Tiêu thụ mạnh trái vải tươi tại TP HCM

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:42
Theo đánh giá của Bộ Công thương, quả vải Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu chưa cao, do đó quả vải phần lớn vẫn trông vào thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước cùng với 2 đại siêu thị Co.opXtra và chuỗi 87 cửa hàng Co.op Food tại TP.Hồ Chí Minh là hệ thống bán lẻ chủ lực của Saigon Co.op đã chính thức đưa mặt hàng trái vải tươi Bắc Giang và Hải Dương lên kệ từ ngày 1/6/2015 và nhận được nhiều sự ủng hộ của người tiêu dùng (NTD). Đặc biệt là ở khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sức tiêu thụ trái vải hiện tại trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang ở mức từ 10 - 15 tấn/ngày. Dự kiến khi vào chính vụ, sức tiêu thụ có khả năng tăng gấp đôi. 

Với mặt hàng trái vải tươi, bên cạnh việc rà soát cẩn trọng nguồn hàng để đảm bảo chất lượng, Co.opmart không tính thêm bất cứ khoản chiết khấu nào để giá sản phẩm đến tay NTD tốt nhất. Đặc biệt, Co.opmart sẽ đầu tư ngân sách giảm giá mạnh thêm 20% cho mặt hàng này từ ngày 6/6 đến 25/6/2015 trong “Tháng tiêu dùng xanh” để đẩy mạnh sức mua. 

Theo kế hoạch, năm nay Saigon Co.op sẽ hỗ trợ tiêu thụ lượng trái vải gấp đôi so với năm 2014. Tổng lượng dự kiến tiêu thụ từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7/2015 sẽ hơn 800 tấn. Tại phía Bắc, Co.opmart Hoàng Mai, Co.opmart Sài Gòn - Hà Nội, hiện đang bán trái vải tươi loại 1 với giá 13.500 đ/kg. Các Co.opmart tại TP Hồ Chí Minh bán 28.000 đ/kg. Còn các Co.opmart Miền Tây như tại Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ,... giá bán 28.000đ - 29.500 đ/kg. Nhìn chung, giá mặt hàng này ở Co.opmart tương đối mềm hơn nếu so với mặt hàng cùng chủng loại ở chợ nên bán khá chạy.

Theo Bộ Công thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và các kênh tiêu thụ tiếp cận vùng vải Bắc Giang, trong tháng 6 này, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị tiêu thụ vải tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, giữa tháng 5/2015, tại TP Hồ Chí Minh cũng có buổi kết nối thương mại giữa Sở Công thương TP Hồ Chí Minh với tỉnh Hải Dương nhằm tìm giải pháp để tiêu thụ vải thiều của tỉnh này.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh là kênh tiêu thụ vải thiều lớn cho miền Bắc trong những năm qua. Với kinh nghiệm kết nối thương mại, các chợ đầu mối, nhà phân phối và DN ở TP Hồ Chí Minh sẽ sẵn sàng hỗ trợ, ưu tiên thu mua vải thiều của miền Bắc bằng tất cả năng lực của mình. 

Khách hàng mua vải thiều tại siêu thị Co.opmart.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức khẳng định, sẽ cung cấp danh sách tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải thiều tại chợ đầu mối Thủ Đức cho Sở Công thương Hải Dương để hai bên làm việc trực tiếp với nhau. Ban quản lý chợ cũng sẽ cập nhật và cung cấp thông tin diễn biến thị trường mặt hàng vải thiều để các DN đầu mối của địa phương biết, chủ động được nguồn hàng. Chợ đầu mối Hóc Môn, năm 2014 tiêu thụ 5.800 tấn vải thiều, năm 2015 sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích kinh doanh từ 6 điểm lên 11 điểm bán… Năm nay vải thiều được mùa, tổng sản lượng vải tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang ước đạt khoảng 200.000 tấn và sẽ thu hoạch rộ vào tháng 6.

Không chỉ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước đều đòi hỏi cao về các yếu tố: chất lượng sản phẩm và nguồn hàng phải ổn định khi thị trường yêu cầu cung ứng kịp thời. Tuy nhiên, hầu như vải thiều Việt Nam đang còn yếu các yếu tố này. 

Chuyên gia công nghệ Nguyễn Quyết Thắng, văn phòng đại diện Công ty Juran Israeltại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang hổng khâu chế biến bảo quản sau thu hoạch. Thực tế cho thấy trái vải khi đến người dân vẫn còn để cành cọng và sử dụng phương pháp bảo quản truyền thống là “ướp đá lạnh” như vậy chỉ làm tăng các chi phí như: vận chuyển, bảo quản… không đáp ứng được việc xử lý và kéo dài thời gian tươi của trái vải trên thị trường”. 

Các nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh cũng boăn khoăn, hiện trái vải chỉ bảo quản tươi được khoảng 1 - 2 ngày, còn siêu thị thì phải bán hết trong ngày, nếu không trái vải sẽ xuống màu, rất khó giữ giá. Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, năm 2014 lượng vải tiêu thụ trong nước có 90.000 tấn, nhưng chợ Thủ Đức đã bao tiêu tới 37.000 tấn. NTD TP Hồ Chí Minh rất quan tâm chất lượng hàng hóa, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương hay vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang phải được ghi rõ và bao bì đóng gói kỹ thì mới nâng giá trị của trái vải. 

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thừa nhận, vải thiều Thanh Hà chất lượng thơm ngon, nhưng bất lợi là khi chín rộ việc thu hoạch và tiêu thụ cùng lúc với số lượng lớn gặp rất nhiều khó khăn, phải cần đến sự hợp lực tối đa của các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp, nhất là khâu tìm “đầu ra” cho trái vải.

Để ổn định sản lượng và chất lượng hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu và cung cấp thị trường trong nước, ông Nguyễn Quyết Thắng khẳng định, cần phải có vai trò của bốn nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông. Nông dân trồng tốt đừng phun thuốc, thu hoạch xong phải sơ chế ngay. Còn công nghệ bảo quản thì cần phải có nhà khoa học… 

Ông Nguyễn Anh Cương cho biết, tỉnh Hải Dương cũng xác định giải pháp lâu dài là phải bắt đầu từ khâu sản xuất, phải thay đổi tư duy của người dân bằng việc làm những công nghệ tốt. Tỉnh đã có diện tích trái vải làm theo chuẩn VietGap và Global Gap, hướng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài vải có giá trị cao… Kể cả thị trường trong nước cũng cần có sản phẩm sạch, tốt, đó mới là phát triển lâu bền của nông sản, trong đó có trái vải.

Huấn luyện xông hơi lưu huỳnh chuẩn bị cho vải thiều sang Pháp

Tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Một khoá tập huấn trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang thị trường EU đã được tổ chức tại Bắc Giang. 

Chuyên gia nông nghiệp Michel Pierre (Pháp), người tham gia tập huấn cho phía Việt Nam cho biết, công nghệ xông hơi lưu huỳnh hoàn toàn có thể giúp giữ trái tươi nguyên trong 5 tuần và việc này đã và đang thực hiện thành công tại Madagascar. Do đó, nếu có thể áp dụng công nghệ này thành công tại Việt Nam, trái vải thiều của Việt Nam sẽ được vận chuyển bằng đường biển, thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi nhiều. 

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, thị trường Pháp nói riêng và EU nói chung chỉ công nhận phương pháp xông hơi lưu huỳnh là phương pháp cho phép duy nhất để đưa trái cây nhập khẩu thâm nhập vào thị trường. 

Ông hy vọng sau khóa tập huấn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được công nghệ, từ đó rộng đường cho trái vải xâm nhập thị trường Pháp cũng như mở ra cơ hội cho nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam vươn xa hơn. Được biết, khoá tập huấn tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Hải Dương vào ngày 4 - 5/6. (V.H.)

Thúy Hà
.
.
.