Bài học từ những vụ án đau lòng

Thứ Hai, 18/02/2019, 09:46
Trước và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã xảy ra một số vụ trọng án do mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là những vụ trọng án đau lòng cắt đứt đạo nghĩa vợ chồng, để lại vết hằn sâu trong tâm trí các thanh niên trong gia đình, dòng họ. Vậy phải làm gì để ngăn chặn bạo lực và để cho con người đối xử với nhau một cách nhân văn, tôn trọng pháp luật?

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đỗ Ngọc Anh, SN 1964, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội để điều tra về hành vi "giết người". Nạn nhân trong vụ án này chính là vợ của nghi can Đỗ Ngọc Anh. Trước đó, bà T (vợ của nghi can) được tin báo đã mất tích. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra nhanh chóng xác định Đỗ Ngọc Anh có liên quan đến cái chết của vợ. 

Tại cơ quan Công an, Đỗ Ngọc Anh khai do mâu thuẫn kinh tế nên đã sát hại bà T tại một nhà nghỉ ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, sau đó phi tang xuống sông Hồng.

Cách đây ít hôm, tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng xảy ra vụ chồng giết vợ rồi tự sát không thành. Người chồng tên là Mong Văn Hoà là nghi phạm ra tay bóp cổ vợ. Hoà được đưa đi cấp cứu khi hàng xóm và Công an sở tại nghi thấy có dấu hiệu bất thường nên đã đạp cửa vào nhà, phát hiện Hoà có nhiều vết máu ở cổ, đang ôm ghì chặt vợ đã tử vong trên nền nhà. Vụ việc đang được Công an địa phương điều tra, làm rõ và xác định động cơ gây án.

Cơ quan Công an truy tìm vật chứng trong một vụ án.

Trước đó, vào ngày 4-2 (tức 30 tết), chị Bùi Thị H, SN 1996, có chồng là Bùi Văn Kiên, SN 1987, trú tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình có  ý định đưa 2 con chung của vợ chồng về nhà ngoại để ăn tết. Mặc dù gia đình nhà chồng không muốn cho đi nhưng chị H vẫn kiên quyết đưa 2 người con ra khỏi nhà. Bất ngờ, ông Bùi Văn Sầng (bố chồng chị H) nghe thấy tiếng la hét bên ngoài, khi chạy ra thì phát hiện con dâu và cùng em trai và em gái chị H bị đâm trọng thương. 

Chị H được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng trên đường đi tới bệnh viện đã tử vong. Nghi phạm được xác định đâm tử vong vợ và 2 người em vợ chính là Bùi Văn Kiên (chồng chị H). Sau khi gây án, Kiên đã bỏ trốn, sau đó được Công an vận động ra đầu thú.

Trên đây chỉ là dẫn chứng một số vụ việc đau lòng xảy ra trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua. Ngoài vụ án Đỗ Ngọc Anh sát hại vợ do nghi phạm khai có mâu thuẫn về kinh tế thì vụ Bùi Văn Kiên sát hại vợ và đâm trọng thương hai người em ruột vợ là do mâu thuẫn tức thì trong việc đưa con chung về nhà ngoại ăn Tết. Trước đó, giữa hai vợ chồng này đã sống trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng  ngọt" và đã quyết định sống ly thân với nhau.

Vợ chồng "đầu gối má kề", đến với nhau vì tình yêu thương. Giữa vợ chồng có rất nhiều sợi dây ràng buộc, như con cái, họ hàng nội ngoại và cả tài sản chung mà hai vợ chồng đã cùng nhau gây dựng lên... Nhưng khi về sống chung trong một mái nhà, nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau, rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn. 

Có những mâu thuẫn rất nhỏ, có thể đối thoại, cùng nhau giải quyết được; song vì thói ích kỷ, quá đề cao "cái tôi" nên từ mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, dẫn đến chán ghét nhau, soi mói những lỗi lầm của nhau, ngoại tình... Có nhiều cặp vợ chồng không tìm được cách hoá giải mâu thuẫn, nhưng lại không tìm cách "giải thoát" cho nhau, sống trong cảnh căng thẳng rất dễ nảy sinh những va chạm từ lời nói đến hành động...

Hậu quả của những vụ nêu trên, là người thì mất mạng, người vào vòng lao lý, bị sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Song điều đau xót hơn cả là họ đã để lại một vết hằn, cú sốc tâm lý lớn cho gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại, đặc biệt là những đứa trẻ vô tội là con cháu của họ.

Chúng tôi cho rằng, để ngăn chặn những vụ trọng án trong gia đình nêu trên thì việc phát hiện, hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ gia đình của người thân, của các đoàn thể xã hội địa phương, của chính quyền... là hết sức quan trọng. Có một quan niệm là: "những mâu thuẫn trong gia đình để cho gia đình tự giải quyết". Ngay cả, những mâu thuẫn đó làm nảy sinh vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, khi đưa ra chính quyền thường cũng chỉ giải quyết không đến nơi đến chốn, khiến mâu thuẫn ngày một âm ỉ và bùng phát bất cứ lúc nào.

Pháp luật Nhà nước ta đang ngày một hoàn thiện. Trong lĩnh vực này, chúng ta có Luật Hôn nhân và gia đình; đối với những hành vi bạo lực chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự; nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục. Nhưng thực tế, rất ít các cấp chính quyền địa phương can thiệp bằng các biện pháp nêu trên. 

Đây là vấn đề cần được xem xét, nhìn nhận lại để ngăn chặn những mâu thuẫn có thể là mầm mống  của những vụ trọng án làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội.

Đào Minh Khoa
.
.
.