Kiểm toán ở  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phát hiện nhiều thiếu sót, kiến nghị xử lý tài chính gần 30 tỷ đồng

Thứ Hai, 12/12/2022, 08:38

Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Do đó, KTNN đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính tổng số tiền lên tới 29.714.237.984 đồng.

12 dự án kéo dài vốn không thể giải ngân

Báo cáo kiểm toán kết luận, nhìn chung Bộ NN&PTNT thực hiện lập, phân bổ dự toán năm 2021 cơ bản gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế. Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho 39 dự án, giá trị quyết toán được duyệt là 5.294.830 triệu đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 4.789.322 triệu đồng, đạt 85,5% dự toán; thu phí, lệ phí đạt 254.399 triệu đồng, đạt 87% dự toán giao.

Phát hiện nhiều thiếu sót, kiến nghị xử lý tài chính gần 30 tỷ đồng -0
Một trong những tồn tại của Bộ NN&PTNT được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là việc quản lý và sử dụng kinh phí duy tu đê điều chưa đúng quy định. Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, Đoàn KTNN đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Bộ NN&PTNT trong công tác: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB); Quản lý chi thường xuyên; hoạt động thu sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ; quản lý, sử dụng nhà, đất, ôtô.

Cụ thể, trong công tác quản lý chi đầu tư XDCB, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn 4 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn. Giao vốn năm 2021 cho 2 dự án khi chưa được giao vốn đầu tư công trung hạn, phải điều chỉnh giảm 40.000 triệu đồng; không giao vốn từ đầu năm cho các dự án hoàn thành trong năm, phải điều chỉnh bổ sung 43.400 triệu đồng cho 3 dự án.

Có 12 dự án kéo dài vốn từ năm trước sang nhưng không thể giải ngân phải hủy 20.575 triệu đồng, ngoài ra còn 8 dự án được kéo dài có số giải ngân thấp. Có 5 dự án được giao kế hoạch vốn năm 2021 là 78.200 triệu đồng, giải ngân 0% và 22 dự án có số giải ngân thấp. Cùng đó, việc lập, thẩm định và phê duyệt một số dự án có diện tích một số phòng làm việc lãnh đạo không phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước; các quyết định phê duyệt chưa dự kiến phân bổ nguồn vốn theo tiến độ của dự án (các dự án được kiểm toán).

Việc lập, trình, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán không thống nhất với thiết kế dẫn đến mời thầu, hợp đồng và thi công không đúng với bản vẽ thiết kế; còn một số công việc tính thiếu, tính trùng, tính thừa khối lượng so với bản vẽ thiết kế. Tại dự án “Nhà điều hành Trường Đại học Lâm nghiệp”, phê duyệt dự toán có chi phí dự phòng phát sinh khối lượng là 8% vượt quá mức tối đa (5%) theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng…

Trong công tác quản lý chất lượng, qua kiểm toán cho thấy Giám đốc Ban QLDA do chủ đầu tư thành lập thiếu chứng chỉ quản lý dự án; hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu một số chứng chỉ xuất xưởng, xuất xứ của một số vật tư, thiết bị; chưa thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công. Tại dự án Xây dựng hệ thống trực canh, cảnh báo thiên tai, đa mục tiêu giai đoạn 1, sau khi dự án hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng, việc triển khai thực hiện hợp phần 3 (Hợp phần khai thác, vận hành, bảo trì) còn vướng mắc về việc bố trí nguồn lực.

Theo Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chưa đề cập nhiệm vụ quản lý tài sản của dự án, hiện nay dự án đã hết thời hạn bảo hành song công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý tài sản dự án chưa được hoàn thành. Tiến độ thực hiện của một số dự án còn chậm so với tiến độ được duyệt ban đầu phải xin gia hạn và điều chỉnh; một số gói thầu thi công xây lắp thực hiện chậm so với hợp đồng do các nguyên nhân phải điều chỉnh, bổ sung, phát sinh khối lượng.

Nhiều thiếu sót trong quản lý chi thường xuyên

Trong lập và giao dự toán, Bộ NN&PTNT lập dự toán đối với một số khoản thu phí lệ phí thấp hơn so với dự toán giao năm 2020, chưa đảm bảo tính tích cực như: Sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) chi nhiệm vụ mở mới 96.55 triệu đồng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa thuyết minh cơ sở lập quỹ lương và chi hoạt động bộ máy số tiền 326.097 triệu đồng đối với các đơn vị sự nghiệp KHCN công lập…

Lập dự toán sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiệm vụ hỗ trợ sửa chữa lớn các công trình xây dựng nhỏ, dở dang 180.960 triệu đồng nhưng tại thời điểm lập dự toán chưa kèm theo hồ sơ tài liệu quy định của Bộ Tài chính. Trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN giao đối với sự nghiệp kinh tế thủy lợi, chưa ban hành quy trình duy tu bảo dưỡng đê điều các cấp (từ cấp III đến cấp đặc biệt); đến thời điểm kiểm toán, chưa điều chỉnh dự toán phần thuế giá trị gia tăng năm 2022 “từ 10% xuống 8%” của dự án “Đánh giá tình hình lũ, ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Hoàng Mai, sông Thái và đề xuất giải pháp phòng, chống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai” dự toán phải điều chỉnh giảm là 50,4 triệu đồng. Việc quản lý và sử dụng kinh phí duy tu đê điều chưa đúng quy định số tiền 164,7 triệu đồng.

Trong quản lý NSNN giao đối với sự nghiệp kinh tế lĩnh vực Bảo vệ thực vật (BVTV), chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc Cục BVTV thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến các trung tâm vẫn ký hợp đồng giao khoán một phần công việc thực hiện khảo nghiệm hiệu lực sinh học đối với các tổ chức chưa được công nhận là tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013. Trong quản lý sự nghiệp khoa học công nghệ, có 13 nhiệm vụ KHCN thực hiện chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện (từ 6 tháng đến 12 tháng); có 3 nhiệm vụ KHCN chưa được nghiệm thu, chậm so với quy định; có 10 nhiệm vụ KHCN kết thúc năm 2021 chưa thực hiện việc giao nộp sản phẩm và lưu giữ hồ sơ; có 14 nhiệm vụ KHCN chưa được cơ quan quản lý khoa học trình Bộ trưởng quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 18/2015/TT-BNNPTNT; chưa theo dõi, tổng hợp số liệu tài sản trang thiết bị sau khi kết thúc nhiệm vụ KHCN...

Trước hàng loạt tồn tại nói trên, KTNN đề nghị Bộ NN&PTNT thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Các chủ đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc một số dự án kéo dài vốn nhưng không còn nhu cầu sử dụng, dự án không có số giải ngân hoặc giải ngân đạt thấp; chậm phê duyệt quyết toán đối với các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành và chậm thực hiện lập báo cáo quyết toán theo quy định đối với một số dự án đã kết thúc nhiều năm.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị tham mưu có liên quan và các chủ đầu tư dự án kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt chi phí dự phòng không đúng hướng dẫn; Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán giá gói thầu tư vấn thực hiện dự án (Hợp phần vốn ODA) nhiều lần không thống nhất về căn cứ pháp lý và giá trị của gói thầu tư vấn.

Đối với chi thường xuyên cần chấn chỉnh công tác lập dự toán thu chưa tích cực hay dự toán chi chưa có đầy đủ diễn giải căn cứ thuyết minh. Nghiên cứu ban hành Quy trình duy tu bảo dưỡng đê điều từ các tuyến đê cấp 3 đến các tuyến đê cấp đặc biệt để làm cơ sở thực hiện bảo dưỡng đê điều hằng năm từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc giao dự toán kinh phí không tự chủ đối với các nội dung chi thuộc kinh phí thực hiện tự chủ; giao dự toán chi thường xuyên cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu của tổ chức KHCN chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí quy định.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục BVTV, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Cục Thú y kiểm điểm rút kinh nghiệm việc chưa thực hiện tiết kiệm tối thiểu 15% theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chưa xác định kinh phí tiết kiệm 10% số thu được để lại. Cục BVTV kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ký hợp đồng giao khoán một phần công việc thực hiện khảo nghiệm hiệu lực sinh học đối với các tổ chức chưa được công nhận là tổ chức đủ điều kiện theo quy định.

Đặng Nhật
.
.
.