Vi phạm sở hữu trí tuệ còn phức tạp nhưng khó xử lý

Thứ Bảy, 30/04/2016, 11:30
Bộ Khoa học – Công nghệ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015). Hội nghị có sự tham dự của 9 Bộ, ngành liên quan.

Theo thống kê của Bộ Khoa học – Công nghệ, trong giai đoạn 2012-2015, lực lượng chức năng của các Bộ, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả. Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc với tổng số tiền xử phạt trên 97 tỉ đồng; khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ, trong đó có 12 vụ xử lý hình sự.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, lực lượng chức năng cũng tịch thu, tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mĩ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giày dép, quần áo thời trang...

Một vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị phát hiện, thu giữ nhiều túi xách nhái hàng hiệu.

Ông Kiều Nghiệp, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, các vụ khởi tố hình sự còn ít. Trong khi đó, các văn bản pháp luật quy định chế tài xử phạt lại chưa thống nhất khiến lực lượng thực thi lúng túng.

Ông Nguyễn Văn Thuỷ - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) lại nhấn mạnh việc khó kiểm soát hàng giả xuất cảnh qua biên giới. "Chúng tôi chỉ kiểm soát xuất nhập khẩu qua biên giới, tuy nhiên hiện nay chưa có chế tài đối với hàng xuất khẩu quá cảnh. Thời gian vừa qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp làm hàng giả xuất đi, các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc sang. Nếu chúng ta không có chế tài để xử lý thì Việt Nam sẽ dễ trở thành điểm sản xuất hàng giả. Ngoài ra, hàng hoá quá cảnh cũng rất khó kiểm soát. Khối lượng hàng Trung Quốc quá cảnh tại Việt Nam để xuất sang Lào, Campuchia khá lớn. Lượng hàng này chủ yếu đi từ phía Bắc Việt Nam" – ông Thuỷ nói.

Chỉ trong năm 2015, lực lượng Hải quan đã bắt giữ khoảng 70 vụ, trong đó xử phạt hành chính khoảng 30 tỉ đồng, thu nộp ngân sách khoảng 18 tỉ đồng.

Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Hữu Cừ, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Bộ Công an) cho biết, vi phạm về sở hữu trí tuệ khá nhiều nhưng lại khó xử lý hình sự. Trong 2.047 vụ được phát hiện mới khởi tố được 381 vụ.

"Khởi tố các vụ việc liên quan đến hàng giả thì nhiều nhưng các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn xử lý hình sự được thì chủ thể phải có đơn kiến nghị, đồng thời chứng minh được việc vi phạm. Tuy nhiên, rất ít trường hợp chủ thể bị xâm phạm hợp tác với cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ phát hiện được một số vụ việc lớn, có tính chất bóc gỡ những đường dây, ổ nhóm để răn đe. Các lực lượng khác nếu thấy vụ việc nào có yếu tố hình sự thì hãy chuyển hồ sơ cho chúng tôi. Để giảm vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần tăng cường xử lý hình sự", ông Cừ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Thuỷ lại cho rằng, cái khó trong việc xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ nằm ở khâu giám định nhằm xác định vi phạm.

"Hiện nay mới chỉ có Cục Sở hữu trí tuệ làm công tác giám định. Tuy nhiên, việc giám định hiện nay chưa tốt, cùng một vụ việc mà nay giám định thế này, mai giám định lại khác, chúng tôi không biết làm sao", vị này nói.

Khánh Vy
.
.
.