Vì sao hàng loạt người bị Thiếu tướng quân đội dởm lừa? (Bài 1)

Thứ Ba, 26/06/2018, 09:28
Đa số những người bị lừa đều đến Cơ quan ANĐT trình báo mà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho "chân rết" của Hoa Hữu Long.

Sau 4 ngày vụ án Hoa Hữu Long cùng đồng phạm giả danh Thiếu tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 1.000 bị hại được thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có rất nhiều người là bị hại trong vụ án ở các tỉnh, thành phố trong cả nước liên hệ với Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội để trình báo về việc bị Long cùng các đồng phạm lừa đảo. 

Chỉ trong sáng 25-6, có mặt tại Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội (địa chỉ số 89 đường Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội), phóng viên Báo CAND ghi nhận đã có khoảng gần 20 bị hại đến trình báo.

Bị hại tên Nguyễn Thanh M. (28 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cùng người thân của mình ngồi tại phòng trực ban của Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội từ rất sớm. 

Vụ án Hoa Hữu Long đang được Cơ quan ANĐT tích cực làm rõ.

Chị M. tố cáo vào tháng 7-2017, thông qua mối quan hệ xã hội có quen biết người đàn ông tên Mão thông tin cho chị biết, một đơn vị S10 thuộc Bộ Quốc phòng đang tuyển dụng người vào làm kinh tế và sẽ được phong cấp hàm; nếu muốn vào thì phải nộp 150 triệu đồng.

Đến ngày 21-6 khi chị xem truyền hình và đọc thông tin trên các trang báo mới biết mình đã bị lừa. Đến sáng 25-6, chị đã cùng mẹ đến Cơ quan ANĐT để trình báo với mong muốn nhờ các cơ quan chức năng lấy lại số tiền 145 triệu đồng đã đưa cho các “chân rết” của Long.

Ngồi gần chị M., có anh Trần Văn Th. (khoảng hơn 30 tuổi) cũng đã lặn lội từ TP Hải Phòng lên TP Hà Nội với mong muốn lấy lại được số tiền đã đưa cho nhóm đối tượng giả danh quân đội do Hoa Hữu Long cầm đầu.

Trần Văn Th. cho biết, anh đang có việc làm ổn định, qua một người quen biết đã giới thiệu đến Phùng Thị Thanh Huế, nói là sỹ quan cấp cao của Quân đội. 

Khoảng giữa năm 2017, Huế cho T. biết Tập đoàn Đông Dương với phiên hiệu S10 thuộc Bộ Quốc phòng đang cần tuyển người, nếu muốn vào thì nộp tiền để Huế lo cho vào tập đoàn này.

Đồng thời, Huế hứa hẹn, tùy theo số tiền mà Th. nộp và tay nghề của anh Th. sẽ được tuyển dụng, sắp xếp công việc và phong cấp hàm từ Đại úy đến Trung tá.

Quá tin vào lời của Huế, anh Th. đã đi vay mượn, mang số tiền 165 triệu đồng từ Hải Phòng đến cổng nhà của "Thiếu tướng Quân đội" Hoa Hữu Long tại đường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, để đưa tiền cho Huế. Sau đó, Huế cùng một đối tượng mang số tiền anh Th. vào nhà của Long với lý do để nộp tiền "tuyển dụng, phong sỹ quan quân đội".

Khi trao đổi với Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội, được biết, đã có hàng chục bị hại đến trụ sở để trình báo về việc đã từng nộp tiền cho đường dây của Long để được tuyển dụng vào Tập đoàn Đông Dương (S10) và có khá nhiều bị hại khác ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã liên lạc qua số điện thoại với Cơ quan ANĐT để được hướng dẫn giải quyết thông tin liên quan đến vụ án. 

Đa số những người bị lừa đều đến Cơ quan ANĐT trình báo mà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho "chân rết" của Hoa Hữu Long.

Một điều tra viên cho biết thêm, do thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng liên quan đến vụ án Hoa Hữu Long giả danh Thiếu tướng Quân đội là khá tinh vi nên đến khi vụ việc bị phát giác, đã có rất nhiều người bất ngờ vì biết mình bị lừa.

Bởi trước đây, họ vẫn tin rằng những thông tin về việc Bộ Quốc phòng chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương là có thật. 

Khi các đối tượng trong đường dây của Hoa Hữu Long tiếp xúc với các bị hại đều đã đưa ra những công văn, điện mật giả của Bộ Quốc phòng về chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương, thậm chí đến quyết định giả mạo việc "phong quân hàm cấp tướng của Chủ tịch nước cho Thiếu tướng Hoa Hữu Long" cũng được các đối tượng làm giả, chụp lại bằng điện thoại, rồi mở ra cho họ xem nên số người này đã hoàn toàn tin tưởng.

Họ còn được dặn dò: "Đây là một đơn vị bí mật của quân đội, đang tuyển dụng người nên không được công khai cho ai biết". Vì những lời lẽ đó, đến nay, vẫn còn một số người tin rằng S10 vẫn tồn tại, vì đó là một đơn vị bí mật chứ không phải bị lừa đảo.

Qua trình báo của bị hại, vào tháng 4-2018, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã xác lập chuyên án, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoa Hữu Long và 4 đồng phạm về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Qua khám xét tại nơi ở của Long và các đồng phạm, Cơ quan Công an còn thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ xin việc của các bị hại, 12 bản công văn có dấu đỏ giả mạo quyết định của Bộ Quốc phòng và các cơ quan Đảng, Nhà nước; cùng hàng trăm bản phô tô “điện mật đi” của Bộ Quốc phòng liên quan đến việc chỉ đạo tổ chức thành lập S10 do Long tự tạo ra.

Câu hỏi đặt ra, tại sao Hoa Hữu Long cùng các đồng phạm lại lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người và kéo dài trong một thời gian dài mà chưa bị phát giác? Chúng tôi được biết, số bị hại này đã quá tin vào các thủ đoạn tinh vi như đã nói trên của các đối tượng trong đường dây của Long.

Nhiều bị hại còn cho biết, do số tiền bỏ ra từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng là không quá lớn, trong khi đổi lại được tuyển dụng sỹ quan trong lực lượng quân đội nên đã chấp nhận thỏa thuận và không nghĩ đến việc yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy biên nhận khi giao tiền.

Đây cũng là một vấn đề khó khăn cho công tác điều tra của Cơ quan Công an. Điều đáng lưu ý trong vụ án này, còn có rất nhiều bị hại đã đưa tiền cho chân rết trong đường dây của Long và rất có thể, số tiền thực thu của bị hại còn lớn hơn nhiều.

Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với đồng phạm với Long đã thu tiền của các bị hại trong vụ án... CQĐT yêu cầu các đồng phạm của Long nhanh chóng đến Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội khai báo, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Minh Khoa – Trần Xuân
.
.
.