Thu ngân sách đạt khá, nhưng nợ đọng vẫn cao

Chủ Nhật, 10/07/2016, 08:44
Đây là số liệu được Tổng cục Thuế công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác triển khai thuế 6 tháng đầu năm, triển khai các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2016.


Thu NSNN đạt 106,3% so với cùng kỳ

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2016, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 kết quả thu do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 393.546 tỷ đồng, bằng 48,6% so với dự toán, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Nợ thuế vẫn duy trì ở ngưỡng khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý là các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó: thu từ khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 53,8% dự toán, tăng 22,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,1% dự toán, tăng 12,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 56,1% dự toán, tăng 16,8%; thu tiền sử dụng đất đạt 75,2% dự toán, tăng 34,2%...

Tiến độ thu của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 45/63 địa phương thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt từ 50% dự toán trở lên), trong đó không kể tiền sử dụng đất thì có 16 địa phương đạt trên 55% dự toán; 57/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015…

Đại diện Cục Thuế Hà Nội,Cục trưởng Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Cục chỉ đạo quyết liệt các Chi cục thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời đảm bảo yêu cầu dự toán thu NSNN được Tổng cục giao. Cục Thuế một số địa phương cũng đã đề xuất Tổng cục Thuế rà soát toàn diện nhằm đôn đốc kiểm tra những khoản lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty, bởi cổ tức lợi nhuận liên quan đến cả hệ thống công ty liên kết nên phải rà soát cả các công ty con.

Trên cơ sở đó mới có số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý thuế. Đề nghị Tổng Cục báo cáo Bộ có giải pháp kết nối thông tin giữa các bộ ngành để luân chuyển hồ sơ… tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý, cho cả người dân và doanh nghiệp. Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung đối với các hộ kinh doanh cùng ngành nghề….

Nợ đọng thuế vẫn chiếm 7,5%

Có 1 điểm đáng chú ý là dù thu ngân sách đạt khá, nhưng tổng nợ đọng thuế vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng, và không ít địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái. So với dự toán thu ngân sách, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang để tình trạng nợ đọng thuế chiếm tới hơn 20% tổng thu. Có 19 địa phương thuộc diện "bất thường" có tổng nợ đọng tới hiện tại tăng hơn 30% so với cuối năm 2015 như: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng,...

Thậm chí với riêng Thái Bình, tỷ lệ nợ thuế đã chiếm gần một nửa (45%) dự toán thu ngân sách. Điều này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là bất bình thường vì nếu so với dự toán thu năm nay của NSNN là hơn 1 triệu tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ đọng thuế đang chiếm khoảng 7,5% dự toán. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này ở mức khoảng 5% thu ngân sách.

Trao đổi về nguyên nhân của khoản nợ đọng hiện tại, ngành Thuế cho rằng một phần do giai đoạn những năm 2007-2008 và năm 2012, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bắt buộc phải chậm nộp thuế. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp vì lý do này khác đã tìm mọi cách “lách” thuế. Ông Nguyễn Thế Mạnh cảnh báo trong thời gian qua, chỉ riêng tại Hà Nội đã có 17 trường hợp phải chuyển cơ quan Công an vì những đối tượng này đang chịu cưỡng chế nợ thuế nhưng vẫn tiếp tục thành lập pháp nhân mới.

Bởi vậy, một giải pháp được ông nêu lên là phối hợp với ngành Công an để theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp. Hay một “chiêu” lách thuế khác, theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh Đinh Nho Hậu, tình trạng cưỡng chế thuế gặp khó vì nhiều doanh nghiệp đã mở tài khoản tại nhiều ngân hàng, trong đó bao gồm cả ngân hàng ở các tỉnh khác nhau để tránh việc bị soi dòng tiền. Vì thế, ông  Hậu đề xuất Tổng cục Thuế làm việc, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thông báo ngay với cơ quan thuế mỗi khi doanh nghiệp mở một tài khoản mới bất kỳ tại ngân hàng.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Tuấn đề nghị 6 tháng tới, ngành Thuế phải thực hiện kiểm tra nội bộ, thanh kiểm tra việc nợ thuế của các cục thuế được coi là bất bình thường nói trên, làm sao để kéo về mức bình thường. Ngành Thuế phải có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp để nghiên cứu cụ thể từng khoản nợ và công việc phải làm, chỉ ra từng địa chỉ cụ thể, những ai phải làm gì, bao giờ xong và định kỳ có báo cáo giám sát…

Nhóm PV
.
.
.