Kiên quyết xử lý “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp
- Quyết liệt xử lý, chủ động phòng ngừa “tín dụng đen”
- Bạc Liêu đẩy mạnh triệt xóa các vụ “tín dụng đen”
Phía sau những tấm biển quảng cáo…
Cho vay lãi suất thấp, chỉ cần hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký xe… là những “lời có cánh” khi bước vào những cánh cửa cơ sở kinh doanh với tên gọi “dịch vụ tài chính”.
Cùng đó là những cam đoan như: “bí mật thông tin”, “giải ngân nhanh”… hứa hẹn những cuộc trao đổi vay – mượn tài chính “thuận cả đôi đường”. Thế nhưng, vỏ bọc của những cơ sở được gọi là “hỗ trợ tài chính”, “dịch vụ tài chính” đã lộ rõ các hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen) khi mà Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khám xét khẩn cấp 5 cơ sở dịch vụ tài chính trên địa bàn.
Quá trình khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ gần 600 triệu đồng tiền mặt, 5 máy tính, 4 máy đếm tiền, 6 điện thoại di động, 2 kiếm, 2 ống tuýp sắt, cùng nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định 7 đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, phạm vào điều 201 Bộ luật Hình sự, gồm: Bùi Đức Nam (SN 1990, cư trú số nhà 287, đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), làm chủ Công ty TNHH MTV Nam Huỳnh; Bùi Văn Tài (33 tuổi, cư trú xóm Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tạm trú tổ dân phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh), làm chủ Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đại Tín chi nhánh TX Kỳ Anh; Trương Văn Chiến (27 tuổi, cư trú tổ 4, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh), làm chủ Công ty TNHH An Tín (số 59 đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh); Nguyễn Sỹ Việt (30 tuổi, cư trú: phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), làm chủ cơ sở cầm đồ Tiger (số 55 đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh); Trần Xuân Dũng (38 tuổi, cư trú khối phố Trung Lân, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh), làm chủ Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đại Tín (xóm Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà); Nguyễn Đức Tuấn (29 tuổi, cư trú tại Thạch Bằng, Lộc Hà, nhân viên cơ sở cầm đồ Đại Tín, Lộc Hà) và Trần Ngọc Anh Quân (24 tuổi ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, nhân viên cơ sở Tiger).
Liên quan đến hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen), từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó 2 vụ giết người sử dụng “vũ khí nóng” xảy ra ở Đức Thọ, Kỳ Anh đều xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp địa bàn làm ăn của các đối tượng trong các cơ sở cho vay tài chính trái phép.
Ngoài ra, còn có một số vụ đổ chất bẩn, chất thải xảy ra ở TP Hà Tĩnh; thuê các đối tượng hình sự đến nhà đòi nợ trái phép xảy ra tại Thạch Hà, Can Lộc; dùng súng bắn bi bắn vào nhà để uy hiếp tinh thần, gây áp lực đòi nợ ở Hương Sơn…
Các đối tượng tại cơ quan Công an. |
Ngăn chặn “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính rất thuận lợi và dễ dàng, vì không thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế.
Do đó, trên thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tổ chức nhiều hoạt động như mua bán, ký gửi tài sản có giá trị; hỗ trợ, cho vay tiền dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản; thủ tục vay đơn giản, không ràng buộc gì. Chỉ cần ghi thông tin người vay hoặc một số giấy tờ như sổ hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký xe… là có thể vay được một khoản tiền theo nhu cầu.
Ngoài ra, theo quy định của Điều 463 Bộ luật Dân sự thì "Hợp đồng vay tài sản là thỏa thuận giữa các bên", nhưng cũng chưa nói rõ tài sản trong quy định này trừ việc cho vay tiền, vì nếu cho vay tiền và có xác định lãi suất thì đây lại thuộc hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, vấn đề này đến nay, chưa có sự thống nhất trong hệ thống luật. Dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước rất khó xử lý.
Thủ tục thành lập công ty kiểu này rất đơn giản, với mức phí 2 triệu đồng. Do không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện nên một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự đã chuyển hướng sang hình thức kinh doanh này để tránh những yêu cầu về giấy phép.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh này để biến tướng các hoạt động cầm cố, thế chấp, cho vay nặng lãi làm phức tạp ANTT. Đây là một trong những nguyên nhân mấu chốt phát sinh những loại tội phạm như siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cả giết người…
Đại tá Đặng Hoài Sơn cho biết: Thời gian tới, lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ về hoạt động tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, đánh trúng, đánh mạnh vào các cơ sở, cá nhân vi phạm, nhất là hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, dịch vụ cầm đồ, góp phần kiềm chế làm giảm gia tăng tội phạm trên địa bàn; giữ vững ANTT, nhất là thời điểm gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.