Hạ tầng khu công nghiệp bộc lộ nhiều bất cập sau đại dịch COVID-19

Thứ Năm, 04/11/2021, 08:58

Trong các vấn đề bất cập bộc lộ ra sau dịch bệnh COVID-19, hạ tầng xã hội khu công nghiệp là một vấn đề đáng báo động, liên quan đến nguồn nhân lực. Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đang trong tình trạng "may sẵn", thiếu trước hụt sau, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 3/11 đặt ra những vấn đề cần khắc phục để “dọn tổ đón đại bàng”.

4.jpg -0
Công nhân an cư mới yên tâm sản xuất, góp phần phát triển doanh nghiệp.

Chưa chú ý xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Tuy vậy, tại Việt Nam, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành ngày càng nhiều các khu công nghiệp, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động tại đây, hạ tầng xã hội khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định và cho rằng, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động.

Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã đặt doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, đặc biệt là qua đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. “Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng”, Phó Chủ tịch VCCI thẳng thắn nhận định.

Chia sẻ từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, lâu nay các dịch vụ cho người lao động như nhà ở, trường học, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu. “Một khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (KCN, KKT, KCX) cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động. Hiện nay, tư duy phát triển các KCN, KKT, KCX mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến.

Thay đổi tư duy xây dựng khu nhà ở cho công nhân

Tham gia tọa đàm trực tiếp, nhiều địa phương kiến nghị cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong lựa chọn chủ đầu tư xây dựng các dự án này. Phía các doanh nghiệp cũng đề xuất, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân KCN, KKT, KCX, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này trình Quốc hội ban hành.

Đến từ Bộ Xây dựng, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân KCN, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, có độ vênh giữa các quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, “Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng” bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định. Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng được vay ưu đãi là công nhân, người lao động làm việc trong các KCN được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở), có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng…

Bá Kiệt
.
.
.