30 tháng hành động chống nạn buôn bán ngà voi, sừng tê giác
- Nam hành khách vận chuyển trái phép 12 sừng tê giác trị giá 8 tỷ đồng
- Cựu cán bộ Hải quan ngồi tù vì bán ngà voi tang vật
Theo thống kê của cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2016 đến đầu 2017, các cơ quan thực thi pháp luật đã điều tra, bắt giữ hàng chục vụ buôn bán, tàng trữ mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, bao gồm trên 12 tấn ngà voi, 230kg sừng tê giác. Trong khi đó, mức xử phạt lại chưa đủ mạnh để răn đe.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý CITES Việt Nam, các hoạt động buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tế giác không chỉ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, các mục tiêu bảo tồn, sinh kế bền vững của người dân mà còn làm giảm sút hiệu quả nỗ lực quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật đối với buôn bán động thực vật hoang dã.
Tê giác và voi là hai loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên giới, không chỉ đóng vai trò nhất định trong hệ sinh thái mà còn mang tính biểu tượng cao đối với hình ảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi. Tuy nhiên, trong những thập kỷ vừa qua, số lượng tê giác và voi bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt trái phép.
Tại Việt Nam, tê giác được cho là đã tuyệt chủng sau khi cá thể cuối cùng được tìm thấy bị bắn hạ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 2010. Với số lượng quần thể khoảng 104 – 134 cá thể, voi hoang dã tại Việt Nam chủ yếu phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ và đang được đưa vào Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi để có hướng phát triển đàn.
Kế hoạch NIRAP góp phần hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã. |
Nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, cụ thể là ngà voi và sừng tê giác vẫn diễn ra khá phổ biến. Từ tháng 10-2016 đến tháng 12-2017, đã có 87 vụ án với 127 bị cáo được dưa ra xét xử, và có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3 – 7 năm vì hành vi buôn bán ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến quản lý buôn bán động vật hoang dã còn khó khăn.
Việc Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 chính có hiệu lực từ năm 2018 với những điều khoản mới về tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và động vật hoang dã quý hiếm là sự thay đổi lớn, giúp định hình khung hình phạt, đồng thời tăng nặng mức phạt hình sự, gia tăng sự răn đe. Dù vậy, việc ban hành một kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát vấn nạn buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác là vô cùng cần thiết.
Chính vì những lý do trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra Quyết định ban hành Kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác giai đoạn 2018 – 2020 (kế hoạch NIRAP) nhằm đưa ra một kế hoạch cụ thể thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống, đấu tranh với buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác đến, đi và trong Việt Nam trong giai đoạn 30 tháng.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch NIRAP nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý có liên quan đến kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã, trong đó có ngà voi, sừng tê giác; hướng tới nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tăng cường phối hợp liên ngành thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, kỹ năng phục vụ công tác nghiệp vụ, chuyên môn từ điều tra, truy tố, xét xử loại hình tội phạm có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Kế hoạch trên sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách có liên quan trong ngắn hạn, đồng thời góp phần giảm thiểu, dần xóa bỏ vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.Ngoài ra, Kế hoạch NIRAPcòn góp phần tăng cường hợp tác xuyên biên giới, hợp tác trong khu vực và quốc tế; tập trung giải quyết vấn đề nhu cầu thị trường trong nước đối với sản phẩm ngà voi, sừng tê giác; hướng tới thiết lập một hệ thống thông tin theo chuỗi về các vụ bắt giữ ngà voi, sừng tê giác…