Thiếu hụt lao động nghề cá dịp cuối năm

Thứ Tư, 18/12/2019, 08:31
Dịp cuối năm, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao để phục vụ Tết, nhất là nguồn hải sản, nên hầu hết tàu, thuyền ngư dân miền Trung đều vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, do nghề đi biển mang tính thời vụ, lại thu nhập bấp bênh nên năm nay có không ít ngư dân bỏ nghề khiến các chủ tàu xa bờ “đỏ mắt” tìm lao động...

Chúng tôi có mặt tại Cảng cá Thừa Thiên-Huế (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), vào một ngày cuối năm 2019. Sáng sớm, cảnh mua bán tấp nập khi nhiều tàu cá xa bờ vừa cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá. Trên cầu cảng, nhiều phụ nữ làm nghề thu mua hải sản đang cân những rọ cá các loại để chất lên xe chở đến chợ đầu mối, hoặc các kho chứa hải sản đông lạnh cấp đông chờ cung ứng ra thị trường. Mặc dù hoạt động mua bán hải sản dịp cuối năm diễn ra nhộn nhịp, nhưng có một điều nghịch lý là không ít chủ tàu cá phải cho tàu nằm bờ vì không tìm ra lao động nghề cá.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh (ở xã Phú Thuận) tâm sự rằng, dịp cuối năm, dù nhu cầu tiêu thụ hải sản trên thị trường tăng cao, nhưng sau chuyến biển vừa rồi, ông phải cho tàu nằm bờ, vì tìm không đủ lao động đi biển. “Tàu cá của tôi có công suất gần 500CV nên mỗi chuyến ra khơi phải 12 lao động, hoặc cao hơn. Nhưng vì cuối năm, người lao động thường bận công việc gia đình, một số chuyển sang làm các nghề thời vụ có thu nhập cao hơn nên họ không mặn mà với việc ra khơi.

Nhiều ngày qua, tôi đã gọi rất nhiều ngư dân ở địa phương và ở các xã lân cận nhưng chỉ mới có 7 lao động đồng ý đi biển, còn những người khác đều từ chối. Nếu đợi thêm 1, 2 ngày nữa mà không có thêm lao động đi biển thì tôi vẫn nhất quyết cho tàu ra khơi đánh bắt vụ Tết, chứ không thể nằm bờ mãi được!”.

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế thiếu hụt lao động dịp cuối năm.

Cũng như ông Minh, không ít chủ tàu cá có công suất lớn ở các xã như Phú Hải, Phú Thuận, thị trấn Thuận An… thuộc huyện Phú Vang và các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho tàu nằm bờ, hoặc tàu ra khơi chỉ trong thời gian ngắn, do thiếu hụt nguồn lao động đi biển vào dịp cận Tết.

Vừa thay lá cờ Tổ quốc mới trên nóc tàu cá, ngư dân Trần Văn Hoàng ở xã Phú Hải, chủ tàu cá được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, băn khoăn: “Nếu trước đây, gia đình tôi có chiếc tàu nhỏ thì việc ra khơi đều đặn hơn. Do tốn ít chi phí về nhiên liệu, nhân công… nên chuyến biển nào cũng có lãi. Còn giờ, có tàu cá mới công suất lớn, máy móc được đầu tư hiện đại nhưng chủ tàu như tôi rất áp lực vì thời gian đi biển không nhiều như trước.

Nguyên nhân do nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt vì tình trạng đánh bắt, khai thác hủy diệt khiến nhiều chuyến ra khơi thua lỗ, hoặc tiền bán cá chỉ đủ trả tiền dầu. Thứ nữa là thiếu hụt lao động nghề cá trầm trọng. Giờ vợ chồng tôi rất lo, bởi Tết đến nơi rồi, nhưng tàu cá cứ nằm bờ thế này thì không biết lấy gì để trả vốn vay đóng tàu cho ngân hàng”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thời gian qua, các chủ tàu cá xa bờ ở địa bàn xã đều được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển theo quy định và tại địa phương, chính quyền xã đang nỗ lực, tuyên truyền để người dân đoàn kết vươn khơi bám biển.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, còn cho biết thêm, hiện địa phương có gần 400 tàu cá công suất từ 250 đến 820CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có khoảng 200 chiếc. Nhờ ngư dân cần mẫn bám biển nên sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản trong năm 2019 đạt 11.080 tấn, vượt kế hoạch đề ra.

Trước thực trạng thiếu hụt lao động nghề cá dịp cuối năm, chính quyền địa phương đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền để ngư dân, người lao động, nhất là lao động trẻ tích cực vươn khơi bám biển. Tàu, thuyền có vươn khơi bám biển thì mới đảm bảo được nguồn cung hải sản cho thị trường vào dịp cuối năm, mặt khác hoạt động bám biển của ngư dân còn góp phần bảo vệ ngư trường, lãnh hải của Tổ quốc...

Anh Khoa
.
.
.