Ưu tiên phát triển điện mặt trời thay thế dần thủy điện

Thứ Hai, 27/11/2017, 09:30
Giảm dần năng lượng hoá thạch, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đang là hướng đi chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ… ngày càng cạn kiệt, thuỷ điện mang lại nhiều hệ luỵ thì năng lượng mặt trời đang được khuyến khích phát triển.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, an toàn và hiệu suất cao. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong cơ cấu nguồn điện năm 2016, thuỷ điện vẫn chiếm 38,3%, nhiệt điện than 34,6%, nhiệt điện khí 30%, còn lại là năng lượng tái tạo.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016 đặt mục tiêu nâng tổng công suất năng lượng tái tạo giai đoạn 2016-2030 lên 25.000 MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 đưa vào vận hành 3.603 MW, giai đoạn 2021-2025 là 6.290 MW và giai đoạn 2026-2030 là 15.190 MW.

Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang tiến hành bước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án năng lượng tái tạo, trong đó có 4 dự án điện mặt trời với tổng công suất 575 MW.

Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia được thụ hưởng lượng bức xạ nhiệt mặt trời nhiều nhất thế giới. Lượng bức xạ khắp cả nước đều vào loại tốt, trong khoảng 3-5kWh//m2/ngày, số giờ nắng trung bình hằng năm lên tới 2.500-3.000 giờ, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Hiện tại, có khoảng 30 nhà đầu tư đang xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở miền Trung.

Trong thời gian qua, công nghệ cho các nhà máy điện mặt trời nối lưới đã có nhiều bước phát triển đột phá. Nổi bật là việc ứng dụng thành công công nghệ nano vào trong sản xuất các tấm pin hấp thụ năng lượng đã làm gia tăng đáng kể tính hiệu quả và bền vững của các dự án đầu tư về điện mặt trời. Tuổi thọ của các thiết bị đã tăng từ 12 năm lên 20 năm, sản lượng điện tăng 30%, suất đầu tư giảm 40%,  an toàn với môi trường.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, kiêm Giám đốc Ban quản lí dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam hiện có trên 700 dự án thủy điện, trong đó khoảng 1/3 hoạt động không thực sự hiệu quả do lỗi thiết kế, công nghệ lạc hậu hoặc do thiếu nước để phát điện. Do đó, việc kết hợp phát triển các dự án điện mặt trời với các tấm pin đặt trên mặt nước hồ thủy điện đang trở thành giải pháp hiệu quả.

Cách làm này đang ngày càng được ưa chuộng tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… bởi chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại hiệu quả cao. Theo phân tích của ông Nghiệm, suất đầu tư cho 1 MW thủy điện là 2,5 triệu USD, trong khi điện mặt trời chỉ bằng một nửa.

Đặc biệt, nếu kết hợp phát triển điện mặt trời trên thủy điện sẵn có thì mức đầu tư chỉ khoảng 700.000 USD/MW. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu rõ, sẽ tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: “Đã đến lúc Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo bởi nó không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường do không thải ra khí, nước độc hại. Các nguồn nhiên liệu hoá thạch, đặc biệt là than đá đang chiếm phần lớn lượng phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Chúng ta không thể đảm bảo an ninh năng lượng bằng bất cứ giá nào”.

Khánh Vy
.
.
.