Ngày thứ hai xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean bank:

Hà Văn Thắm “bắt tay” cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn như thế nào?

Thứ Tư, 01/03/2017, 10:35
Cựu Chủ tịch HĐQT Ocean bank - Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc Ocean bank - Nguyễn Xuân Sơn làm thất thoát hơn 500 tỷ đồng. Trong số tiền này, Sơn bị cáo buộc thu lợi khoảng 70 tỷ đồng.


Ngày 28-2, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean bank) tiếp tục. Toàn bộ thời gian chiều 27-2 cho đến gần 16h ngày 28-2, HĐXX dành để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo về ba tội danh: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Một trong những điểm nhấn tại bản cáo trạng này là cựu Chủ tịch HĐQT Ocean bank - Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc Ocean bank - Nguyễn Xuân Sơn làm thất thoát hơn 500 tỷ đồng. Trong số tiền này, Sơn bị cáo buộc thu lợi khoảng 70 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Cáo trạng xác định, cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với Ocean bank trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của Ocean bank. PVN cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc Ocean bank. Ngay khi về Ocean bank, Sơn và Thắm đã bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank. 

Sơn đề nghị với Thắm phải chi cho Sơn ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức khoảng 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Lý do Sơn buộc Thắm phải chấp nhận yêu cầu này vì cho rằng, đây là mức chi phí thấp hơn so với các ngân hàng khác. 

Việc thứ hai mà Sơn đề nghị là Thắm phải giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết để Sơn được chủ động giải quyết. 

Trong bản cung, Thắm thừa nhận, Ocean bank có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên phải chấp nhận đề nghị của Sơn để Ocean bank hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng dầu khí. Thắm và Sơn thống nhất sẽ thu phí của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ, thông qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty sân sau Thắm nhờ người thân quen đứng tên).

Từ chủ trương đã thống nhất với Sơn, Thắm giao cho Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Ocean bank thu phí chênh lệch dưới hình thức, Công ty cổ phần BSC Việt Nam ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng thu phí. 

Thực tế, các khách hàng không có nhu cầu cung cấp dịch vụ và Công ty cổ phần BSC Việt Nam cũng không cung cấp cho họ dịch vụ gì. Nhưng họ buộc phải ký hợp đồng để được vay vốn hoặc mua ngoại tệ và ngân hàng hợp thức được việc thu phí chênh lệch. 

Từ ngày 22-5-2009 đến 31-1-2012, Công ty cổ phần BSC đã thu số tiền hơn 70 tỷ đồng. Sau đó, mỗi khi Sơn có nhu cầu về tiền, Thắm đều chỉ đạo thành viên Ban Kiểm soát Ocean bank sử dụng nguồn tiền từ Công ty cổ phần BSC Việt Nam đã thu được để chi cho Sơn. Từ tháng 9-2009 đến 11-2010, Công ty cổ phần BSC Việt Nam đã chi cho Sơn số tiền hơn 69 tỷ đồng.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Cáo trạng cũng xác định, quá trình “bắt tay” nhau, Sơn và Thắm đã thỏa thuận việc Ocean bank chi lãi ngoài huy động vốn cho nhóm khách hàng dầu khí từ năm 2009 và thực hiện liên tục đến năm 2014. Sơn về làm Phó Tổng Giám đốc PVN từ tháng 10-2014. 

Sơn cũng không liên quan gì đến việc điều hành của Ocean bank, trong đó có việc Ocean bank chi lãi ngoài huy động vốn. Nhưng với ảnh hưởng từ vị trí công tác của mình, Sơn đã đề nghị và được Thắm đồng ý giao cho người phụ trách công tác huy động vốn, trực tiếp chi và phê duyệt tiền lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng theo chỉ đạo của Sơn. 

Chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng thuộc PVN gửi tiền tại Ocean bank đã vượt trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho Ocean bank hơn 500 tỷ đồng. 

Hành vi của Sơn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu, đồng phạm với Thắm. Đồng nghĩa là Sơn phải chịu trách nhiệm liên đới về số tiền Ocean bank đã chi vượt trần.

Ngoài các bị cáo bị truy tố và buộc phải chịu trách nhiệm hình sự, còn có 17 đối tượng là Giám đốc các Phòng Giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định, gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng một cá nhân; 204 Phó Giám đốc, nhân viên các chi nhánh, Phòng Giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại trên 100 triệu đồng trở lên một cá nhân; 6 đối tượng là Giám đốc Phòng Giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng một cá nhân. 

Các đối tượng đã thực hiện theo chỉ đạo của các Khối nghiệp vụ thuộc Hội sở Oceanbank, không hưởng lợi trực tiếp từ việc này, các đối tượng này đều có nhân thân tốt, đã thành khẩn khai nhận. 

Cơ quan tố tụng cho rằng, hành vi của những người này chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò đồng phạm, giúp sức nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, mà có văn bản đề nghị cơ quan quản lý xử lý hành chính theo quy định. 

Gần 16h, HĐXX bắt đầu thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm, bị truy tố về 3 tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trước khi thẩm vấn, HĐXX đã cách ly bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và bị cáo Nguyễn Minh Thu là 2 cựu lãnh đạo Ocean bank. 2 bị cáo này được xác định là đã bàn bạc và thống nhất với Thắm trong các việc đề ra chủ trương thực hiện các hành vi sai phạm trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngày 1-3, phiên toà tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.