Vẫn tranh cãi việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu

Chủ Nhật, 19/06/2016, 07:12
Trong khi Bộ Tài chính vẫn bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng tuy có những dư luận này khác, nhưng việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức tính giá cơ sở là cách “hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay”, Hiệp hội Xăng dầu lại cho rằng nên giảm hết thuế nhập khẩu về bằng mức ưu đãi đặc biệt, đồng thời tăng thu trong nước để đảm bảo công bằng, dễ điều hành, cân bằng được thu ngân sách và không gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trao đổi với báo chí ngày 17-6, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu một lần nữa nhắc lại quan điểm cho rằng cách tính thuế bình quân gia quyền hiện nay không phù hợp với Nghị định 83 (quy định trong công thức tính giá cơ sở là thuế nhập khẩu, chứ không phải thuế nhập khẩu bình quân), và đề xuất Bộ Tài chính nên hạ thuế nhập khẩu xăng xuống mức thấp nhất theo cam kết ưu đãi đặc biệt với Hàn Quốc là 10%, thay vì để 2 mức thuế (nhập ngoài thị trường Hàn Quốc là 20%) như hiện nay, đồng thời tăng thu nội địa để bù thu ngân sách.

Theo ông Ruệ, cách tính này không làm thay đổi giá cơ sở, người tiêu dùng không thiệt hại, vẫn đảm bảo thu ngân sách, dễ quản lý hơn cho các cơ quan nhà nước và công bằng hơn với các DN. “Đáng lẽ có 2 mức thuế thì phải có 2 mức giá cơ sở,  nhưng Bộ Tài chính không thể làm được điều này, nhưng áp dụng thuế bình quân gia quyền vẫn là không đúng”, Hiệp hội Xăng dầu khẳng định.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng: “Nếu thuế nhập khẩu (trong công thức tính giá cơ sở - pv) được tính theo mức thuế ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của DN kinh doanh xăng dầu do không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp; đặc biệt trong trường hợp các DN kinh doanh xăng dầu để không bị lỗ, chỉ nhập khẩu xăng dầu từ nguồn áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất mà nguồn cung không đáp ứng đủ (do năng lực sản xuất, quy trình sản xuất, do quan hệ  bạn hàng…) và không nhập khẩu từ nguồn khác có thuế suất cao hơn như MFN (do lỗ vì thuế nhập khẩu cao hơn thuế tính giá cơ sở) thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”. 

Về việc kéo thuế nhập khẩu xuống mức thấp nhất, Bộ Tài chính cho rằng hiện Việt Nam có 11 biểu thuế ưu đãi đặc biệt (theo các FTA) và 1 biểu thuế suất ưu đãi (MFN), mỗi biểu thuế có gần 10.000 dòng thuế.

Trong quá trình đàm phán các hiệp định, xăng dầu luôn được đưa vào danh mục loại trừ hoặc danh mục nhạy cảm cao, cần duy trì mức thuế nhập khẩu ở mức cao.

Tranh cãi xung quanh cơ chế điều hành xăng dầu vẫn chưa ngã ngũ.

Để đạt được các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong các FTA là rất khó khăn và phải có sự đánh đổi về lợi ích từ các ngành khác. Vì vậy, đồng nhất ngay mức thuế MFN với FTA là không hợp lý, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến cam kết của Chính phủ với các nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn (cam kết thuế nhập khẩu MFN là 7%, nếu giảm xuống dưới mức này thì Chính phủ phải bù, đồng thời gây bất lợi cho việc đàm phán của Việt Nam trong Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc và ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu khẳng định duy trì cách tính bình quân gia quyền hiện nay có quá nhiều bất cập.

Với cách làm hiện nay, các DN tìm được nhiều nguồn nhập từ Hàn Quốc sẽ có lợi, trong khi các DN nhập từ thị trường khác sẽ phải gánh lỗ, gây thiếu công bằng. Mặt khác, mặc dù Bộ Tài chính cho biết căn cứ theo số liệu của Hải quan về tỷ trọng nhập từ các thị trường để tính thuế bình quân gia quyền, nhưng mức thuế này dù sao cũng chỉ là tạm tính. Đơn cử, hiện nay, Bộ Tài chính mới đang thanh tra việc hoàn thuế ưu đãi đặc biệt của các DN đầu mối của 2015. Vậy nếu khi có số liệu thực về lượng nhập, mức thuế bình quân gia quyền thấp hơn so với thuế Bộ Tài chính tạm tính, thì số tiền chênh lệch sẽ giải quyết ra sao?

Phương án tính thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

“Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chỉ là tương đối, không chính xác được, người ta chỉ áp dụng cho thống kê chứ không áp dụng vào thực tế điều hành” – ông Phan Thế Ruệ khẳng định. 

“Khi anh tăng thu nội địa tương ứng với giảm thuế nhập khẩu thì giá bán lẻ không có gì thay đổi, ngân sách vẫn đảm bảo và quản lý dễ hơn. Chúng tôi cho rằng vào năm 2017, chúng ta cũng không tránh khỏi việc phải tăng thuế môi trường (lên kịch trần 4.000 đồng/lít) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Khoảng năm 2018, 2019 sẽ tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu. Có lẽ mở cửa càng sớm càng tốt, đưa thuế về 0% càng sớm càng tốt và nên bỏ những yếu tố như lợi nhuận định mức, tránh bức xúc của người dân về chuyện doanh nghiệp kiểu gì cũng có lãi” – ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh.

Vũ Hân
.
.
.