Thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

Thứ Hai, 17/06/2019, 08:11
Chịu ảnh hưởng từ những nguyên nhân khách quan như chính sách, thủ tục, cho đến nguyên nhân chủ quan như quá trình triển khai dự án, tiến độ giải ngân vốn ODA đang là mối quan tâm của Chính phủ cũng như các ngân hàng đối tác.


Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thì tình hình giải ngân chậm đang là mối quan tâm của Việt Nam và các đối tác ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm trễ, có nguyên nhân đến từ chính sách, có nguyên nhân đến từ thủ tục, có nguyên nhân đến từ việc giải ngân rút vốn, có nguyên nhân đến từ việc tổ chức thực hiện dự án…

Trong đó, các nguyên nhân chính vẫn là việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn vẫn chưa được hoàn thành cho dù chỉ còn 18 tháng nữa là hết thời hạn kế hoạch trung hạn bao gồm: 12 chương trình, dự án, trong đó 10 dự án thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển đã được ký kết với tổng vốn vay là 1.118,37 triệu USD; Toàn bộ các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn chậm, chưa kịp thời. Một số kế hoạch vốn ngoài nước giao không phù hợp với hiệp định vay, khả năng thực hiện dự án; Cơ quan Trung ương/Sở Tài chính chậm nhập và phê duyệt/kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngoài nước trên TABMIS; Nhiều địa phương có nợ quá hạn trên 180 ngày với ngân sách nhà nước, dù đã ký Hợp đồng cho vay lại nhưng chưa đủ căn cứ để giải ngân…
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA.

Về phía nhà tài trợ thì thời gian phải xử lý cho việc giải ngân rút vốn trung bình khoảng 2 tuần; Thời gian lưu chuyển thư sang nước ngoài và Nhà tài trợ KFW xử lý trong nội bộ là khoảng 20 ngày. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 120 về chuyển nguồn cần được hướng dẫn rõ hơn, năm 2018 là năm đầu tiên áp dụng chuyển nguồn nên việc giải ngân rút vốn có nhiều vướng mắc do chưa quen cơ chế mới. Các chủ dự án chậm báo cáo tất toán các khoản tạm ứng với nhà tài trợ và chậm làm thủ tục nên đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn…

Trước thực tế với tiến độ chậm và những vướng mắc nói trên, đại diện Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại đề xuất triển khai các giải pháp theo hai nhóm. Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật để có những điều chỉnh thể chế kịp thời phù hợp với từng giai đoạn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giao dự toán đầy đủ, đúng thời gian luật đã quy định, giao sát nhu cầu thực tế, có cơ chế linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ, nghiên cứu cơ chế thông thoáng hơn về chuyển nguồn vốn ODA, vay ưu đãi.

Các cơ quan chủ quản khẩn trương hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng cho vay lại, chủ động và đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và ban quản lý dự án; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư…

Thứ 2, về phía Bộ Tài chính, cần rà soát cơ chế chính sách nhằm xử lý các vướng mắc trong thời gian vừa qua; thường xuyên trao đổi với chủ dự án và nhà tài trợ để nắm chắc tiến độ dự án và các vướng mắc phát sinh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan cho vay lại đối với thủ tục thẩm định; rà soát quy trình giải ngân, rút vốn và tăng cường năng lực cho ban quản lý dự án, thiết kế các lớp huấn luyện theo chuyên đề…

Từ phía ngân hàng đối tác, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam và ông Achim Fock – Giám đốc điều phối hoạt động dự án Văn phòng WB tại Việt Nam cho rằng giải pháp không phải chỉ ở riêng Bộ Tài chính mà cần phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện, nhằm cải thiện tình hình giải ngân năm 2019 và các năm tiếp theo. Nhà tài trợ sẵn sàng phối hợp, chia sẻ các nghiên cứu, đánh giá, dự báo giải ngân để hỗ trợ Chính phủ.

Chính sách thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất để thực hiện dự án vay ODA

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Đại sứ quán Nhật Bản về chính sách thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế nhập khẩu (NK) đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất thì máy móc xây dựng, máy ủi, tàu… của nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu - tái xuất để thực hiện dự án vay ODA tại Việt Nam không thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nên phải nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập khẩu, khi tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu.

Về điều kiện áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa và các điều kiện khác quy định tại Hiệp định CP-TPP thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CP-TPP, khi tái xuất khẩu sẽ được hoàn lại khoản thuế nhập khẩu tương ứng trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa. Về thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết, theo các quy định hiện hành, máy móc, vật tư của nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Với thuế Tiêu thụ đặc biệt, trường hợp máy móc, vật tư không phải là xe ôtô, mô tô, tàu bay, du thuyền, điều hòa nhiệt độ, xăng các loại quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt được tạm nhập - tái xuất để thực hiện dự án thì không thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp máy móc, vật tư tạm nhập - tái xuất để thực hiện dự án là các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuộc diện phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt khi tạm nhập khẩu và được xử lý hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi tái xuất khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. (Trân Trân)

Hà An
.
.
.