Đối với ngành điện, cần nhất là công khai, minh bạch

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:55
Ngày 16/10, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Diễn đàn cơ sở khoa học của việc tính giá điện với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước về lĩnh vực này, và cả những người đã từng làm công tác quản lý. Tại đây, các chuyên gia một lần nữa khẳng định cần nhất hiện nay với ngành điện là sự công khai, minh bạch.


Theo TS Ngô Đức Lâm, ngành điện đã có sự cố gắng rất đặc biệt. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lại không đi cùng sự đồng thuận của người dân, mà chủ yếu do 3 vấn đề: Đầu tiên là độc quyền còn rất lớn, trong khi giá điện lại được áp dụng cơ chế thị trường rất rộng rãi, là sự ưu tiên rất lớn cho ngành điện. Cái người dân hoan nghênh nhất của thị trường cạnh tranh là được quyền lựa chọn hàng hoá mình mua và được dịch vụ tốt nhất, thì cả 2 yếu tố này còn lâu mới có trong ngành điện. Thứ hai là vấn đề minh bạch về giá. Thứ ba là năng suất lao động của ngành điện còn rất thấp, và người tiêu dùng phải chịu “hậu quả” của điều đó. 

TS Lâm cho rằng điện hiện nay được điều chỉnh bằng Luật giá và Luật Điện lực, theo đó người tiêu dùng có 3 quyền: được lựa chọn hàng hoá tiêu dùng (thực tế là không được chọn); được quyền cung cấp thông tin minh bạch và được bồi thường thiệt hại khi sản phẩm anh dùng kém chất lượng. 

Các chuyên gia lại một lần nữa đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch của ngành điện. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, đến nay quyền người tiêu dùng, quyền của xã hội chưa được chú ý đến, trong khi lại đặt ra cơ chế rất thông thoáng cho ngành điện với quyền tự định giá và quyền tự điều chỉnh giá. Đây là những quy tắc có lợi cho EVN nhưng bất lợi cho cạnh tranh, và minh bạch hay không minh bạch cũng từ đây mà sinh ra. “Giá điện để EVN tính, tức là anh sản xuất theo kiểu gì anh cũng có lãi, cứ cộng hết vào, làm thui chột tính phấn đấu của họ”. 

TS Lâm cũng cho rằng giá phát điện chiếm 77% cơ cấu giá thành, đây là khâu quyết định của giá điện. Nhưng hiệu suất tiết kiệm hiện nay rất thấp, tiêu hao rất nhiều nhiên liệu, nên giá thành điện rất cao. Có thể ví dụ tiêu hao bình quân nhiệt điện của thế giới là 380g nhiên liệu/kWh, trong khi Việt Nam hơn gấp rưỡi là 560g/kWh. Điện tự dùng, các chỉ số khác cũng đều cao ngất ngưởng. Do đó, giải quyết cái biểu giá cũng chỉ là giải quyết cái ngọn, mà cái gốc chính nằm ở EVN.

Quan điểm này trùng khớp với quan điểm của GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, người đã có nhiều năm làm thuỷ điện. Theo GS Vũ Trọng Hồng, xem xét gốc của giá điện cũng chính từ giá phát điện. “Các anh cứ cãi nhau mãi cái ngọn. Như thuỷ điện tôi đã làm, chiếm 80% là giá trị đầu tư nhà máy, khấu hao vào giá điện. Tôi nguyên là Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản của Bộ Thuỷ lợi, các công trình này đầu tư rất lớn, mà để thu hồi vốn nhanh thì phải tính khấu hao ngắn. Theo học trò tôi công bố thì hiện nay các nhà máy điện khấu hao nhiều nhất là 30 năm, có khi 20 năm, trong khi đáng lẽ phải khấu hao 100 năm. Như vậy tính vào giá thành là chết rồi. Tất nhiên Nhà nước có định mức khác, còn tư nhân tính cách khác, khấu hao ngắn hơn, phải thông cảm, nhưng tính xuống 20 năm, 30 năm là bất hợp lý”...

Các chuyên gia lại một lần nữa đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch của ngành điện.

Liên quan đến điều chỉnh biểu giá điện, GS Nguyễn Quang Thái đặt vấn đề phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy dân tình bức xúc như thế nào. “Muốn sửa thì vai trò Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương vô cùng quan trọng, anh phải đứng ra. Đây anh lại bảo EVN lấy ý kiến rồi, tháng sau phải đưa tôi để tôi tập hợp báo cáo. Như vậy là vô trách nhiệm. Chính mình phải đứng ra chứ không phải giao cho EVN đứng ra. Cái chính mọi người thắc mắc không phải biểu giá, mà chính là ông tính tuỳ tiện, thời điểm ông đo đếm khác nhau. Ông công khai, minh bạch là yêu cầu của nhân dân. Tôi đồng ý người giàu dùng nhiều điện phải tính giá hơn, nhưng không đưa về cho EVN, mà đưa về Nhà nước để sử dụng vào việc tiết kiệm năng lượng.

Có mặt tại diễn đàn, ông Lê Hồng Tịnh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cũng đặt vấn đề cái quan trọng nhất mà dân quan tâm là minh bạch, là vì sao thị trường điện cạnh tranh triển khai chậm. 

“Với cách làm thế này mà không có đột phá thì rất khó. Ngành điện có đến hơn 80.000 người. Các nước dùng công nghệ thông tin hết rồi, ta vẫn dùng người đi đo đếm, chi phí nhân công quá lớn. Muốn giải quyết được tổn hao thì phải chấm dứt độc quyền. Muốn tái cơ cấu ngành điện mà để ngành điện làm là không có. Không ai muốn tự nhiên thay đổi, mà phải từ những hội thảo thế này ta kiến nghị Chính phủ để Chính phủ thực hiện” – ông Tịnh kiến nghị.

Dự kiến tháng 11 sẽ kiểm tra xong giá thành điện

Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), mọi năm vào tháng 9, tháng 10 là đoàn liên ngành đã kiểm tra xong giá thành điện, nhưng năm nay do EVN làm chậm nên giờ mới đang kiểm tra ở miền Bắc, dự kiến sẽ xong một số đơn vị điểm trong tháng 10, để tháng 11 tổng hợp báo cáo kết quả lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Ông Phúc cũng khẳng định nguyên tắc là giá bán điện phải công khai, minh bạch.

Vũ Hân
.
.
.