Vì sao thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt còn kém hấp dẫn?
- Chặn "bẫy" trong thương mại điện tử thời hội nhập
- Thương mại điện tử Việt trước áp lực của nhà đầu tư ngoại
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2017, khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua trực tuyến từ Việt Nam. Những hình thức kinh doanh xuyên quốc gia ngày càng phát triển với xu hướng toàn cầu hóa sẽ là một thách thức trong công tác quản lý thuế...
Hiện, một số website cung cấp sàn giao dịch nổi tiếng của nước ngoài như Ebay, Amazon... có lượng khách hàng trực tuyến từ Việt Nam không nhỏ. Vậy tại sao người tiêu dùng (NTD) Việt Nam lại rất thích mua hàng hóa trên các website nước ngoài?
Chị Thu Trang (ngụ quận 7), khách hàng trung thành của trang web Ebay cho biết: “Nếu so sánh thì hàng hóa bán trên website của doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều điểm yếu so với website bán hàng nước ngoài. Cụ thể, website của DN trong nước hàng hóa không đa dạng nên NTD ít có sự lựa chọn, trong khi website DN nước ngoài khắc phục được tình trạng này. Trang bán hàng của DN nước ngoài số lượng hàng khuyến mãi lớn, nhiều mặt hàng có giá giảm sâu lên đến 60-70% so với sản phẩm cùng loại bán trên trang web trong nước.
Đặc biệt, trên trang web DN nước ngoài có đánh giá, phân loại, các chủ kinh doanh trên trang web nên khi mua hàng, NTD căn cứ vào tiêu chí đánh giá đó để chọn người bán uy tín, hạn chế được rủi ro”.
Theo đại diện của VECOM: “Lý do khiến NTD trong nước ưa chuộng mua hàng trực tuyến nước ngoài là do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, phù hợp với một bộ phận lớn NTD trong nước, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Lý do nữa là do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, Ebay, Rakuten… có uy tín rất cao”.
Người tiêu dùng Việt mua hàng hóa trên trang web nước ngoài nhiều hơn mua hàng trên website của doanh nghiệp trong nước. |
Thực tế, các cá nhân mua hàng qua các trang mạng quốc tế này thì hàng hóa được chuyển về vẫn phải thực hiện quản lý thuế tại hệ thống hải quan. Tuy nhiên, theo quy định hàng hóa phi mậu dịch có giá trị dưới 2 triệu đồng được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và không chịu thuế GTGT.
Trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch trực tuyến tại Việt Nam hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Nhiều chuyên gia nhận định, dịch vụ này đang thâu tóm doanh thu. Đánh giá của VECOM: “Du lịch trực tuyến tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ lớn khách ra vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí tỷ lệ khách du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài là không nhỏ”.
Điển hình, các trang Agoda, Booking, Hotels.com... là những trang web trực tuyến nước ngoài mà dân du lịch thường nhắm tới do có nhiều ưu điểm: Trên trang web đăng tải đầy đủ các hình ảnh khách sạn để khách lựa chọn, so sánh. Đặc biệt là giá cả, cùng một khách sạn nhưng giá phòng đặt tại các trang web Agoda, Booking... thường thấp hơn các trang web trong nước.
Để có giá phòng khách sạn hấp dẫn, các trang web này đã liên kết với các khách sạn trong nước để họ đưa thông tin, hình ảnh, cập nhật giá cả. Nhiều khách sạn ế ẩm, chủ khách sạn tự giảm giá đến 50-80%, nên các trang web nước ngoài này có giá rất cạnh tranh. Thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 30-40% tổng lượng khách của mỗi khách sạn, thậm chí có những khách sạn chiếm 80%. Nhờ đó, loại hình kinh doanh này đang phát triển rất mạnh.
Tuy nhiên, do thanh toán tiền đặt phòng qua các trang web nước ngoài như trên chủ yếu qua thẻ tín dụng nên cơ quan thuế không kiểm soát được. Hiện, Agoda và Booking dẫn đầu và chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến do có lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, lại không phải nộp thuế. Họ áp đảo cả 2 mảng: Khách du lịch Việt Nam đi trong nước và nước ngoài, cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam.
Được biết, cuối năm 2016 ông Lê Đắc Lâm, Tổng giám đốc Vntrip.vn (một trang mạng trong nước có loại hình hoạt động tương tự Agoda) đã tố Agoda trốn thuế. Theo ông Lâm, khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng, Agoda thu 20 USD tiền phí. 20 USD đó Việt Nam không thu được đồng thuế nào. Điều này không công bằng với các DN khác.
Sau vụ Vntrip tố Agoda, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý. Ngày 18-1, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, TP áp chính sách thuế với hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến của các công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, hình thức trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia... nộp thuế VAT 5% và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo doanh thu được hưởng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu thuế các DN trực tuyến nước ngoài vẫn chưa thực hiện được.
Theo ước tính của Vntrip.vn, đến năm 2020 riêng doanh thu từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tại Việt Nam khoảng 21 tỉ USD, trong đó khoảng 50% doanh thu từ các trang web online. Nếu không thu thuế được các trang web như Booking, Agoda..., Nhà nước có thể thất thu hàng ngàn tỉ đồng.
Tại buổi sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để chống thất thu ngân sách Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm Cục Thuế TP sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng qua các trang web như Agoda, Booking...”.