Xuất khẩu dệt may, thủy sản bắt đầu phục hồi khả quan

Thứ Năm, 04/03/2021, 06:13
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) một số ngành hàng chủ lực đã có sự tăng trưởng tốt cho thấy sự hồi phục rõ rệt của thị trường đã khả quan hơn, trong đó như kim ngạch XK dệt may đã đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020 hay thuỷ sản đã đạt 1 tỷ USD… Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy XK, đưa sự phục hồi các đơn hàng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.


Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK đã đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch XK dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau một năm sống chung với đại dịch các DN đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Cùng với đó, việc các nước liên tục đưa vaccin vào tiêm cho người dân cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại.

Nhiều DN ngành may đã có đơn hàng đến tháng 4/2021.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện, trong khi nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp lo thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì dệt may lại khá khác biệt khi đơn hàng tương đối dồi dào. Hiện nay, các DN dệt may Việt Nam, trong đó có các DN của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021.

Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 năm 2020.

Cùng với sự hồi phục tăng trưởng XK của ngành dệt may, trong 2 tháng đầu năm, XK thủy sản của Việt Nam đi các thị trường đã tăng trưởng khả quan trở lại nhờ đòn bẩy từ các FTA cũng như nhu cầu của các nước nhập khẩu dần ổn định hơn. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay XK thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 XK thủy sản đã tăng mạnh tới 23,4% với kim ngạch đạt 606 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm nay, mặt hàng cá tra, cá biển, cá ngừ và tôm chân trắng đã có sự tăng trưởng mạnh; đồng thời XK sang một số thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Mexico, Đài Loan, Brazil… đã tăng mạnh.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, XK thủy sản đang có chiều hướng khả quan hơn so với năm 2020. Đây là tác động tích cực từ các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong đó, với CPTPP, trong tháng 1/2021 các DN thủy sản đã XK nhiều đơn hàng với giá trị cao như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) XK lô hàng đầu tiên gồm 8 container hàng thủy sản với tổng trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia.

Từ đó đưa XK thủy sản sang khối này trong tháng 1/2021 tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%... Bên cạnh đó, với UKVFTA cũng sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam XK sang thị trường Anh.

Theo đó, Anh đã nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Bộ Công Thương cho biết, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp XK thủy sản sang thị trường này đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu tốt là nhờ tác động tích cực của các FTA và DN đã tận dụng tốt hơn những lợi thế về thuế suất. Dư địa cho XK cũng mở rộng hơn so với trước.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, việc thực thi các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong đó có Hiệp định EVFTA, UKVFTA, RCEP mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và cũng mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các DN có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà FTA mang lại, các DN cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết trong từng Hiệp định liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch để khai thác cơ hội từ FTA để mang lại hiệu quả cao nhất.

Năm 2021, dự báo XK hàng hóa của Việt Nam sang EU và một số thị trường sẽ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế EU nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại, mặc dù mức hồi phục chậm. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các DN Việt Nam tận dụng cam kết trong Hiệp định EVFTA và các FTA khác hiệu quả hơn.

Phan Đức
.
.
.