Bài học từ các vụ án mạng bột phát:

Cần kỹ năng để tự bảo vệ

Thứ Tư, 14/10/2015, 07:58
Có nhiều vụ án giết người mà phần lỗi thuộc về phía nạn nhân. Nếu như họ bình tĩnh, xử lý khéo léo hơn thì có lẽ vụ án đã không xảy ra. Tất nhiên sự nóng giận mất khôn của hung thủ là rất đáng bị lên án, song, khi ngọn lửa đang bùng phát mà sự phản ứng thiếu khôn ngoan của nạn nhân chẳng khác nào châm thêm dầu vào.
Tương tự là đối với các vụ án giết người cướp của, nếu hung thủ là người xa lạ với nạn nhân thì thông thường, mục đích chính của kẻ thủ ác là cướp tài sản, nếu nạn nhân kháng cự chúng mới ra tay. Cho nên giải pháp tốt nhất là nạn nhân phải “đáp ứng” yêu cầu của chúng để bảo toàn tính mạng nếu như đang ở trong tình thế khó có thể truy hô, cầu cứu…

Vụ án Đào Văn Còn (tên gọi khác là Cầm; 29 tuổi) giết chết chị họ Dương Mộng Thúy (29 tuổi; cùng quê quán Phụng Hiệp, Hậu Giang), chủ quán cà phê  H&T ở phường Tân Tạo A (Bình Tân) rồi bỏ xác trong thùng xốp gây xôn xao dư luận nhưng có tình tiết khá đơn giản. Đêm xảy ra án mạng, chị Thúy cùng Nguyễn Thị Bích Thủy (26 tuổi; ngụ Phú Tân, An Giang; nhân viên quán, người yêu của Còn) và 1 người bạn nữa uống bia trong tiệm.

Đào Văn Còn ân hận kể lại chuyện sát hại chị họ.

Khi tiệc tàn, chị Thúy và Thủy lên gác ngủ như mọi khi nhưng đổi vị trí ngủ so với thường ngày. Riêng Còn nằm dưới ghế massage vừa uống bia vừa xem phim “tươi mát”. Đến khoảng 2h sáng, Còn trèo lên gác lấy tay ôm Thủy nhưng lại ôm nhầm chị Thúy. Chị Thúy liền la to rồi dùng tay tát vào mặt, dùng chân đạp vào “chỗ hiểm” của Còn. Bị đánh đau, Còn tức giận dùng tay trái bịt miệng và tay phải bóp cổ chị Thúy đến khi tắt thở…

Sau 73 ngày kể từ khi gây án Còn ra đầu thú tại Đội 9, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh. Khi điều tra viên hỏi nguyên nhân giết người, Còn rưng rưng nước mắt bảo, giữa y và nạn nhân là bà con ruột thịt chứ chẳng có thù hằn gì với nhau. Chuyện y ôm nhầm đâu phải chuyện gì to tát nhưng chị Thúy lại phản ứng quá đáng khiến y nổi nóng tức thời và ra tay...

Sau khi ly dị vợ, tháng 2/2014, Trương Văn Huệ (26 tuổi; quê quán Bà Rịa - Vũng Tàu) sống chung như vợ chồng với chị Đặng Thị Bạc (23 tuổi; quê quán Cà Mau) cũng vừa ly dị chồng. Tuy nhiên, chỉ ăn ở với nhau được 2 tháng thì hai người này lại chia tay nhưng vẫn xem nhau là bạn. Hàng ngày Huệ vẫn đưa đón chị Bạc đi làm.

Khoảng gần 22h ngày 27/5/2014, sau khi đưa chị Huệ về nhà trọ ở thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), Huệ ngồi trên chiếc nệm còn chị Bạc vào nhà vệ sinh. Thấy điện thoại đi động của chị Bạc để gần đó, Huệ mở xem tin nhắn thì thấy có nhiều tin nhắn qua lại rất tình cảm giữa chị Bạc với người khác. Huệ hỏi người đó là ai thì Bạc nói người yêu cũ, tên là Của rồi dùng nhiều lời lẽ chọc tức Huệ.

Thấy trong phòng có sợi dây dù, Huệ cầm lên dọa: “Bà có tin tui siết cổ bà chết không?”. Chị Bạc: “Tôi thách ông đó!”. Nói rồi chị Bạc tiếp tục chọc tức Huệ bằng việc kể lại vừa đi khách sạn với Của cách đó ít hôm. Rằng Của hơn hẳn Huệ về chuyện chăn gối… Nghe xong Huệ tức giận dùng dây dù siết cổ chị Bạc cho đến chết. Sang ngày hôm sau, Huệ đến cơ quan Công an đầu thú…

Một vụ khác cũng có tình tiết tương tự là vụ Châu Văn Việt (47 tuổi, quê quán Tiền Giang; tạm trú thị xã Tân Uyên, Bình Dương), phóng hỏa với ý định giết chết người tình cũ tên Tr và tình địch tại phòng trọ ở số 199/1, Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Tuy có ghen tuông về việc mình bị phụ tình và nhiều lần dọa sẽ đốt nhà chị Tr nhưng Việt vẫn không có ý định thực hiện. Cho đến khi chị Tr nhắn cho Việt một tin nhắn với lời lẽ mà theo Việt là “không thể nào chịu nổi khi đọc” thì Việt lập tức ra tay.

Điều tra viên Nguyễn Thế Vinh (Đội trọng án, PC 45, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết đã từng thụ lý nhiều vụ án tương tự như vậy và cảm thấy rất đau lòng khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một vài câu nói, một tin nhắn thách thức, một phản ứng quá mức cần thiết. Trong khi đó có rất nhiều giải pháp để xử lý những mâu thuẫn như trên. Bên cạnh đó, đối với tội phạm giết người cướp của, nếu nạn nhân khôn ngoan cũng có thể giữ được mạng sống cho mình.

Trường hợp của nạn nhân Nguyễn Văn Thơi (54 tuổi; ngụ quận Bình Tân) rất đáng để mọi người suy ngẫm. Ông Thơi hành nghề chạy xe ôm về đêm ở khu vực quận Bình Tân và được 3 đối tượng Nguyễn Duy Khanh (Khanh “khùng”, 21 tuổi; quê quán Long Hồ, Vĩnh Long), Hà Văn Lưu (tự Ty, 20 tuổi; quê quán Long Hồ, Vĩnh Long) và Nguyễn Sơn Nguyên (Tuấn “cao”, 24 tuổi; Cai Lậy, Tiền Giang) thuê chở về quận Tân Phú. Khi xe đến hẻm 111, đường Tây Lân thuộc phường Bình Trị Đông A (Bình Tân) thì Nguyên kêu ông Thới dừng xe đi vệ sinh. Ông Thới vừa dừng thì Nguyên dùng dao đâm một nhát vào hông. Y định lao tới đâm tiếp thì ông Thơi nhanh trí bảo cứ lấy hết tài sản chứ đừng đâm ông nữa. Nghe vậy chúng móc túi ông Thơi lấy điện thoại, tiền và cướp xe tẩu thoát.

Chúng đi, ông Thơi mới gọi cửa người dân ở gần đó nhờ đưa mình đi cấp cứu. “Tôi đọc báo thấy nhiều người bị giết chết là do cố giữ tài sản, trong khi đó mạng sống con người mới là quý nhất. Chuyện tri hô, cầu cứu phải là nơi có người chứ ở chỗ vắng tanh, không một bóng người mà anh tri hô thì chẳng khác nào tự giết mình” - Ông Thơi bộc bạch.

Mã Hải
.
.
.