Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu PCI
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp Bộ Công an
- 5 giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia
- Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%) và lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất (16,5 tỉ đồng), gấp đôi so với quy mô của năm 2006…
Theo kết quả điều tra, năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34, ghi nhận lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.
Trung tâm hành chính tập trung của thành phố đi vào hoạt động từ tháng 9-2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.
Tỉnh có số điểm cao xuất sắc thứ 2 là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm).
Đây là những tỉnh đứng đầu của bảng xếp hạng với nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ.
Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm). Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 6, Hà Nội đứng 24 trong bảng xếp hạng và đứng top cuối là các tỉnh Lai Châu (61), Hà Giang (62), Đắc Nông (63).
Đi vào chi tiết 10 lĩnh vực điều hành kinh tế trong PCI 2015 cho thấy, đứng đầu chỉ số thành phần gia nhập thị trường năm nay là Hậu Giang với 9,23 điểm. Bến Tre được đánh giá tốt nhất cả nước trong lĩnh vực tiếp cận đất đai (7,82 điểm), Sóc Trăng đứng đầu chỉ số chi phí không chính thức (7,12 điểm). Trong khi Bạc Liêu ghi điểm cao nhất ở chỉ số cạnh tranh bình đẳng (7,29 điểm), Kiên Giang dẫn đầu lĩnh vực thiết chế pháp lý (7,62 điểm).
Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng như năm ngoái ở hai chỉ số: Chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh. Còn TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu ở các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Ngược lại, nhóm cuối bảng của các chỉ số thành phần lại có sự góp mặt của một số tỉnh thành mạnh về kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong đó Hà Nội đứng cuối bảng ở hai chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai; Hưng Yên xếp cuối về tính minh bạch.
Khảo sát PCI 2015 ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN và chi phí thời gian.
Nhưng điều tra PCI 2015 cho thấy một vài xu hướng đáng lo ngại khi các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả. Tỷ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% DN tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với năm 2014 (10%). Có 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, đúng như nhận định của các nhà kinh tế, hiếm có thể chế nào giúp cho việc cải cách như PCI. Do vậy, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục cải cách để nâng cao chỉ số PCI và VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng tất cẩ các địa phương để tìm ra các giải pháp tốt nhất. Hy vọng PCI năm tới sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.
“Tôi cho rằng đó là chỉ báo quan trọng, PCI trên thực tế đã trở thành niềm vui và nỗi buồn của các địa phương cũng như là niềm vui và nỗi buồn của VCCI” – ông Lộc nói.