Bài học đắt giá khi cho mượn pháp nhân để xuất nhập khẩu
- Nhập khẩu nhiều lô hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập núp bóng máy công nghiệp
- Hàng trị giá 1,5 tỷ khai báo hải quan… 900 nghìn đồng
Vì vậy, Đội Thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV đã kiểm tra toàn bộ lô hàng, phát hiện tất cả đều là thỏi nhôm, thuế suất xuất khẩu là 15% tương ứng với mức thuế 228 triệu đồng. Vụ việc chuyển sang cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) xử lý.
Làm việc với cơ quan điều tra, Lương khẳng định hoàn toàn không biết gì về lô hàng này. Đây là lô hàng của vợ chồng Thạch Mỹ Linh và Lê Quang Khải, và Lương đã “cho mượn” pháp nhân Công ty F.R.P để vợ chồng Linh – Khải xuất khẩu hàng hóa cho Công ty Shinden Techno (Hàn Quốc).
Phạm Văn Thành (ảnh trái) và Nguyễn Thanh Phương mượn pháp nhân doanh nghiệp khác để nhập hàng lậu. |
Theo thỏa thuận, Lương được hưởng 40% tiền hoàn thuế GTGT và vợ chồng Linh - Khải hưởng 60%. Do sợ đụng chạm đến pháp luật, Lương yêu cầu Linh hoặc Khải phải đứng tên trong Công ty F.R.P để Lương yên tâm. Các thủ tục thay đổi giấy phép đã được thực hiện và Linh đứng tên góp vốn trong Công ty F.R.P.
Thực hiện thỏa thuận, Lương đứng tên đại diện Công ty TNHH F.R.P ký hợp đồng mua hàng của doanh nghiệp trong nước do Khải chỉ định và đứng tên đại diện Công ty TNHH F.R.P ký hợp đồng bán hàng cho Công ty Shinden Korea Techno. Các việc còn lại như: lập hợp đồng ngoại thương, invoice, packinglish, thuê dịch vụ vận chuyển, làm thủ tục khai báo Hải quan... vợ chồng Linh - Khải trực tiếp thực hiện.
Tuy nhiên, khi lô hàng xuất khẩu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ do khai báo gian lận, đối chiếu các thông tin, tài liệu liên quan đến lô hàng vi phạm, tất cả đều không có chữ ký của Linh, Khải mà chỉ có chữ ký của Lương, đóng dấu Công ty F.R.P. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trên, cơ quan điều tra đã xác định Lương cố ý khai báo gian dối trong việc xuất khẩu lô hàng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Ngày 21-8, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố Lương về tội “buôn lậu”.
Cũng liên quan đến việc “cho mượn” pháp nhân công ty để xuất nhập khẩu hàng hóa, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng điện máy nhập khẩu núp bóng máy công nghiệp. Điển hình, 2 lô hàng nhập lậu của Công ty CP Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã bị PC46 Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ trên đường đưa về kho “tập kết” ở phường 15 quận Tân Bình.
Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, ông Nguyễn Đoàn Anh Vĩ, Giám đốc Công ty CP Hiệp Bình Phước xuất trình 2 bộ tờ khai Hải quan điện tử của Công ty CP Hiệp Bình Phước đăng ký mở tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân cảng Hiệp Phước. Theo nội dung tờ khai thì hàng hóa nhập khẩu là máy móc sử dụng trong công nghiệp các loại (đã qua sử dụng).
Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì lại là 72 mặt hàng điện máy các loại đã qua sử dụng như đầu máy lạnh, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy rửa chén... Vĩ cho biết hai lô hàng này không phải của Công ty CP Hiệp Bình Phước mà công ty chỉ đứng tên để nhập khẩu ủy thác cho Phạm Khắc Thuận (ngụ quận 12) với giá 1 triệu đồng/container.
Thuận nói hàng nhập khẩu là nhựa phế liệu, xuất xứ Nhật Bản và Vĩ đã tin tưởng. Các thủ tục nhập khẩu lô hàng do Thuận thực hiện. Vĩ chỉ đóng dấu khống Công ty CP Hiệp Bình Phước lên giấy giới thiệu rồi giao cho Thuận cùng bộ chữ ký số (token) để đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu hàng hóa với cơ quan Hải quan.
Trong khi đó, Thuận cho rằng đây là lô hàng của Nguyễn Thanh Phương và Thuận nhận nhập khẩu ủy thác giúp. Sau khi trả tiền mượn pháp nhân công ty cho Vĩ, Thuận còn đút túi 700 -1 triệu đồng/container. Sau khi có đủ các giấy tờ đứng tên Công ty CP Hiệp Bình Phước, Thuận giao cho Lê Thanh Tùng, là nhân viên của Phương để làm thủ tục khai báo hải quan điện tử.
Tiếp tục kiểm tra lô hàng do Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury (quận 3, TP Hồ Chí Minh) nhập khẩu đang trên đường về kho ở quận Tân Bình, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện bên trong có 32 đầu máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, trong khi trên tờ khai hải quan ghi hàng nhập khẩu là máy móc sử dụng trong công nghiệp.
Lô hàng này do Huỳnh Thanh Khiết đứng tên chủ sở hữu và Nguyễn Thị Minh Hà (vợ Khiết) là người đại diện pháp luật của công ty. Tuy nhiên, quá trình điều tra được biết, Nguyễn Thanh Phương (44 tuổi, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) chính là người đại diện pháp luật và điều hành mọi hoạt động của Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Phương thực hiện thủ đoạn buôn lậu hết sức tinh vi. Phương thuê Tùng làm việc tại công ty với nhiệm vụ chuyên đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử. Thuê Hà làm giám đốc công ty, đại diện trước pháp luật và thuê Khiết đứng tên chủ sở hữu các lô hàng nhập lậu.
Ngoài 3 lô hàng bị phát hiện có tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng, cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận hai hồ sơ vụ án "Buôn lậu" của Công ty CP Hiệp Bình Phước và Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury do Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan chuyển sang cũng với thủ đoạn tương tự. Cơ quan CSĐT (PC46) - Công an TP Hồ Chí Minh đã phát thông báo truy nã Nguyễn Thanh Phương về tội "Buôn lậu" để phục vụ công tác điều tra.