Xuất khẩu bắt đầu phục hồi
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2%; thị trường ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 4,74 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đây là con số tăng trưởng khá tốt bởi trong tháng 2, do mất thời gian dài công nhân nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất phải tạm dừng. Việt Nam vẫn được ghi nhận là thị trường tốt, được các nhãn hàng tin tưởng. Trong quý II/2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng, thu hút được đơn hàng từ các nhãn hàng lớn và khả năng tăng trưởng xuất khẩu là có.
Ngành dệt may, da giày trong quý I năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cho tới nay, điểm đáng mừng nhất có thể được ghi nhận, đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường và khắc phục những khó khăn về đứt gãy của chuỗi cung ứng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu khả quan.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vaccine phòng ngừa.
Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp và Italia tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trên cả nước trước sự lây lan của dịch COVID-19. Diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực… Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine COVID-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.