Ngành nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long nỗ lực vượt qua đại dịch

Thứ Tư, 20/10/2021, 08:39

Ðể phát huy thế mạnh, vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp (NN), ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, từ đây đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường, xúc tiến thương lại để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng này.

Hiện, những vùng nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vào cuối vụ, trong khi đợt thả nuôi vụ nghịch năm nay không nhiều, nên lượng tôm thu hoạch từ nay đến cuối năm sẽ không lớn. Tại Sóc Trăng, nơi có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước đến hết tháng 9 đã thả nuôi hơn 48.000ha, sản lượng tôm đã thu hoạch được gần 140.000 tấn.

nong nghiep.jpg -0
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng.

Với diện tích chưa thu hoạch hơn 10.000ha, nếu tình hình nuôi tốt như dự kiến, các DN Sóc Trăng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua về đích này. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Sóc Trăng vẫn tăng khá và theo các DN, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu có thể thực hiện được.

Ðể gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp, TP Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo kỹ thuật, kết nối tiêu thụ nông sản. Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ các loại nông, thủy sản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, từ 21/7 đến 30/9 đã tiêu thụ được 25.571 tấn nông, thủy sản, trong đó có 11.500 tấn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ thông qua Tổ công tác 970 thuộc Bộ NN&PTNT, số còn lại nông dân bán cho thương lái và thông qua sự hỗ trợ kết nối của Sở NN&PTNT, các sở ngành để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các điểm bán hàng bình ổn giá, chợ 0 đồng.

Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân tháo gỡ khó khăn, khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thu hoạch, tiêu thụ nông sản, thủy sản gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và hỗ trợ giống cây con để tái sản xuất nông nghiệp. Xây dựng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển nông nghiệp sạch.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn, đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động Tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản để kịp thời hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ các khó khăn. Phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xây dựng, phát triển sàn thương mại nông sản - chợ nông sản Cần Thơ, đưa các loại nông sản của Cần Thơ lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ.

Mặc dù đối mặt với dịch bệnh COVID-19, sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau có nhiều chỉ tiêu đạt trên 70% so với kế hoạch, tổng sản lượng thuỷ sản tăng 3,8% so với cùng kỳ, riêng sản lượng tôm tăng 9,3% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do các nước châu Âu và Mỹ đang dần dỡ bỏ phong toả, cùng với việc chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ, Tết nên nhu cầu tôm đang phục hồi trở lại.

An Giang cũng là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trong đó cá tra là một trong những sản phẩm chủ lực của quốc gia. Vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh việc khôi phục lại sản xuất của ngành hàng này để giải quyết việc làm cho lao động dôi dư tại địa phương và xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Đến thời điểm này, trong phát triển kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đức Văn
.
.
.