Chặn đứng “vòi bạch tuộc” tín dụng đen
- Phá chuyên án cho 1900 người dân vay “tín dụng đen” và sòng bạc quy mô lớn
- Tập huấn phòng chống tội phạm “tín dụng đen” cho cán bộ điều tra
Bộ Công an cùng phối hợp chặt chẽ với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” góp phần răn đe và phòng ngừa chung.
Bài 1: Hệ lụy của tín dụng đen
Sau 92 giờ tích cực xác minh, Công an huyện Bảo Thắng (Lào Cai ) điều tra đã làm rõ vụ cướp manh động, liều lĩnh xảy ra tại phòng giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn. Đây là vụ cướp ngân hàng thứ hai xảy ra trên địa bàn cả nước trong những tháng đầu năm 2019. Một điểm chung nhận thấy của hai vụ cướp tài sản này là đối tượng gây án đều là nạn nhân của “tín dụng đen”...
Do nợ nần không có khả năng chi trả, các đối tượng túng quẫn, làm liều đã gây ra các vụ án xôn xao dư luận. Hệ lụy của tín dụng đen chưa dừng lại ở đó. Đó còn là những vụ án giết người, cố ý gây thương tích, các vụ cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng và những màn “khủng bố”, tra tấn các con nợ về tinh thần như đổ chất thải, chất bẩn vào nhà, mở nhạc đám ma tại cổng..., đẩy con nợ vào cảnh dở sống, dở chết.
Vay nợ 200 triệu đồng, mua súng trên mạng đi cướp tài sản
Một trong số đó là trường hợp của Vùi Văn Dũng (SN 1992, thường trú tại thôn Kim Thành 2, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Dũng đang là công nhân làm việc tại Nhà máy Gang thép Việt Trung và thuê trọ tại tổ dân phố 3, thị trấn Tằng Lỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Bi kịch của gã thanh niên này bắt nguồn từ việc ham mê đỏ đen mà cụ thể là lô đề...
Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Dũng chơi lô đề đã vay nợ ngoài xã hội khoảng 200 triệu đồng. Khoảng cuối tháng 5-2019, qua báo mạng, Dũng biết thông tin về vụ cướp ngân hàng ở Phú Thọ. Đối tượng trong vụ án cũng có cảnh ngộ gần giống với anh ta, đam mê đỏ đen mà rơi vào cảnh nợ nần cùng quẫn. Cũng vì thế, Dũng nảy ý định thực hiện vụ cướp tài sản và lên kế hoạch thực hiện vụ cướp manh động và liều lĩnh.
Ngày 2-6, đối tượng lên mạng Zalo đặt mua của một người đàn ông lạ mặt một khẩu súng bắn đạn bi với giá 1,9 triệu đồng. Tiếp đó, vào ngày 10-6, đối tượng mượn chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Wave, BKS... của một người hàng xóm trọ tên là Viễn rồi mang đi cầm cố lấy tiền mua chiếc xe máy Yamaha Sirius, BKS 24V1-1628; một mũ bảo hiểm, găng tay và một số công cụ, phương tiện khác dùng làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.
Khoảng 10 giờ 40 phút, đối tượng đội mũ bảo hiểm, đi xe máy đến Phòng giao dịch Phú Xuân. Khi đến nơi, đối tượng rút súng định đe dọa nhân viên ngân hàng thì phát hiện có nhân viên bảo vệ ở phía sau nên sợ hãi chạy ra chiếc xe máy vẫn cắm chìa khóa để ở bên ngoài. Trên đường trở ra, đối tượng phát hiện nhân viên bảo vệ đuổi ở phía sau đã liều lĩnh nổ súng, nhằm cản trở sự truy đuổi. Sau khi gây án, đối tượng bỏ về nhà ở huyện Bát Xát rồi vào TP Hồ Chí Minh. Trước khi lên xe khách, Dũng đã bí mật để lại khẩu súng cùng một lá thư xin lỗi tại Đồn Công an Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng.
Nhận tin báo về vụ án, cán bộ Công an huyện Bảo Thắng đã vào cuộc đấu tranh nhưng việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng gây án có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi. Đối tượng đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu màu đen, mặc áo khoác dạng áo mưa màu đỏ, đeo găng tay đi vào phòng giao dịch. Song bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong vòng 92 tiếng gây án, cơ quan Công an đã dựng chân dung đối tượng Vùi Văn Dũng và vận động đối tượng về đầu thú.
Trước đó, cũng do thua lỗ, vào tháng 5-2019, đối tượng Nguyễn Thành Nam (SN 1985, trú tại khu 5, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã thực hiện hành vi cướp ngân hàng. Tại cơ quan điều tra, Nam cho biết anh ta nợ tiền của rất nhiều người. Trong đó có trường hợp của anh Hoàng Trà (ở khu 6, Trung Giáp, Phù Ninh, Thanh Ba) thời điểm trước khi xảy ra vụ án khoảng 4-5 năm, bắt đầu từ số tiền 10 triệu đồng.
Sau đó, Nam tiếp tục vay nhiều lần nữa với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Đến thời gian gần đây, vay thêm của Trà khoảng 7 triệu đồng, chốt nợ là 34 triệu đồng và cũng chịu mức lãi suất như trên. Nam đã nhiều lần trả tiền lãi cho Hoàng Trà nhưng không nhớ cụ thể là bao nhiêu lần...
Ngoài ra, đối tượng còn vay tiền của ông Quyền ở khu 5, Phú Lộc, Phù Ninh. Việc vay nợ bắt đầu từ năm 2017, khoản vay đầu tiên cũng là 10 triệu đồng, với lãi suất là 2 triệu đồng/1 triệu đồng/ngày. Sau đó, đã vay thêm khoảng 2-3 lần nữa cộng thành 70 triệu đồng với lãi suất như trên.
Nam còn nợ của một ngân hàng chi nhánh Phú Lộc nhiều khoản tiền trực tiếp từ sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc vay nhờ người khác cụ thể: Vay 350 triệu đồng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình; 250 triệu đồng thế chấp bìa đỏ của chú ruột là Nguyễn Xuân Huệ (ở khu 5, Trung Giáp); 100 triệu đồng thế chấp bìa đỏ của cậu ruột là Vũ Văn Lễ (nhà ở Phú Mỹ- Phù Ninh) và 170 triệu đồng thế chấp bìa đỏ chị ruột Nguyễn Thu Phương nhà ở khu 4, Liên Hòa, Phù Ninh, tỉnh Phù Thọ... Tổng khoản nợ lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Trước sức ép đòi nợ của các đối tượng bên ngoài xã hội, anh ta đã liều lĩnh gây ra vụ cướp 500 triệu đồng tại một phòng giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ đối tượng dùng súng cướp tiền tại một ngân hàng trên địa bàn. |
Những con số đáng báo động
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2014 đến 2017, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có những vụ vỡ nợ dây chuyền. Riêng năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 2.500 vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen).
Cũng theo số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì “tín dụng đen” chiếm khoảng 30% tín dụng chính thức của Việt Nam. Sau khi nhận được tài sản, tiền, người thuê tài sản đã sử dụng sai mục đích, lợi dụng sơ hở của pháp luật để để chiếm dụng tiền, tài sản mà các cơ quan chức năng chưa có cơ sở phát lý để xử lý hình sự, gây bức xúc đối với người cho vay, cho thuê tài sản.
Do mất khả năng thanh toán nên các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” liên tiếp xảy ra, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội như giết người, cướp tài sản. Nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm tội kiểu xã hội đen. Điển hình như vụ án xảy ra vào tháng 4-2019.
Để uy hiếp đòi tiền, hai đối tượng Nguyễn Minh Dũng (37 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Huyền, 28 tuổi, đã cùng đồng bọn bắt giữ người trái pháp luật đối với chị Hồ Như Ý, 18 tuổi, tạm trú tại huyện Đức Hòa, Long An khi chị đang mang bầu 6 tháng dẫn đến sinh non, thai nhi tử vong.
Không dừng lại ở các vụ án hình sự, tội phạm “tín dụng đen” còn liên quan đến các đối tượng nghiện ma túy tổng hợp. Qua thực tiễn đấu tranh, Công an TP Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc “tín dụng đen” có liên quan đến tội phạm ma túy, đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy tổng hợp. Cuối tháng 1-2019, Công an TP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm cho vay lãi nặng do Triệu Đình Hoan (trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) điều hành.
Núp bóng doanh nghiệp, Hoan đã điều hành đường dây với hàng chục đàn em tiến hành việc cho vay tiền ở bên ngoài với lãi suất cao. Quá trình điều tra, đã xác định có khoảng 100 doanh nghiệp đã vay nợ đối tượng với số tiền rất lớn... một số đối tượng đã tham gia sử dụng ma túy tổng hợp. Cũng chính vì điều đó, khi thực hiện hành vi phạm tội chúng càng trở nên manh động và liều lĩnh hơn bao giờ hết.
Mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” là như vậy, vì sao vẫn có nhiều người dân rơi vào cãi bẫy của các đối tượng. Và tội phạm “tín dụng đen” vẫn có “đất” để hoạt động?.