Kẻ giết người lộ chân tướng sau 23 năm từ vụ kiện đất đai

Thứ Sáu, 30/10/2015, 09:05
Nhìn người đàn ông trung niên có vẻ mặt hiền lành khắc khổ, ít ai hình dung ông ta là tội phạm giết người lẩn trốn truy nã suốt 23 năm. Ngày 12/10 vừa qua, đối tượng bị lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Lạng Sơn và Lâm Đồng phát hiện, bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một xã hẻo lánh thuộc huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng.

Sinh năm 1962, tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, Bùi Đức Chính – tên thật của kẻ giết người, trốn truy nã suốt 23 năm vừa bị lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Lạng Sơn bắt  giữ, di lý từ Lâm Đồng về Lạng Sơn để quy án và khởi tố bổ sung về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 311, BLHS. Bùi Đức Chính nguyên là công nhân bảo vệ của Xí nghiệp mỏ than Na Dương.
Bùi Đức Chính.

Năm 1991, Chính bị tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên án 9 năm tù giam về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đáng buồn, nạn nhân lại là người cậu ruột của Chính. Đang trong thời gian thụ án, Bùi Đức Chính trốn khỏi trại giam, bị Công an tỉnh Lạng Sơn phát lệnh truy nã trong toàn quốc.

Lật lại hồ sơ từ cơ quan điều tra cho thấy, ngày 3/7/1991, vừa đi nhậu từ nhà một người bạn về, nghe thấy chuyện bố mình và cậu ruột (ông Chu Tiến Thọ, SN 1953, trú tại xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) xảy ra cãi vã, nguyên nhân xuất phát từ việc ông Thọ rủ ông Hoàng Văn Chấn đến ruộng nhà Chính đang canh tác để tự tiện gặt lúa. Trong lúc cãi vã, giữa ông Thọ và bố đẻ của Chính đã xảy ra xô xát, đánh nhau. Đang có chút hơi men, nghe thấy chuyện bố mình bị cậu ruột đánh, Chính liền xách theo khẩu súng quân dụng CKC do cơ quan trang bị để làm nhiệm vụ bảo vệ mỏ, chạy ra ruộng với ý định can ngăn và bênh bố.

Vừa ra đến nơi, chứng kiến cảnh bố bị cậu ruột hành hung, can ngăn không được nên Chính đã bắn ông Thọ chết ngay tại chỗ và bắn ông Chấn người đi cùng ông Thọ tới gặt lúa khiến ông này bị thương nhẹ. Bùi Đức Chính bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 9 năm tù về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đang thụ án trong tù, ngày 25/3/1992, Chính được tạm hoãn thi hành án trong thời gian 3 ngày về chịu tang cha. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn cho phép, Bùi Đức Chính đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Tại cơ quan điều tra, Bùi Đức Chính khai nhận, sau khi trốn trại, Chính đã lẩn theo đường rừng mon men ra sát đường quốc lộ, đợi đến đêm bắt ôtô trốn một mạch vào khu vực Bình Dương. Nắm được thông tin có nhiều người Lạng Sơn di cư vào khu vực Tây Nguyên để đi làm kinh tế mới Chính đã tìm cách trốn đến tỉnh Lâm Đồng, rồi tìm đến khu vực xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm ấn náu. Xã này thuộc vùng kinh tế mới, dân cư đa số đều là người tứ xứ di cư từ nhiều tỉnh thành trong cả nước về làm ăn, sinh sống, nên y nghĩ rằng mọi người ít biết về quá khứ của nhau, nhờ vậy khó bị phát giác hơn.

Nhưng để yên tâm, Chính đã thay tên đổi họ thành Chu Văn Khang rồi xin làm công nhân chăm sóc cà phê thuê cho một số trang trại. Sau một thời gian ấn náu, thấy đã dần yên tâm với “vỏ bọc” mới và tích cóp được chút vốn liếng, Chính quyết định ở lại lập nghiệp rồi lấy với một phụ nữ đồng hương người Lạng Sơn di cư vào đây làm vợ. Tại vùng đất mới, những tưởng quá khứ tội lỗi sẽ vĩnh viễn được chôn vùi, đến ngay cả người vợ của hắn cũng không hề hay biết.

Theo Thượng tá Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn, hơn 23 năm trước, khi còn là cán bộ của Phòng CSHS anh cũng chính là người đã cùng đồng đội trực tiếp điều tra vụ án giết người của Bùi Đức Chính. Sau này, khi chuyển sang phụ trách công tác truy nã, Bùi Đức Chính tiếp tục lại là “ẩn số” đặt ra cho anh và lực lượng truy nã Công an Lạng Sơn, khiến anh và các CBCS trong phòng phải mất ăn mất ngủ, tung quân truy tìm, nhưng tung tích của Bùi Đức Chính dường như vẫn biệt vô âm tín. Có lẽ quá khứ tội lỗi của Chính sẽ tiếp tục "ngủ yên" nếu như không từ một manh mối hết sức tình cờ mà các anh kịp thời nắm bắt được.

Theo đó, thời gian gần đây, để đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương, xã nghèo hẻo lánh Lộc Thành nơi Chính cư trú được nhà nước quan tâm đầu tư mở tuyến đường liên thôn, phát triển hạ tầng. Theo quy hoạch, tuyến đường được mở mới này sẽ chạy xuyên tâm qua một phần rẫy cà phê của gia đình Chính và một số hộ gia đình khác trong thôn. Khi thấy tuyến đường liên xã mở sẽ “ăn” vào một phần đất rẫy cà phê nhà mình, Chính tìm cách ngăn cản nên giữa Chính và một số hộ trong thôn đã xảy ra cãi vã, tranh chấp đai đất dẫn đến khiếu kiện. Trong khi tiếp nhận khiếu kiện, chính quyền xã đã lập hồ sơ các hộ liên quan.

Qua đó, phát hiện một số điểm mâu thuẫn khi Chính khai về lý lịch quê quán. Trong hồ sơ khiếu kiện lúc thì Chính khai tên là Chu Văn Khang, quê quán Lạng Sơn, lúc lại khai quê ở Bắc Kạn… Từ những điểm bất nhất tưởng như rất nhỏ này đã trở thành manh mối quan trọng giúp các cơ quan chức năng tìm ra tung tích của kẻ phạm tội giết người trốn truy nã suốt hơn 23 năm qua.

Để tránh “bứt dây động rừng”, các chiến sĩ trong tổ công tác truy nã Công an Lạng Sơn đã phối hợp với lực lượng truy nã Công an Lâm Đồng đến xã Lộc Thành bàn bạc với lực lượng Công an xã “tìm kế” tiếp cận nhân vật nghi vấn có tên Chu Văn Khang để trực tiếp xác minh, điều tra.

Trong vai trò là cơ quan chức năng cấp trên tới địa bàn giải quyết khiếu kiện đất đai, lực lượng làm nhiệm vụ đã trực tiếp tiếp xúc với người có tên Chu Văn Khang, qua đó xác định người này và đối tượng truy nã Bùi Đức Chính là một. Bùi Đức Chính nhận, tra tay vào còng số 8 trả giá cho những tội lỗi mà gã đã gây ra.

Tâm Phạm
.
.
.