Tín dụng không nên “chảy” vào một số "đại gia"

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:54
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương gần đây, Thủ tướng có đặt vấn đề là tín dụng này không nên chảy vào một số "đại gia" mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh,

Ngày 18-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017. NHNN là đơn vị thứ 28 mà Tổ công tác kiểm tra và là đơn vị thứ 4 được kiểm tra, đôn đốc mục tiêu tăng trưởng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành chính sách tiền tệ đã chủ động, linh hoạt, thành công, thể hiện ở mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh được chú trọng hơn.

Cụ thể là đã kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù tăng trưởng GDP trong 6 tháng chỉ đạt 5,73% nhưng các chỉ tiêu vĩ mô bảo đảm rất tốt, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng rất khá so với cùng kỳ 2016. Mặt bằng lãi suất cho vay ổn định hơn, có thời điểm giảm nhẹ.

Tỷ giá ổn định, nhất là lòng tin thị trường vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định. Tăng trưởng tín dụng khá tốt so với 8 năm gần đây, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,28%, huy động tín dụng tăng 7,43% so với cùng kỳ.

Về mục tiêu tăng trưởng, NHNN đã có giải pháp mạnh là hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, đầu tư hạ tầng. NHNN cũng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, kỷ luật kỷ cương, an toàn hệ thống…

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới NHNN cần đưa giải pháp về 6 vấn đề như: Tín dụng và hạ lãi suất; Không nên để tín dụng “chảy” vào một số đại gia lớn; có giải pháp huy động nguồn lực USD trong dân; sở hữu chéo… Đặc biệt, là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất. Đây là vấn đề rất quan trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18-20%.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương gần đây, Thủ tướng có đặt vấn đề là  tín dụng này không nên chảy vào một số "đại gia" mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. 

Năm 2016, cả nước có 110.000 DN thành lập mới, 6 tháng đầu năm có xấp xỉ 60.000 DN mới, nhưng số DN dừng hoạt động, đóng cửa cũng nhiều do các nguyên nhân như khó khăn về tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách…

Nghị quyết phiên họp Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%. “Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết, có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu… Đồng thời, NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực rất lớn trong dân. Và NHNN phải tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đây đều là những vấn đề rất quan trọng và trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt để triển khai.

Phan Đức
.
.
.