Yêu cầu làm rõ dấu hiệu lách luật trục lợi hàng triệu tấn xăng dầu

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:16
Tại phiên họp UBTV Quốc hội hôm qua (21/9), khi thảo luận về dự Luật Thuế xuất nhập khẩu sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ dấu hiệu lách luật trục lợi hàng triệu tấn xăng dầu, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Đại biểu dẫn quy định tại điểm e, khoản 9, điều 16 về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trong thời hạn nhất định, quy định: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời hạn gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nội dung này chưa rõ là những mặt hàng nào. Khi nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy, việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn.

“Trong 4 năm, có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng, việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là công ước Kyoto” - đại biểu Nga nói.

Từ quan điểm trên, đại biểu đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không. Đồng thời, Chính phủ phải có tổng kết để giải đáp quan ngại rất có cơ sở của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập. Bởi trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. 

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là để phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…, phù hợp với thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây. Nội dung sửa đổi khá toàn diện, bao gồm các quy định về đối tượng không chịu thuế, khung thuế suất, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật có khá nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết, như: biểu thuế suất; giá tính thuế, thẩm quyền ban hành biểu thuế, mức thuế; danh mục hàng hóa miễn thuế..., cần rà soát để quy định cụ thể và chi tiết ngay trong luật. Mặc dù cơ bản nhất trí với nhóm đối tượng chịu thuế, không chịu thuế được quy định trong dự thảo luật, song nhiều ý kiến nhận định, việc quy định chi tiết đối tượng chịu thuế và không chịu thuế như dự thảo luật có thể chưa bao quát được đầy đủ những trường hợp phát sinh trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai viện dẫn: “Giờ thịt gà Mỹ, thịt bò Australia cũng như nhiều mặt hàng khác đang cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng của chúng ta. Chính sách về thuế xuất nhập khẩu giúp người tiêu dùng được sử dụng nhiều mặt hàng với giá thấp hơn nhưng một số ngành sẽ rất khó khăn, như chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp”.

Bày tỏ quan tâm tới hai nhóm ngành nông, lâm, thủy hải sản và ngành cơ khí chế tạo - công nghiệp phụ trợ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu yêu cầu, việc sửa luật lần này cần mang lại tác động tích cực, góp phần thúc đẩy các ngành này phát triển. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi qua nhiều năm hội nhập cho thấy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng tăng trưởng giảm, cạnh tranh kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn vào ôtô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ.

Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Báo cáo số 348/BC-CP ngày 17/7/2015 của Chính phủ và thảo luận về kế hoạch kiểm toán năm 2016.

M.Đ.
.
.
.