Việt Nam không tránh nổi nhiệt điện than?!

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:55
Vấn đề đặt ra – theo nhiều diễn giả tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017, là làm sao để phát triển nhiệt điện than song song với bảo vệ môi trường, và liệu Việt Nam có thể làm được điều đó không?

Việt Nam không thể không phát triển nhiệt điện than trong ngắn hạn là quan điểm được Bộ Công Thương bày tỏ trong "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai" do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 4-5.

Vấn đề đặt ra – theo nhiều diễn giả tại diễn đàn, là làm sao để phát triển nhiệt điện than song song với bảo vệ môi trường, và liệu Việt Nam có thể làm được điều đó không?

Bộ Công Thương đang trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của nhiệt điện than, khi không thể tránh khỏi việc phải dựa vào nguồn năng lượng này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Vượng cho rằng: Khác với các nước phát triển như châu Âu - do nhu cầu năng lượng của họ đã tương đối ổn định, Việt Nam có nhu cầu sử dụng điện hàng năm tăng cao do nền kinh tế đang phát triển nên nếu chỉ dựa vào hiệu suất sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo thì không thể đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong giai đoạn trước mắt. Vì thế, phải phát triển nguồn năng lượng phổ biến trên thế giới là nhiệt điện than.

Quan điểm này (không ngạc nhiên) được ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN chia sẻ.

Theo ông này, hiện nhiệt điện than ở Việt Nam chỉ chiếm trên 30%, đến sau 2030 mới trên 40% tổng nguồn phát – vẫn “ở mức chấp nhận được”. Ông này dẫn số liệu trung bình của thế giới cho thấy nhiệt điện than chiếm khoảng 41,2% nguồn điện, trong khi Trung Quốc có trên 70% và Mỹ cũng có trên 40% là nguồn điện này.

“Với Việt Nam, chúng tôi đã tính toán các nguồn năng lượng thủy điện, các nguồn  năng lượng tái tạo, cho thấy vẫn cần phát triển nhiệt điện than và nguồn này đóng vai trò quan trọng cho phát triển”. Do đó, theo ông Vượng, “vấn đề không phải có phát triển nhiệt điện than hay không mà phát triển như thế nào để phát triển bền vững, không gây ra sự cố môi trường”.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục An toàn môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết: Hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất hơn 13.000 MW, đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho nền kinh tế. Thừa nhận môi trường là thách thức với các nhà máy nhiệt điện, được xã hội đặc biệt quan tâm, ông này cho biết quan điểm của Bộ Công Thương là nhà máy nào không đảm bảo môi trường, không hiệu quả sẽ dứt khoát cho dừng hoạt động.

Tới ngày 1-10 tới đây, Bộ này sẽ chính thức ngưng vận hành 2 tổ máy của Nhiệt điện Uông Bí (do Liên Xô xây dựng từ năm 1973) và sẽ rà soát toàn bộ công nghệ nhà máy nhiệt điện có nguy cơ không đảm bảo môi trường, các nhà máy được xây dựng trong thập kỉ 80. Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã chấp thuận và thẩm định cho EVN cải tạo một số nhà máy nhằm đảm bảo yêu cầu môi trường như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Quảng Ninh với “quyết tâm kiểm soát được vấn đề môi trường, khí thải trong thời gian tới”.

Việc có khói đen bốc lên trong quá trình khởi động lò do một số nhà máy sử dụng dầu FO cũng đã được cải thiện khi EVN đã cải tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện và dùng dầu DO khởi động lò của Nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải. Về lâu dài, việc dùng dầu DO sẽ được sử dụng trong toàn bộ các nhà máy nhằm “làm thay đổi nhận thức của cộng đồng với nhiệt điện”.

Theo đại diện EVN, hiện Chính phủ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Bộ Công Thương, EVN phát triển công nghệ nhiệt điện than sạch (công nghệ siêu tới hạn) thì chắc chắn giảm được ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Ông Nguyễn Quang Được - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - nơi dự kiến đặt một trung tâm nhiệt điện than nhưng chưa thống nhất được địa điểm do nhiều quan ngại về môi trường, cũng bày tỏ: Trong tương lai ngắn, không thể nào có đủ năng lượng sạch, tái tạo để thay thế, buộc phải chấp nhận nhiệt điện than. Long An chấp nhận phát triển nhiệt điện than tại tỉnh mình, nhưng phải quan tâm đến công nghệ, bởi những sự cố liên quan đến nhiệt điện than thời gian vừa qua khiến người dân rất lo lắng.

Dù dường như chấp nhận thực tế là thủy điện đã tới hạn, điện hạt nhân đã ngừng, năng lượng tái tạo chi phí quá lớn và nguồn cung thiếu ổn định... nhiệt điện than tỏ ra tin cậy hơn cả, nhưng một số diễn giả tại diễn đàn cũng nhận định quá trình phát triển năng lượng của Việt Nam còn những hạn chế, mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư; Hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn; Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả; Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu vốn đầu tư, giải quyết được từng đó việc là quá khó khăn với ngành năng lượng nước nhà. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng.

“Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí…” – TS Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Bài toán năng lượng phải được nhìn từ hai phía, nghĩa là hướng tới thị trường năng lượng minh bạch, đầy đủ hơn và chấm dứt việc ghìm giữ giá vốn nuôi dưỡng một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng. 

Vũ Hân
.
.
.