Kỳ cục chuyện Petrolimex doanh thu giảm nhưng lãi khủng!?
- Lãi khủng, Petrolimex giải trình
- Petrolimex có lợi nhuận gộp trong quý I là 2.781 tỷ đồng
- Giảm giá xăng dầu, Petrolimex lỗ 1.145 nghìn tỷ
- Lãi nghìn tỷ đồng của Petrolimex từ đâu ra?
Theo thông báo được Liên Bộ Công Thương - Tài chính phát đi, kể từ 15h chiều 19/8 giá xăng bán lẻ trong nước sẽ giảm thêm 768 đồng/lít, từ mức 19.304 đồng/lít về 18.536 đồng/lít. Xăng E5 sau khi giảm giá không cao hơn mức 18.041 đồng/lít. Đối với các mặt hàng dầu, liên Bộ quyết định điều chỉnh giảm 441 đồng/lít đối với dầu diesel 0,05S; dầu hỏa giảm 703 đồng/lít và dầu madut giảm 736 đồng/kg. Với các mức giảm này, dầu diesel sẽ có giá mới không cao hơn 13.421 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 12.409 đồng/lít; dầu madut không cao hơn 10.136 đồng/kg.
Cùng với việc giảm giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu, liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Trước đó, giá xăng đã có 9 lần điều chỉnh từ đầu năm, với 4 lần tăng và 5 lần giảm, kể cả lần này. Lần giảm gần đây nhất, ngày 4/8, giá xăng đã giảm 816 đồng/lít.
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này đúng vào lúc dư luận đang chú ý đến thông tin Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có lợi nhuận tăng vọt 711 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trên báo cáo kết quả hoạt động hợp nhất của tập đoàn này có thể thấy, do giá xăng dầu năm nay giảm thấp, giá vốn bán hàng của Petrolimex cũng giảm, đạt khoảng hơn 75 nghìn tỷ đồng, giảm 26,5% so với hơn 102 nghìn tỷ đồng của năm trước, mặc dù sản lượng xuất bán của họ tăng đến 12%.
Bỏ vốn ít, lợi nhuận cao, việc xăng dầu thế giới giữ giá thấp còn “giúp” Petrolimex và các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác trong nước một việc là đặt giá xăng dầu ra ngoài “tầm ngắm” của dư luận, khiến các cơ quan quản lý thênh thang tăng giảm theo giá thị trường mà không phải kìm giữ giá. Với lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít, chi phí kinh doanh định mức được tăng thêm 190 đồng/lít (lên 1.050 đồng so với 860 đồng/lít của nửa đầu năm 2014), lại không phải ghìm giá chịu lỗ đương nhiên đã đẩy lợi nhuận của Petrolimex và nhiều đầu mối khác lên. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn này chỉ đạt 81.502 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 137%, đạt 1.586 tỷ đồng.
Theo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về báo cáo tài chính quý II/2015, nguyên nhân của việc nửa đầu năm nay tăng 711 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do kết quả kinh doanh một số công ty con, công ty liên kết trong các ngành nghề, lĩnh vực khác như hoá dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, dịch vụ… tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của tập đoàn thì lãi trong công ty liên kết, liên doanh từ đầu năm được gần 264,4 tỷ đồng, cao hơn khoảng 56 tỷ đồng so với con số gần 207,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, số lãi tăng còn lại (655 tỷ đồng) hoàn toàn là từ kinh doanh xăng dầu. Petrolimex cũng cho biết lợi nhuận này cũng có đóng góp của việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước, chi phí kinh doanh định mức và việc trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện đúng theo Nghị định 83 và việc tăng sản lượng xuất bán trong điều kiện kinh doanh có hiệu quả.
Tất nhiên, DN “cười” thì người tiêu dùng “mếu”, bởi lợi nhuận là từ túi người tiêu dùng mà ra. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay cả nước đã nhập 1,4 triệu tấn xăng với mức chi 875 triệu USD, tương ứng giá xăng bình quân là 629,3 USD/tấn, giảm khoảng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm hơn 20%.
Lý do vì với những tháng đầu năm 2014, chi phí kinh doanh định mức đối với RON 92 là 860 đồng/lít, thuế nhập khẩu là 18%, thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít, tỷ giá là 21.036 VND/USD; nhưng những tháng đầu năm nay, chi phí kinh doanh định mức với RON 92 tăng lên 1.050 đồng/lít, thuế nhập khẩu có giai đoạn ở 35%, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, tỷ giá bình quân là 21.673 VND/USD...
Điều này lý giải tại sao giá bán xăng dầu trong nước giảm không tương ứng. Tiêu chí điều hành giá xăng dầu được Chính phủ xác định là hài hoà lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là khái niệm không định lượng được, và như thế nào là “hài hoà” cũng còn gây nhiều băn khoăn.