Tỷ phú khởi nghiệp từ trồng rừng
- Cả nước còn 29 dự án thủy điện chưa trồng rừng thay thế
- Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Tiếp chuyện chúng tôi trong cánh rừng bạt ngàn màu xanh, anh Trần Văn Điện tâm sự: “Tôi sinh trưởng trong gia đình nông dân. Cha tôi – ông Trần Văn Tư suốt ngày đêm bám đồng đất ở làng quê này để thực hiện ước mơ biến đồi trọc vùng Mật Cật, Suối Thị, Hóc Chản, Rọ Hươu… thành rừng. Giữa thời buổi cày cuốc thủ công, giao thông cách trở, nhưng cha tôi đã tạo lập vườn rừng 5 ha kết hợp chăn nuôi bò bằng sức lao động bền bỉ nên ông là một trong số hàng chục người được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân sản xuất giỏi” toàn quốc vào năm 1995”.
Niềm vui chưa trọn thì giữa năm 1997, ông Tư mất do lâm bệnh nặng, lúc đó Trần Văn Điện mới tuổi 15, phải bỏ học để theo người thân mưu sinh nhiều nơi. Những chuyến đi dài ngày suốt 3 năm chỉ đủ kiếm cơm nuôi miệng nên sau nhiều đêm suy tính kết hợp tìm hiểu mô hình kinh tế vườn rừng ở một số nơi, cuối năm 2000, chàng trai ấy quyết định trở về quê nhà để đi lên từ… “chân đất”.
Anh Trần Văn Điện bên rừng keo lá tràm. |
Bước khởi nghiệp của Điện bắt đầu từ nguồn vốn 5 ha rừng trồng của người cha để lại đã bị cây cỏ hoang dại phủ dày sau 3 năm không chăm sóc. Sáng sớm mỗi ngày, Điện vác cuốc, rựa lầm lũi vào rừng cùng với nhân công phát dọn thực bì rồi tiếp tục khai hoang “đất trống, đồi trọc” để mở rộng diện tích rừng trồng tăng dần hơn 30ha.
Anh Điện chia sẻ: “Để có tiền đầu tư mở rộng vườn rừng, tôi tính toán phương thức “lấy ngắn, nuôi dài”, khai hoang đến đâu cày xới đến đó rồi tranh thủ độ màu mỡ của đất để trồng ngô, sắn, mía trước khi trồng rừng. Nguồn tiền thu từ nông sản, tôi mua gỗ keo của người dân để bán cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu gỗ rồi mua lại đất khai hoang của nhiều người dân địa phương để trồng rừng”. Bằng giải pháp đó, đến năm 2007, Điện đã sở hữu gần 100ha rừng trồng, đến nay diện tích rừng của ông chủ trẻ này đã tăng hơn 200ha.
Anh Điện bày tỏ: “Không phải “cầu may, chờ thời” mà để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng trồng và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất do hỏa hoạn, tôi không chỉ tra cứu mạng Internet, tìm hiểu thông tin khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp và những mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp để vận dụng, học tập kinh nghiệm mà còn chủ động bảo vệ rừng gắn liền phòng cháy chữa cháy”. Theo đó, ngoài việc xây lắp hệ thống rào lưới thép khoanh vùng toàn bộ diện tích sở hữu rừng trồng, Điện còn chủ động thiết kế, xây dựng nhiều đường băng cản lửa với tổng chiều dài hơn 15km, xây lắp 30 bể nước, hệ thống bơm nước cao áp chữa cháy, đồng thời xây dựng tháp canh ở vị trí cao nhất trong rừng để lắp đặt camera mở rộng tầm quan sát, kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống cháy rừng đồng thời ngăn chặn kẻ trộm đốn hạ cây gỗ…
Giữa lúc rừng trồng tạo được nguồn thu tiền tỷ mỗi năm thì cơn bão số 12 cuối năm 2017 cuốn đổ hàng trăm ngàn cây keo, bạch đàn, xà cừ. Thuê nhân công tận thu cây đổ với chi phí khá cao, nhưng các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ giảm giá mua mỗi tấn từ 1,3 triệu đồng xuống 800.000 đồng, thậm chí một khối lượng lớn gỗ bạch đàn không ai mua. Sau nhiều ngày đêm suy tính, anh Điện tìm ra giải pháp “biến lỗ thành lãi” khi xác lập kế hoạch sản xuất than củi từ nguồn gỗ rừng trồng.
Bằng những thông tin tra cứu trên mạng Internet và sự hỗ trợ kỹ thuật của bạn bè ở Hậu Giang, anh Điện lập thủ tục đầu tư 200 triệu đồng xây lắp 4 lò đốt có tổng công suất mỗi tháng 120-140 tấn sản phẩm than củi. Hệ thống lò đốt này không chỉ “tiêu thụ” một khối lượng lớn cây gỗ tận thu do đổ, ngã, hư hỏng mà giá bán than củi từ mỗi tấn gỗ keo lên đến 1,5 - 1,7 triệu đồng, mỗi tháng thu lãi 40 triệu đồng, cộng với tiền bán nguyên liệu gỗ, mỗi năm anh Điện thu được gần 2 tỷ đồng.