‘Định danh’ cho trái vải Việt Nam cả trong và ngoài nước

Thứ Bảy, 06/06/2015, 23:19
Từng bước rũ bỏ hình ảnh thiên về “giá rẻ”, bán vỉa hè, lòng đường; thay vào đó là những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước một cách “chính danh”, có thương hiệu chính là mục tiêu mà các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp (DN) đang hướng tới cho quả vải. 
>>Nỗ lực đưa quả vải Việt Nam vào những thị trường khó tính
>>Tiêu thụ mạnh trái vải tươi tại TP HCM

Một phần trong nỗ lực hiện thực hoá mục tiêu này được thể hiện qua hội nghị kết nối giữa người trồng vải, DN, cơ quan chức năng Hải Dương với Hà Nội và Bộ Công Thương vừa được tổ chức ngày 5/6.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Quang, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết hiện ở tỉnh này có 35 mô hình sản xuất vải theo Vietgap, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, với diện tích khoảng 19ha, sản lượng 120 tấn. Còn lại, vải thiều chủ yếu tiêu thụ sang Trung Quốc, bình quân 20.000 tấn/năm, theo con đường tiểu ngạch. Đây là một hướng xuất khẩu không bền vững, dễ bị ế hàng và mất giá như hiện tượng đã xảy ra vài năm qua.

Trái vải Việt Nam đang nỗ lực khẳng định chất lượng và thương hiệu. Ảnh: Việt Hà.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – người gần đây rất tâm huyết và đã chủ trì nhiều cuộc họp bàn về tiêu thụ nông sản, cho rằng: Trước ngưỡng cửa của hội nhập, cũng như nhu cầu ngày càng cao trong nước, đã đến lúc phải có cách nhìn bền vững về thị trường.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tin vui về sản phẩm trái cây thâm nhập được vào các thị trường khó tính, trong đó tiêu biểu là thanh long, xoài và vải. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Chế biến và Xuất khẩu nông sản Thanh Hà cho biết, với kinh nghiệm xuất khẩu vải thiều sang một vài nước châu Á và châu Âu, kể cả bán vào TP Hồ Chí Minh cho thấy trái vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có uy tín và được ưa chuộng. DN này đã xuất được 350 tấn vải, 150 tấn nhãn vào Hàn Quốc và chắc chắn sẽ đưa vải vào Trung Đông.

Theo bà Mận, tuy ta có băn khoăn khi thâm nhập một số thị trường khó tính, ví dụ vào Mỹ là rất khó, nhưng “tôi tin vải không vào được” vì một số sản phẩm cạnh tranh như vải của Mexico rất nhạt. Bên cạnh đó, bà Mận đề nghị Bộ Công Thương tích cực tạo điều kiện, đưa các Tham tán thương mại vào cuộc hỗ trợ DN trong nước. Trả lời đề nghị này của DN, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN, đặc biệt là về thông tin thị trường.

Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị lãnh đạo địa phương kết nối các DN trên địa bàn để xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, định hướng lại trái vải và nông sản gắn với thị trường tiềm năng, mới mở, nhưng với điều kiện phải làm dài hạn và đảm bảo chất lượng sản phẩm để ổn định thị trường, không làm mất uy tín Việt Nam.

Riêng về chất lượng hàng cấp cho thị trường nội địa, ông Ngô Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, ngoài vải, huyện cũng có bưởi và ổi rất tiềm năng, xác định đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn vệ sinh cho sản phẩm của mình, phục vụ thị trường trong nước với tiêu chuẩn tương tự như làm với thị trường nước ngoài để gây dựng lòng tin. Một thông tin rất đáng mừng là Sở Công Thương Hà Nội đã có phương án hỗ trợ rất chu đáo cho nông sản Hải Dương vào thị trường lớn nhất nhì cả nước này.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thực ra nhu cầu của người dân TP luôn cao, nhưng hàng hoá của các tỉnh vào vẫn gặp khó khăn vì vẫn loạn giá và chất lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ tạo dựng thương hiệu. “Bài học mới nhất là tổ chức và tiêu thụ hành tím trên địa bàn Thủ đô. Qua việc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động hệ thống DN, cả DN hỗ trợ công ích, việc tiêu thụ hành cho nông dân đạt kết quả. Qua đó cho thấy thị trường rất rộng lớn, có tiềm năng tiêu thụ, nếu vào cuộc nhịp nhàng và nhiệt tình thì việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa không phải khó” – vị này chia sẻ.

Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động gửi văn bản đến các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn, UBND các huyện, xã phường cung cấp vị trí có thể tập kết hàng hoá để nông dân đưa hàng đến tiêu thụ. Lực lượng Quản lý thị trường cũng được bố trí nắm bắt toàn bộ thông tin nông sản từ Hải Dương đưa lên, hỗ trợ phương tiện vận tải đi vào tuyến đường nội thành...

Thêm vào đó, đại diện các siêu thị trên địa bàn như Hapro, Fivimart, Coopmart cũng đã có kế hoạch đưa vải Hải Dương và tiêu thụ. Bà Mai Khuê Anh - đại diện Hapro cho biết, DN này mong muốn là kênh phân phối, và vừa qua đã thấy những tín hiệu rất tốt qua đợt tiêu thụ dưa hấu, hành tím.

Với vải, Hapro đã làm việc với Thanh Hà, đăng ký làm nhà phân phối lớn, thu mua tại vườn, đóng thùng xốp, quy cách như xuất khẩu để bảo quản và đưa hàng đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất. “Đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản của Hải Dương là yếu tố quan trọng để đưa vào hệ thống bán lẻ và chợ đầu mối. Mong sản phẩm nông sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu sao cho đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Hà Nội” - bà Mai Khuê Anh kiến nghị. Saigon Coopmart cũng đã có kế hoạch tiêu thụ 1.000 tấn vải cho nông dân. Fivimart cũng đã cam kết sẵn sàng cùng DN và người nông dân đưa sản phẩm ra thị trường.

Vũ Hân
.
.
.