Làm gì để không bị chiếm đoạt ôtô từ dịch vụ “thuê xe tự lái”?

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:48
Về việc xử lý các đối tượng chiếm đoạt ôtô, tùy theo tình tiết của vụ việc mà cơ quan tiến hành tố tụng xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu như việc xử lý hành vi “lừa đảo” khá dễ dàng thì hành vi “lạm dụng” còn nhiều khó khăn do luật còn nhiều kẽ hở.

Dễ thuê, dễ mất

Cho thuê xe ôtô tự lái là một dịch vụ khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh và các đô thị trong cả nước. Mặc dù tài sản cho thuê có giá trị cao nhưng các chủ dịch vụ lại quá dễ dãi trong việc tìm hiểu lai lịch người thuê nên dễ bị kẻ xấu làm giả giấy tờ chiếm đoạt. Như trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Minh (49 tuổi), Đỗ Nhật Thường (37 tuổi), cùng ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) cùng một số đồng bọn thực hiện.

Theo phân công của nhóm lừa đảo, Minh có nhiệm vụ cung cấp giấy tờ giả và xe gắn máy làm tài sản thế chấp; Tuấn có nhiệm vụ thuê xe ôtô sau đó đưa cho Thường mang đi tiêu thụ. Sau khi phân công, Minh đưa cho Tuấn một sổ hộ khẩu mang tên chủ hộ Nguyễn Thị Dần (ngụ phường 3, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), trong đó có tên Lê Văn Kiên cùng 1 giấy phép lái xe ôtô mang tên Lê Văn Kiên có dán hình của Tuấn và 1 xe gắn máy biển số 68F1-9408 kèm theo giấy đăng ký xe.

Có giấy tờ giả trong tay, Tuấn tìm đến dịch vụ cho thuê xe du lịch nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP Hồ Chí Minh) gặp người chủ là bà Thoa để hỏi thuê xe ôtô tự lái. Sau khi xem giấy tờ, bà Thoa đồng ý cho Tuấn thuê 1 xe ôtô Vios với giá 750.000 đồng/ngày, thời hạn thuê là 2 ngày. Hai bên làm hợp đồng, bà Thoa photo các loại giấy tờ chiếc xe nói trên rồi giao cho Tuấn.

Nhận xe xong, Tuấn giao lại cho Thường và Minh. Hai tên này chạy xe đến đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) rồi bán cho một đối tượng tên Dũng “Hà Tây” với giá 6.000USD, chia nhau xài. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng này đã lừa chiếm đoạt thêm 6 chiếc ôtô khác nâng tổng giá trị thiệt hại cho các nạn nhân lên hàng tỷ đồng.

Điều đáng nói hơn là tất cả các “phi vụ” mà bọn này thực hiện đều qua mặt được người chủ các dịch vụ cho thuê xe ôtô. Một nạn nhân cho biết, dù đã xem khá kỹ các giấy tờ mà Tuấn đưa nhưng bà không thấy có sự bất thường nào nên mới “sập bẫy” bọn bất lương.

Theo một cán bộ của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh thì chỉ cần các bị hại trang bị cho mình 1 kính lúp (phóng to cỡ 20 lần là được) là có thể tránh được rủi ro. Bởi lẽ, khi đặt kính lúp vào các loại giấy tờ, nếu là mộc giả khi nhìn vào thì mọi người sẽ thấy chữ in trên mộc sẽ có những răng cưa, còn thật thì không. Còn hình Quốc huy, nếu giả thì rất nhạt còn thật thì trông rất nét. Trong trường hợp không dùng kính lúp thì cách hay nhất là phải có mẫu thật để đối chiếu vì màu trên các loại giấy tờ giả thường nhạt và không rõ nét bằng giấy thật được in bởi kỹ thuật cao.

Mặt khác, mộc đỏ giả thường gọn gàng hơn mộc thật. Tuy nhiên, trên thực tế có những loại giấy tờ được làm giả rất cao siêu, phải có những thiết bị máy móc của cơ quan chuyên ngành thì mới có thể phát hiện được. Chính vì vậy mà cơ quan Công an khuyến cáo đến các điểm dịch vụ cho thuê xe ôtô tự lái là cần phải biết rõ nguồn gốc của người đi thuê thì mới có thể tránh được rủi ro.

Một nhóm đối tượng chiếm đoạt ôtô bị Công an quận Bình Thạnh bắt giữ.

Ông Nguyễn Văn Tài, chủ doanh nghiệp cho thuê xe ôtô tự lái “Phát Tài” (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đưa ra kinh nghiệm: “Chuyện lắp đặt thiết bị định vị GPS cho ôtô thì không phải bàn vì bây giờ ai cho thuê cũng thực hiện cả. Vấn đề quan trọng là người cho thuê phải chịu khó theo dõi, nếu xe thuê mà nằm một chỗ 1,2 ngày liền thì lập tức phải xử lý ngay vì ít ai thuê ngày mà sử dụng phung phí như vậy cả. Thứ hai, đối tượng cho thuê phải là người quen biết, những công ty làm ăn uy tín mà mình tường tận.

Trong trường hợp cho người không quen biết thuê hay có nghi ngờ thì phải yêu cầu họ ký hợp đồng có công chứng. Bởi nếu là kẻ gian, sử dụng giấy tờ giả thì tâm lý chung là không bao giờ dám thực hiện vì sợ sẽ bị phòng công chứng phát hiện ra chân tướng. Còn lâu nay một số nơi cho thuê chỉ cần người thuê để lại một chiếc xe máy trị giá hơn 10 triệu đồng, giấy CMND, hộ khẩu bản chính hoặc có công chứng và thanh toán trước tiền thuê xe là đã giao xe cho khách hàng thì mức độ rủi ro là rất cao”.

Xử khó do luật chưa kín kẽ

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phải thuộc một trong hai trường hợp là “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng, điều kiện nhưng cố tình không trả”. Hoặc “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.

Trong khi đó, theo một điều tra viên, để chứng minh người vay mượn nợ, thuê tài sản bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là rất khó khăn. Bởi mặc dù lánh mặt nhưng khi cơ quan Công an triệu tập thì người bị tố cáo vẫn đến và cho rằng sở dĩ mình rời khỏi địa phương là sợ bị nạn nhân tức giận hành hung chứ không có ý định bỏ trốn. Còn điều kiện phải sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp thì chẳng người thuê nào lại dại dột khai mình đã bán tài sản chiếm đoạt để đánh bạc, mua bán ma túy, buôn lậu…

“Tôi cho rằng, luật cần quy định sau khi vay mượn, thuê tài sản mà người vay, thuê lẩn tránh qua hình thức không nghe điện thoại, không chịu gặp mặt, không giữ liên lạc bằng bất cứ hình thức nào cũng như thoát khỏi sự quản lý của địa phương thì dù không rời khỏi địa phương cư trú vẫn cần xác định là “bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản”, dấu hiệu cơ bản của tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Còn nếu chỉ xem xét dấu hiệu bỏ trốn qua việc không thực hiện theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra thì sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm”, luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến.

Về phía CSGT, Trung tá Đỗ Thanh Thắng, Đội trưởng Đội CSGT Thủ Đức cho biết: “Khi phát hiện phương tiện vi phạm luật giao thông mà người điều khiển không xuất trình giấy đăng ký xe thì CSGT sẽ tạm giữ xe để xác minh nguồn gốc. Nếu chủ sở hữu xe cho biết xe bị mất trộm, bị chiếm đoạt thì CSGT sẽ chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra để thụ lý giải quyết”.

Cho nên, các đối tượng mua xe không có giấy tờ, khi vi phạm luật giao thông thường không xuất trình giấy tờ tùy thân tìm cách “chuồn” mất, chấp nhận bỏ lại phương tiện. Sau đó, cơ quan điều tra cũng rất khó tìm ra những người này vì việc mua bán xe không giấy tờ phần lớn kẻ mua người bán không biết lai lịch của nhau. Đó cũng là lý do tại sao những kẻ mua bán ôtô trái phép vẫn còn tồn tại.

Từ phân tích trên cho thấy, để việc xử lý kẻ chiếm đoạt ôtô nói riêng và chiếm đoạt tài sản nói chung được thuận lợi thì quy định về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cần phù hợp với thực tiễn. Nhưng trước mắt, cơ quan Công an rất cần người cho thuê nâng cao ý thức cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình vì đó là cách tốt nhất trước khi nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Nhóm PV
.
.
.