Tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm hơn 2015

Thứ Ba, 16/02/2016, 17:03
Đây là nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 1-2016. Theo cơ quan này, kinh tế Việt Nam đầu năm 2016 tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng có dấu hiệu chậm hơn 2015.

Dẫn số liệu năm 2015, UBGSTCG cho biết tăng trưởng GDP năm 2015 tăng khá nhờ khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo: tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn nhiều so với mức kế hoạch đầu năm là 6,2%. Tăng trưởng phục hồi có đóng góp của cải thiện về năng suất của nền kinh tế, thể hiện trước hết ở hệ số ICOR giảm chỉ còn 4,62 so với mức 5,2 và  5,6 của năm 2014 và 2013 và 6,4 của thời kỳ 2008 - 2012. Các yếu tố sản xuất khác (vốn và lao động) cũng tiến bộ, giúp nâng cao mức tăng trưởng dài hạn.

Tuy nhiên, tăng trưởng ngắn hạn (thành phần tăng trưởng do yếu tố chu kì) đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ quý IV/2015. “Do đó, dựa trên phương pháp phân rã tăng trưởng thành tăng trưởng dài hạn và tăng trưởng do yếu tố chu kì, UBGSTCQG dự báo năm 2016 mức cải thiện về tăng trưởng sẽ không cao như năm 2015”, báo cáo viết. Cụ thể hơn, UBGSTCQG cho rằng năm 2016 tăng trưởng GDP có một số thuận lợi như hiệp định thương mại được ký kết, đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài khả quan hơn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ triển khai các Luật mới ban hành và sửa đổi. Tuy nhiên, các thách thức đối với tăng trưởng là không nhỏ: xu hướng tăng chậm lại của khu vực nông sản- thủy sản và xuất khẩu nông sản; khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế; cổ phần hóa DNNN và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.

Áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn.

Điểm đáng chú ý, đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Tháng 1-2016, lạm phát ở mức 0,8% (so cùng kỳ), tăng nhẹ so với tháng trước. Lạm phát thấp do giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản cũng duy trì xu hướng giảm nhẹ kể từ quý III/2015, còn 1,8% vào tháng 1-2016. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, thị trường ngoại hối ổn định. Bước vào năm 2016, NHNN áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm, một chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt hơn các biến động khó lường của thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng NDT nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và việc làm của nền kinh tế Trung Quốc. Còn với chứng khoán, kể từ đầu năm, thị trường cổ phiếu trong nước biến động tương đối mạnh do chịu tác động tâm lý từ sự sụt giảm liên tục của các thị trường chứng khoán quốc tế cùng với giá dầu thô xuống dưới mức 30 USD/thùng. Cộng với đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 870 tỷ đồng (39 triệu USD) cổ phiếu niêm yết từ đầu năm đến 25-1-2016, tạo áp lực giảm giá lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đồng nghĩa với rút vốn ra khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng trở lại khi thị trường tài chính quốc tế bình ổn trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định.

Một khó khăn lớn đối với kinh tế đó là áp lực đối với thu – chi ngân sách. Tính 15 ngày đầu năm 2016, thu từ dầu thô đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 48,6% so với cùng kỳ 2015. Do độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân tháng 1-2016 ở mức 40 USD/thùng, tuy nhiên việc giá dầu tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 30 USD/thùng và dự báo có thể xuống thấp hơn nữa đã và đang tạo áp lực lên thu từ dầu thô ngay từ những ngày đầu năm. Dự kiến, với giá dầu xây dựng dự toán 60 USD/thùng, nhiều khả năng thu ngân sách từ dầu năm 2016 cũng sẽ không đạt dự toán như năm 2015.

Lệ Thúy
.
.
.