Hàng loạt vụ trộm chưa tìm ra thủ phạm: Đừng quá ỷ vào… “mắt thần” (!)

Thứ Bảy, 10/06/2017, 10:25
Hàng loạt vụ trộm lớn xảy ra tại TP HCM trong thời gian gần đây cho thấy các đối tượng đột nhập vào nhà dân, công ty cuỗm đi số tài sản không nhỏ đều bị camera ghi lại. Nhưng dường các đối tượng đã hiểu quá rõ việc chủ nhà có gắn camera đề phòng trộm nên tìm mọi phương cách, thủ đoạn để đề phòng, để tránh bị lộ diện…


Anh V (37 tuổi, ngụ Thủ Đức) mở lại hình ảnh được camera cửa hàng bán trang sức của anh ghi lại sau vụ đối tượng đột nhập trộm tài sản trị giá hơn 500 triệu đồng, rồi chặc lưỡi than thở: “Camera ghi lại hình ảnh của đối tượng rồi nhưng chẳng biết đối tượng này ở đâu, bao giờ tôi mới thu hồi được tài sản, lấy được tiền”.

Hình ảnh từ camera cho thấy đối tượng khá ngang nhiên và có chút chủ quan khi “đầu trần, mặt mộc” vô tư kéo cửa sắt, mở tung các tấm vải che tủ trưng bày trang sức và sử dụng kìm bẻ khóa tủ trưng bày trộm tài sản. Không chỉ trộm tài sản trong tiệm trang sức của anh, đối tượng còn đột nhập vào nhà người cho anh V thuê mặt bằng lấy đi xe tay ga hiệu Vespa, tiền mặt, hột xoàn.

Hình ảnh đối tượng đột nhập vào cửa hàng nữ trang trộm tài sản.

Riêng anh Trần Ngọc Hùng (22 tuổi, ngụ quận 12), chủ cửa hàng ĐTDĐ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, quận 12 sau khi phát hiện cửa hàng bị đột nhập, kẻ trộm lấy đi nhiều điện thoại trị giá hơn 100 triệu đồng, kiểm tra camera lại thì tá hỏa khi thấy đối tượng bịt mặt, khoét trần nhà và đu dây từ trên trần nhà xuống không khác gì một ninja. 

“Mất tài sản rồi tôi mới biết, camera chỉ là ghi nhận lại hình ảnh của đối tượng để truy xét chứ thực chất như đối tượng đột nhập cửa hàng nhà tôi, hệ thống camera ghi lại được hình ảnh nhưng không rõ nét, đối tượng lại bịt khẩu trang kín mít nên khó xác định được nhân dạng”.

Các đối tượng trộm tài sản dường như trước khi ra tay đã điều nghiên rất kỹ những cửa hàng, nơi kinh doanh, nhà dân, biết được lối sinh hoạt, giờ giấc của gia chủ nên khi đột nhập ít khi bị phát hiện. 

Theo một cán bộ điều tra Công an quận Thủ Đức, đối tượng đột nhập cửa hàng vàng bạc của anh V vào thời điểm 2h sáng, sử dụng kìm cộng lực phá khóa ngoài vì biết anh V không ở lại cửa hàng. Nhiều nạn nhân của các vụ trộm cho hay, các đối tượng trước khi lục tìm tài sản thường ngó nghiêng trong nhà để tìm xem gia chủ có gắn camera hay không, nếu có các đối tượng sẽ tiến hành vô hiệu hóa hệ thống camera hoặc trùm kín người rồi mới thực hiện hành vi trộm tài sản.

Một vụ trộm hy hữu xảy ra tại địa bàn quận 6 hồi tháng 3 mà nạn nhân là chị L.T.M.L (41 tuổi, ngụ phường 11). Các đối tượng đã điều nghiên căn nhà của chị L, biết chồng chị đi làm xa, nhà chỉ có mấy mẹ con chị L ở. 

Rạng sáng 11-3, hai  đối tượng áp sát nhà chị L vô hiệu hóa hệ thống camera. Sau đó, một đối tượng đứng ngoài cảnh giới, một đối tượng trèo cổng đột nhập vào nhà chị L. Đối tượng này lục soát toàn bộ căn nhà chị L lấy đi nhiều tài sản. 

Nghe tiếng động, chị L thức giấc thì bị đối tượng này cầm dao khống chế yêu cầu chị L chỉ chỗ cất tiền. Vì lo sợ đối tượng manh động, chị L đã chỉ chỗ cất tiền cho đối tượng, đối tượng lấy thêm 60 triệu đồng tiền mặt. Dù biết gặp phải đối tượng “đầu trộm đuôi cướp”, chị L vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, xin lại 5 triệu để lo cơm nước cho các con. Dường như đối tượng cũng mủi lòng “cho” lại chị L 5 triệu. Sợ sau khi bỏ đi chị L tri hô nên đối tượng này đã dùng dây trói chị L lại. 

“Camera của căn nhà bị vô hiệu hóa nên không ghi lại được hình ảnh nào của 2 đối tượng. Chỉ một người đi giao nước đá nhìn thấy đối tượng trong tình trạng bịt kín mặt mày nên cũng không nhận dạng được”, một người dân sống gần nhà chị L cho hay.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, đa phần tâm lý của những nạn nhân bị trộm đột nhập trộm tài sản lớn đều nghĩ rằng nhà có két sắt, có hệ thống camera thì dường như an toàn, không phải lo trộm cướp nên tỏ ra chủ quan. 

Nhưng qua những vụ trộm trên cho thấy, dù có camera hay két sắt, nhưng đối với những đối tượng manh động, liều lĩnh, tinh vi và chuyên nghiệp như trên, các thiết bị này dường như không thể làm các đối tượng... bó tay. 

Những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp bao giờ cũng bỏ thời gian ra để điều nghiên, nắm qui luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân hay bảo vệ của các công ty rồi mới ra tay hành động. Khi ra tay trộm, các đối tượng đều quan sát vị trí lắp đặt camera và ra tay vô hiệu hóa. 

Những vụ trộm tại các công ty thì thường được các đối tượng thực hiện vào thời gian cơ quan nhận quỹ lương, thưởng. Những tài sản trộm được thường là tiền, vàng, thiết bị điện tử... là loại dễ tẩu tán nên khi thực hiện xong các vụ trộm, các tài sản này đã nhanh chóng được tiêu thụ, khó có thể thu hồi. 

Các vụ trộm gần đây dường như các đối tượng không để lại dấu vết tại hiện trường, chúng thường dùng khẩu trang, găng tay để tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Một số băng nhóm là người ngoại tỉnh nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi truy xét.

Bởi vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và đừng quá chủ quan, ỷ lại các thiết bị điện tử hiện đại như camera chống trộm hay két sắt.

M.Đức-A.Huy
.
.
.