Dấu hiệu “cố ý làm trái” trong vụ Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng
- Sẽ làm rõ trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương về vụ ông Trịnh Xuân Thanh2
- Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm rõ về vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Được coi là “thuyền trưởng” nhưng trong giai đoạn này ông Trịnh Xuân Thanh đã lèo lái để “con tàu PVC” chìm trong thua lỗ, nợ nần triền miên.
Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC) đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước. Theo các báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền hơn 3.200 tỷ đồng.
Nhiều cá nhân trực thuộc PVC bị xử lý hình sự
Dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo, nhiều cá nhân thuộc PVC đã bị kỷ luật và xử lý hình sự. Đơn cử là Công ty CP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Năm 2009, sau khi đã yên vị ở chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT lúc đó đã chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc. Ngành nghề chính của công ty này là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí.
Do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối. Ngày 12-9-2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME. Ngày 11-8-2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đến đầu tháng 2-2016, vụ án được TAND Tối cao tại TPHà Nội xử phúc thẩm.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi đương chức. |
Trong vụ án này có 13 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME, trong đó có Phó Giám đốc Bùi Trọng Chinh, Kế toán trưởng Đinh Bá Lượng, thủ quỹ Phạm Thị Hải Hà và các bị can thuộc các đội thi công của PVC-ME. Hai bị cáo Vũ Duy Thành (Chủ tịch HĐQT PVC-ME) và Trần Xuân Tình (Phó Giám đốc PVC-ME) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cùng với 2 bị cáo khác là người ngoài PVC-ME.
Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền hơn 85 tỉ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỉ đồng. HĐXX đã tuyên phạt Bùi Trọng Chinh 15 năm tù, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 năm đến 11 năm tù và một bị cáo hưởng án treo. Riêng Trịnh Văn Thảo - Giám đốc PVC-ME bỏ trốn hiện đang bị truy nã quốc tế.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Thua lỗ thất thoát tại PVC-ME đã cộng thêm phần tiêu cực vào việc thua lỗ hơn 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Chưa hết, vào tháng 6-2016, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn tại dự án Thanh Hà Cienco 5 (TP Hà Nội). Vụ án được cơ quan CSĐT, Bộ Công an phát hiện, khởi tố từ tháng 4-2010.
Từ đầu năm 2010, bị cáo Đào Duy Phong và một số lãnh đạo của PVP Land đã chủ trương bán rẻ giá cổ phần của công ty thấp hơn giá thực tế trên thị trường gây thiệt hại cho PVP Land 87 tỉ đồng. Trong vụ án này, Đào Duy Phong đã bị TAND hai cấp tuyên phạt 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Mặc dù PVC và các đơn vị thành viên hoặc liên doanh thua lỗ lớn, thất thoát tài sản nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn. Phải đến đầu tháng 7-2016, sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì vai trò, trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh mới được đặt ra.
Như vậy, để xảy ra thất thoát tài sản lớn nêu trên xảy ra tại Tổng Công ty PVC và Công ty PVC-ME cùng một số công ty con khác là trách nhiệm thuộc về ông Trịnh Xuân Thanh. Chúng tôi cho rằng hành vi mà ông Trịnh Xuân Thanh gây ra có dấu hiệu tội “Cố ý làm trái...”. Hiện, cơ quan tố tụng đã vào cuộc điều tra.