Tìm hướng phát triển bền vững sâm Ngọc Linh
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, đại diện lãnh đạo 2 địa phương có sâm Ngọc Linh là Quảng Nam và Kon Tum, đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân cùng gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đến sâm Ngọc Linh.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về sâm Ngọc Linh. |
Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, được xếp vào 1 trong 5 loại sâm tốt nhất thế giới và có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe cộng đồng và có giá trị kinh tế cao.
Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, đầu tư cho cây sâm Ngọc Linh, đặc biệt, trước thềm hội thảo này, ngày 5-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm Quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng.
Thực tế cho thấy việc phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh, giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích hơn 15.000ha. Hiện nay đã hình thành và xây dựng 2 Trạm bản tồn, nuôi trồng, lưu giữ nguồn gen và phát triển sâm núi Ngọc Linh trên địa bàn huyện với diện tích hơn 20ha. Thời gian đến, Quảng Nam sẽ ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với việc chọn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kết hợp chế biến sâu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm quý hiếm này. |
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học và 2 địa phương có sâm Ngọc Linh là Quảng Nam, Kon Tum đã đánh giá thực trạng phát triển cây sâm Ngọc Linh thời gian qua.
Bên cạnh đó, hội thảo đã tập trung bàn giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển sâm giai đoạn 2020-2030, trong đó chú trọng xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong việc phát triển sâm Ngọc Linh thành hàng hóa có tính cạnh tranh, đáp các ứng yêu cầu của sản phẩm Quốc gia.