Và tất nhiên, họ đã không tham gia.

Hình ảnh nhiều người hào hứng tham gia khóa học  “triệu phú đô la” được đăng trên một tài khoản facebook.

Nguyễn Linh Ý (nhà trên đường Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, khi tiếp thị, họ rủ rê anh em, bạn bè mua khóa học nhưng thật ra, không phải để học mà là để “ăn” 90% tiền doanh thu bán khóa học. “Theo tôi, khóa học này không có giá trị gì ở đây cả. Nó chỉ là vật ngang giá được đưa ra để tạo cảm giác như đây là 1 trang học trực tuyến thật.

Và cách các nhà tiếp thị rêu rao mời gọi mọi người mua khóa học không phải là khóa học mà thực tế, trên facebook/youtube họ toàn viết bài khoe tiền bán khóa học, khoe cơ hội làm giàu, khoe hoa hồng “khủng”, khoe kiếm "240 triệu trong vòng 24h", "hãy làm giàu cùng với tôi bằng cách đi bán khóa học và ăn tới 90% hoa hồng”. Nếu thực sự kinh doanh lời 90% cho mỗi đơn hàng thì còn học hành làm gì nữa, cứ thế mà... lùa anh em, người thân vào thôi cho nhanh thành triệu phú đô la”, chị Linh Ý nói.

Sáng 28-9, trò chuyện qua điện thoại với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Khải (ngụ trên đường Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ thông tin cảnh báo về câu chuyện mà anh cùng nhiều bạn bè anh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quan tâm mấy tuần qua.

Theo anh Khải, đây chỉ là “bình cũ rượu mới, bổn cũ soạn lại”. Nhắc lại “công thức chung” của đa cấp Ponzi - kim tự tháp ảo (mô hình kinh doanh không có bất cứ sản phẩm nào cả. Chỉ kêu gọi đầu tư và trả lãi theo tháng, kỳ rất cao và người sau trả cho người vào trước cho đến khi không còn ai vào mô hình sẽ vỡ - PV), anh Khải nói đúng như điều mà tôi cảm nhận được khi chát với cô gái tên Tuyền, rằng các đối tác tiếp thị, dù trực tiếp hay thông qua mạng xã hội đều luôn nói rất hoành tráng, quảng cáo quá lố, bịp bợm, bất chấp liêm sỉ để bán cho được và “ăn” hoa hồng cực cao.

“Nếu mình ngờ vực đây là trò ăn theo phương thức kinh doanh đa cấp, họ sẽ khẳng định ngay không phải đa cấp, mà chỉ có... 1 cấp thôi nhưng mà 1 cấp ăn luôn tới 90% rồi. Chính vì mức hoa hồng “khủng” vậy nên dễ đánh động lòng tham của nhiều người, cứ rủ nhau vào mua khóa học mục đích để kiếm lời từ người vào sau chứ không cần phải học gì cả”, anh Khải phân tích. 

Nhiều người khi tìm hiểu qua mô hình này cũng nhận ra có khá nhiều điều không rõ ràng, nếu không nói rất bất hợp lý. Chẳng hạn như để bán hàng, người tham gia buộc phải bỏ tiền ra mua sản phẩm. Mua gói 1.000 USD thì mới được bán gói 1.000 USD và chỉ được bán được gói đó và thấp hơn.

“Nếu như có ai đó, dù biết đến cuộc chơi này qua giới thiệu của anh nhưng lại mua gói lớn hơn gói của anh thì anh sẽ không nhận được hoa hồng nào. Cụ thể như người đó mua gói 4.000 USD thì hoa hồng sẽ được chuyển lên tuyến trên – tức người khác hưởng”, anh Khải chỉ thêm.

Nhớ khi chát với chúng tôi, cô gái tên Tuyền còn nói “nhà đầu tư” chỉ có thể bỏ tiền ra mua mới chứ không được nâng cấp từ gói thấp lên gói cao hơn. Với giao dịch thứ hai, chủ sở hữu gói sản phẩm ấy sẽ không được nhận gì cả. Tuyền gọi đây là “quỹ cho đi”... Mỗi khi mua gói combo lớn hơn, quy trình “cho đi” sẽ bắt đầu lại. Quyền kinh doanh sẽ được gia hạn mỗi năm một lần, bằng hoặc lớn hơn gói mà khách đang sở hữu...

Anh Đặng Xuân Lộc (cư dân mạng phong là vua content, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) – người từng được vinh danh một trong 50 nhà khởi nghiệp xuất sắc nhất về công nghệ cách đây 2 năm, cho biết câu chuyện BeeGroup làm cho nhiều người nhớ tới câu chuyện của EASY1UP cách đây vài tháng. Khi người ta háo hức, tranh nhau nói về một mô hình kiếm tiền mới mà chỉ cần mua khóa học, bán lại là kiếm được vài ngàn USD một ngày và trở thành triệu phú.

“Giả sử khi bỏ ra 50 USD để mua gói “nhẹ ký” nhất, bán được và đầu tư tiếp – mua 5 gói còn lại (tổng giá 7.700 USD, tương đương 160 triệu đồng). Vào một ngày đẹp trời, anh mời được một người mua hết các gói mà anh đang sở hữu thì lợi nhuận anh nhận lại 90%, tức 144 triệu đồng, anh còn lỗ 16 triệu đồng. Trong khi đó, phía nhà phát hành sản phẩm này sẽ mặc nhiên bỏ túi được 176 triệu đồng, gồm 160 triệu đồng tiền họ bán được 5 gói, cùng với 10% của số tiền vừa kể.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như đến một ngày nào đó, có rất nhiều người cùng nhảy vào đầu tư nhưng chẳng chào bán được ai?”, anh Đặng Xuân Lộc cảnh báo. 

Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Cần Thơ), nếu không tìm hiểu kỹ, tin và tham gia “cuộc chơi” theo cách này, “nhà đầu tư” sẽ không thể đòi lại tiền do khi đăng ký thành thành viên, mình tự nguyện và mọi giao dịch cũng chỉ qua mạng. Trong khi đó, việc bán lại sản phẩm được hay không lại tùy thuộc vào mình. Hơn nữa, theo như lời “rao”, doanh nghiệp chào bán sản phẩm này chỉ... hiện hữu trên mạng, trụ sở lại ở ngoài nước.

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khẳng định họ không quản lý về hoạt động của doanh nghiệp nào như BeeGroup trên địa bàn. Trong danh sách 23 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận hoạt động đa cấp trên địa bàn Việt Nam theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đang còn hiệu lực, chúng tôi cũng không thấy có tên doanh nghiệp này.

Binh Huyền
.
.
.