Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng ấn tượng

Thứ Ba, 30/04/2019, 09:25
Trong 4 tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài đang là điểm sáng của nền kinh tế, với tốc độ tăng vốn FDI nhanh cộng với vốn giải ngân cao đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong khối ASEAN được các nhà đầu tư lựa chọn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), FDI 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến ngày 20-4, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ, vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.

Đặc biệt, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018 và có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký. Về điều chỉnh vốn, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện giải ngân 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2018 và kịp thời bổ sung nguồn lực vào nền kinh tế. Thực tế này cho thấy niềm tin vào thị trường và tương lai đầu tư vào Việt Nam của giới đầu tư quốc tế đang duy trì ở mức cao, liên tục.

Sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng Mỹ- Trung là một điểm cần chú ý trong năm 2019.

Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động lâu dài. Chất lượng môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, hướng tới tiêu chí đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm chi phí và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp FDI.

Những cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp FDI thể hiện rõ tính cầu thị, thiện chí và chia sẻ giữa hai bên... Do vậy, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn.

Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) Nguyễn Anh Dương cho rằng, đang có sự quan tâm nhất định của DN FDI đến Việt Nam và đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rất lớn. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, không ít các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bên cạnh đó, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đã và đang tăng đều qua các năm, ngày càng thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư theo tiêu chí minh bạch, thiết thực. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ. Hơn nữa, Việt Nam được hưởng lợi từ việc tham gia các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP nên giới đầu tư quốc tế gia tăng đầu tư, tìm kiếm cơ hội đặt cơ sở sản xuất để làm hàng xuất khẩu với chi phí rẻ (gồm chi phí nhân công thấp, thuế suất thấp hoặc bằng 0%, chi phí vận tải hợp lý và các dịch vụ liên quan...).

Theo TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với sự xuất hiện của các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới thì Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu, áp dụng những cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Đó là tăng cường công tác thẩm định, chọn lọc một cách kỹ càng; kiên quyết từ chối những dự án có mức tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng; chiếm dụng mặt bằng lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, cần phát huy tính tự chủ và vị thế chủ nhà để phát hiện, kiên quyết loại bỏ dự án có thể gây ô nhiễm, phá hoại môi trường.

Lưu Hiệp
.
.
.