Tổng kết đề án nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ

Thứ Tư, 28/06/2017, 12:26

Sáng 28-6, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ. 

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo NHCSXH Việt Nam, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ ra đời vào đầu năm 2012 trong bối cảnh tín dụng chính sách xã hội trong vùng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. 5 năm qua, đề án đã giúp trên 2,350 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển SXKD. Đề án với những giải pháp đồng bộ đã tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực sau 5 năm tổ chức thực hiện. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Đến ngày 31-12-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2,062 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (tăng 64,5%) so với cuối năm 2011; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%. 

Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224.542 triệu đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 410.224 triệu đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn. 

Công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng được chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2012 - 2016 doanh số cho vay đạt 33.393 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 22.225 tỷ đồng (bằng 66,5% doanh số cho vay, tăng 17,5% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án). 

Tổ tiết kiệm và vay vốn được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động dần đi vào nề nếp. Đến 31/12/2016, toàn vùng có 39.593 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giảm 2.259 Tổ so thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án. 

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Trong đó có 29.135 Tổ xếp loại tốt (chiếm 73,5%), tăng 13.208 tổ so thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án; Tổ yếu kém còn 1.186 Tổ (chiếm 3%), giảm 798 tổ. Điểm nổi bật trong giai đoạn 2012 - 2016 là hiệu quả việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, kết quả Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đã “đảo chiều ngoạn mục” so với năm 2011. Để đạt được kết quả trên, theo Phó Thủ tướng là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, đoàn thể nhân dân. 

Đề án đã giúp cho trên 2,350 triệu lượt người nghèo vùng Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, sắp tới vùng Tây Nam Bộ cần phải nỗ lực thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo hơn nữa khi mà tổng dư nợ của NHCSXH là 157.000 tỷ đồng, nhưng riêng Tây Nam Bộ chỉ đạt 28.000 tỷ đồng, còn rất khiêm tốn. Cả nước đã có 30 triệu lượt hộ tiếp nhận chương trình nhưng vùng Tây Nam Bộ chỉ có khoảng 2,4 triệu lượt hộ tiếp cận. 

Để chính sách phát huy hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cấp chính quyền trong vùng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách quan trọng, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, gắn chặt với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 2,350 triệu lượt người nghèo, các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động. Trong đó, trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…


Văn Đức
.
.
.