Bóc trần thủ đoạn của "tội phạm ngoại" ăn cắp tiền ở Việt Nam
- 3 người Trung Quốc sang Hà Nội dùng thẻ ATM giả rút trộm tiền
- Hai người Trung Quốc dùng thẻ ATM giả rút trộm tiền tại Hà Nội
- "Ông Tây" sử dụng thẻ ATM giả, chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng
- Một đối tượng nước ngoài dùng gần 400 thẻ ATM giả để rút tiền
Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với 62,7% dân số dùng Internet (khoảng 58 triệu người). Thời gian gần đây, các hành vi tấn công mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thẻ tín dụng giả gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều người.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng tại hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật - Security World 2017 cho rằng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu, làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng. Đây chính là “lỗ hổng” lớn, tạo cơ hội cho loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động chiếm đoạt tài sản tại các trụ, máy trả tiền tự động ở Việt Nam.
Các đối tượng làm giả thẻ ATM để rút tiền |
Điểm lại các vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” ở nước ta trong vài ba năm gần đây dễ dàng nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi này chủ yếu là tội phạm có yếu tố nước ngoài, do người nước ngoài cầm đầu hoặc trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Hình thức chiếm đoạt của các đối tượng này là làm giả thẻ ATM (các loại thẻ được dùng để giao dịch rút tiền, chuyển khoản, thanh toán ... tại trụ máy rút tiền tự động của các ngân hàng - PV) và thẻ Visa (thẻ thanh toán quốc tế của tổ chức Visa - PV).
Các đối tượng bằng nhiều cách đánh cắp được thông tin tài khoản chủ thẻ như sử dụng thẻ độc – không cần mật khẩu và có thể sử dụng ở tất cả các cây ATM, các loại máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ Visa như EDC, POS. Nghiêm trọng hơn là gài trộm các thiết bị camera, skimming tại trụ cây ATM rồi dùng máy tính để đánh cắp, truy xuất, in dữ liệu có chứa cả mật khẩu của chủ thẻ lên các phôi thẻ, tạo thành các thẻ ATM, Visa giả. Sau đó, chúng đến các địa điểm có giao dịch thẻ tín dụng để rút tiền. Bằng cách này, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt được hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng của khách hàng tín dụng trên toàn thế giới từ Việt Nam.
Có thể thấy, tất cả các vụ án này đều hoạt động theo nhóm, có đồng phạm, chiếm đoạt có tổ chức, có hệ thống, đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Khi đến Việt Nam, các nhóm đối tượng lập tức tiến hành thực hiện. Thậm chí, chúng liên tục di chuyển, đổi địa điểm hoạt động trên khắp cả nước để tránh bị lộ. Các thành phố có lượng du khách nước ngoài lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh là “thiên đàng” cho loại tội phạm này.
Korneev Valentin Nilolov, Genov Aleksandar Simeonov và Dimitrov Iliyan Plamenov (cùng mang quốc tịch Bulgaria) vì hành vi dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại các trụ ATM. Ảnh: vnn.vn |
Các nhóm đối tượng cấu kết với nhau sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như trên có tính chất đa quốc gia như Bulgaria, Anh, Hà Lan, Malaysia… và nhiều nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, là người nước ngoài, dù đã nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần nhưng chúng vẫn cần có “tay trong”. Với món lợi bất ngờ, không ít người Việt Nam đã “nối giáo cho giặc”, tự “mua dây buộc mình” để rồi rơi vào vòng lao lý.
Trong vụ án Trần Ngọc Thuỷ (SN 1975, trú tại TP.Hồ Chí Minh) cùng đồng bọn: Kim Seong Huyn (SN 1982); Yang Dong Kook (SN 1962) và Kim Young Yun (SN 1975) đều mang quốc tịch Hàn Quốc chiếm đoạt 300 triệu đồng. Huyn đã nhiều lần nhập cảnh sang Việt Nam buôn bán và quen Thủy. Huyn rủ Thủy ghi và quẹt thẻ giả ở Việt Nam để chiếm đoạt tiền, Thủy sẽ được chia 50% lợi nhuận.
Huyn về Hàn Quốc tìm hiểu cách thức ghi thẻ giả và quẹt thẻ giả trên máy POS còn Thuỷ đóng vai trò liên hệ tìm máy và trực tiếp quẹt thẻ vào máy POS để rút tiền. Không chỉ “nhúng chàm” một mình, Thủy lôi kéo Phạm Hồng Nam (41 tuổi, trú tại Hà Nội) bằng 25% lợi nhuận để Nam mượn máy POS.
Bị cáo quốc tịch Trung Quốc Ping Sanshi (người thấp) phải chịu 10 năm tù và bị cáo Hao Yanjun chịu 9 năm tù vì tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. |
Hay trong vụ án của bị cáo Yang Qing (SN 1972, người gốc Trung Quốc, quốc tịch Hoa Kỳ) đã dùng mạng Intenet và thiết bị số thực hiện hành vi đánh cắp thông tin của 42 tài khoản khác nhau chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng. Yang Qing đã bị tuyên phạt 10 năm tù giam về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”…
Trợ giúp cho Yang phạm tội có rất nhiều người Việt gồm: Cao Tổ Nhựt, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Thu Hương. Mặc dù cơ quan An ninh điều tra chưa xác định được một số đối tượng, đối tượng Nhật đã bỏ trốn khỏi địa phương, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của những người này với vai trò đồng phạm, nhưng HĐXX khẳng định khi nào có đủ căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.
Các đối tượng người nước ngoài dựa vào tâm lý tham tiền nên đã dễ dàng mua chuộc, dụ dỗ, mượn tay người bản địa để “nhúng chàm” trong các phi vụ phi pháp. Chúng thậm chí không cần nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ cần chỉ đạo qua mạng Internet cho đồng bọn thực hiện là sẽ kiếm được món hời lớn. Do vậy, rất nhiều vụ án như thế này không thể điều tra, xác định được nhân thân của kẻ đứng đầu cũng như đồng bọn dẫn đến tình trạng bỏ lọt tột phạm.
Như trong vụ chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của Lê Huyền Trang (SN 1982, trú tại Hà Nội) cầm đầu, dù đã gần 2 năm trôi qua, cơ quan điều tra vẫn chưa thể tìm ra Trấn (người Đài Loan, Trung Quốc) – kẻ đóng vai trò chủ chốt. Người đàn ông ngoại quốc chưa rõ danh tính này đã rủ Trang tham gia rửa tiền cũng như chỉ dẫn từng đường đi nước bước cho Trang chiếm đoạt số tiền khổng lồ.
Số tiền chiếm này Trấn được hưởng phần lớn và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong khi Trang cùng 4 người Việt khác sa lưới và chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Một số vụ điển hình Đơn cử như vụ Ping Sanshi (SN 1976) và Hao Yanjun (SN 1989) cùng quốc tịch Trung Quốc làm thẻ giả 29 thẻ Visa, thực hiện 29 giao dịch quẹt thẻ qua máy EDC Vietcombank tại Đà Nẵng nhằm chiếm đoạt gần 500 triệu đồng. Chỉ trong gần 1 giờ, có 15 giao dịch thành công, tổng số tiền hai bị cáo chiếm đoạt được là 225 triệu đồng. Tháng 10-2015, nhóm người quốc tịch Nga gồm Troian Aleksei (34 tuổi), Kotet Viacheslav (45 tuổi), Bondarenko Yury (31 tuổi) cũng đã bị bắt và truy tố khi thực hiện thành công 28 giao dịch bằng thẻ ATM giả, rút hơn 100 triệu đồng tại Khánh Hòa. Năm 2016, TAND TP.Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt hai bị cáo người Trung Quốc là Chung Đông Minh (SN 1988) 3 năm 6 tháng tù cùng Hồ Lễ Quốc (SN 1980) 2 năm 6 tháng tù vì hành vi dùng 5 thẻ ATM giả thực hiện thành công 33 giao dịch, chiếm đoạt hơn 60 triệu đồng; TAND TP.HCM cũng đã tuyên phạt 3 năm tù đối với bị cáo án For Zheng Yi (31 tuổi, quốc tịch Malaysia) khi mang 30 thẻ Visa, ATM giả đến Việt Nam chiếm đoạt tiền về để trả nợ ở Malaysia. Ngày 25/4/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Kolev Konlin Krasimirov (SN 1991) 5 năm tù và 7 năm tù đối với Hristov Dimtar Tsankov (SN 1987, cùng quốc tịch Bulgaria) cũng vì tội trên. Các bị cáo đã rút trộm tiền thành công 115 lần, tại 7 ngân hàng với số tiền 216 triệu đồng. Chưa kể Tsankov thực hiện không thành công 352 giao dịch tại 14 ngân hàng. Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng đã tuyên phạt Joel David Richards (SN 1990, quốc tịch Anh) 5 năm tù, Rudy Manoel Dass (SN 1982, quốc tịch Hà Lan) 5 tháng 17 ngày tù vì đã làm giả và trực tiếp sử dụng thẻ ATM giả rút trộm được tổng số tiền 309,75 triệu đồng. Không có dấu hiệu “giảm nhiệt”, ngày 8/5, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Zhong Jian Hua (nữ) và hai đối tượng nam gồm Qiu Shui Bing cùng Zhu Hai Rong (cùng trú tại Quảng Châu, Trung Quốc). Ba đối tượng này đã mang hơn 100 chiếc thẻ ATM giả để rút trộm tổng số tiền quy đổi ra là hơn 10.000 nhân dân tệ….
|