Lật tẩy thủ đoạn của đường dây lừa tuyển vào Công an

Thứ Bảy, 03/10/2015, 10:09
Đại tá Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết, đến nay số nạn nhân của trò lừa tuyển vào Công an đã lên đến 25 người.

Tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của các nạn nhân lên đến 2,839 tỷ đồng. Riêng Nguyễn Ngọc Nguyện (40 tuổi, ngụ số 25, Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều) – đối tượng vừa bị bắt truy nã hơn 2 tuần trước, đã lừa, chiếm đoạt của 4 nạn nhân gần 1,3 tỷ đồng.

Đối tượng đầu vụ Nguyễn Văn Hết (48 tuổi, ngụ 56/34/6B Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ Công an, trong số này có cả cán bộ nguyên là lãnh đạo. Hết còn tự bịa ra rồi huênh hoang rằng mình “rất thân với một cán bộ cấp cao”, đang công tác ở “Vụ tổ chức của Bộ Công an” nên chuyện xin vào lực lượng Công an, hoặc xin được chuyển từ đơn vị này về đơn vị khác “thơm hơn” đối với anh ta dễ như trở bàn tay. 

Hết có đội ngũ giúp sức lừa đảo gồm Dương Thanh Phong (25 tuổi, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), Phan Việt Hoài (25 tuổi, ngụ xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), Hứa Thị Thùy Dung (26 tuổi, ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, Trà Vinh).

Trong số những nạn nhân của Hết và đồng bọn có bà Vũ Thị Y. (ngụ đường Huỳnh Phan Hộ, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Bà Y. có con trai tên là Nguyễn Tiến T. từng là lính nghĩa vụ tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, có nhu cầu muốn được đi học tại Trường Trung cấp CSND III tại Cần Thơ. Gần giữa năm 2014, một người bạn của bà Y. biết được nguyện vọng này nên đã tìm đến hỏi và được Hết cho biết “người bạn thân ở Bộ” của anh ta có khả năng giúp được con bà Y. được toại nguyện. 

Khoảng tháng 7/2014, Hết điện thoại cho bà Y. tự xưng mình là Huỳnh Tiến Trung đang công tác ở Vụ Tổ chức Bộ Công an. Hết nói rằng sẽ “lo” được cho trường hợp của con bà Y., chi phí mất 150 triệu đồng trở lên. Nhiều ngày sau đó, Hết liên tiếp gọi điện và vẫn tự xưng là Trung. 

Để tăng thêm lòng tin của bà Y. đối với mình, Hết nói rằng anh ta có mấy “thằng em thân thiết”, đang công tác tại Cần Thơ, trong đó có N.M.H. - Phòng CSHS và N.T.M. – cán bộ Trường Trung cấp CSND III. Khi bà Y đồng ý với giá trên, chiều 24/8/2014, Hết với vai là Mai, “lính của anh Trung ở Bộ” đến gặp bà Y. nhận 10 triệu đồng. Hết viết biên nhận giao cho bà Y. Thêm 19 lần sau đó (lần cuối là ngày 15/1/2015), Hết giao cho Phong và Hoài đến gặp bà Y., vẫn nói là “lính của anh Trung ở Bộ” để nhận tiền. Tổng cộng, bà Y. đã giao 205 triệu đồng. Hết chỉ chia một phần nhỏ cho Phong và Hoài, còn lại anh ta hưởng hết.

Điều tra viên cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ lấy cung đối tượng đầu vụ Nguyễn Văn Hết.

Trong khi chờ kết quả của con mình, bà Y. có tiết lộ đường đi nước bước mà Hết đã nói với bà cho một số người khác là người thân, ở cùng phường đang có con cháu cũng có nguyện vọng xin vào Công an. Có khá nhiều người trong số này lần lượt trở thành nạn nhân của Hết.

Bà Đàm Thị Ng. (nhà trên đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) bị mất 54 triệu đồng nhưng chỉ nhận lại được từ đàn em của Hết là Phong một giấy “thông báo nhập học” có dấu màu tím đậm được làm giả.

Cháu chồng bà Y. tên là Nguyễn Văn L. (ngụ thôn Tân Ninh, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cũng bị mất 60 triệu đồng. 

“Trong quá trình giúp đỡ các trường hợp kể trên, bà Y. không hề biết Hết đang lừa mình nên tin, nghĩ rằng con mình và tất cả những trường hợp do bà gửi gắm cũng sẽ được. Do vậy bà Y. cũng đã nói với một số người mức giá cao hơn 150 triệu đồng/trường hợp, với ý định khi xong, bà sẽ hưởng phần tiền chênh lệch. Tuy nhiên, kết cuộc bà Y. cũng là nạn nhân của Hết” – điều tra viên Lưu Hoàng Bình cho biết.

Hết và đồng bọn còn nhận “giúp đỡ” một trường hợp cán bộ Công an xin được chuyển công tác từ vị trí này đến vị trí khác. Hết đề nghị người này giao hết bản gốc các văn bản, giấy tờ có liên quan như quyết định tuyển dụng, văn bản tiếp nhận vào làm việc, giấy giới thiệu thẩm tra lý lịch, quyết định điều động… có thể hiện dấu, tên của một số lãnh đạo chủ chốt của Công an TP Cần Thơ và Sở Cảnh sát PCCC Cần Thơ. 

Sau khi có được những loại giấy tờ này, Hết đã giao cho đồng bọn Phong, Hoài, Dung scan lại rồi thay đổi thông tin cho từng trường hợp cụ thể sau đó. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ trên 30 quyết định, tài liệu có liên quan đến việc tuyển dụng vào Công an TP Cần Thơ, vào Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ và các trường CAND. Kết quả giám định cho thấy tất cả đều được làm giả. 

Riêng đối với đối tượng Nguyễn Ngọc Nguyện, sau khi có được một số văn bản mẫu được Phong làm giả giao cho, Nguyện tiếp tục nhân bản thêm số lượng để tiếp tục lừa các nạn nhân. Vì thế, ngoài hành vi lừa đảo, cơ quan điều tra còn khởi tố Nguyện hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trong số 4 nạn nhân của Nguyện, có ông Nguyễn Văn B. (ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị thiệt hại 490 triệu đồng. Nguyện đã chiếm đoạt tiền của ông B. khá dễ dàng sau khi hứa giúp 2 cháu của ông B. được vào Trường Trung cấp CSND III bằng hình thức xét tuyển. Biết ông B. và các nạn nhân sẽ tố giác đến cơ quan Công an, Nguyện đã bỏ trốn khỏi địa phương và ẩn náu ở nhiều nơi. 

Trung tuần tháng 9/2015, Nguyện đã bị bắt khi đang khoác áo người làm công quả cho chùa Phước Long Viện, tọa lạc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Binh Huyền
.
.
.